Điều tra việc ông Gaddafi bị hành hình

22/10/2011 09:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 21/10, báo chí phương Tây đã công bố nhiều tình tiết mới liên quan tới cái chết của nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ, ông Muammar Gaddafi, trong đó có đặt ra nghi vấn ông bị hành quyết sau khi đã đầu hàng. Sự kiện lập tức đã vấp phải những lời lên án từ nhiều cơ quan bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả LHQ.

Al Jaeezera là một trong những hãng tin đưa tin sớm nhất và chi tiết nhất về cái chết của ông Gaddafi.

Nhiều hồi kết khác nhau

Thi thể đẫm máu của ông Gaddafi, với một vết đạn chết người hiện rõ trên thái dương.

Theo đó, trước bình minh ngày 20/10, ông Gaddafi, dưới sự yểm trợ của khoảng chục vệ sĩ trung thành và lãnh đạo quân đội Abu Bakr Younis Jabr đã phá vòng vây ở thành phố Sirte để tìm đường chạy trốn. Ông Gaddafi đi theo hướng Tây trong một đoàn xe gồm 15 chiếc, nhưng nhanh chóng bị máy bay do thám không người lái và lính đặc nhiệm NATO phát hiện.

Các đơn vị này đã gọi máy bay không kích và kết quả là các chiến đấu cơ NATO đã tấn công đoàn xe lúc 8h30 sáng. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gerard Longuet sau đó xác nhận thông tin về vụ tấn công, vốn khiến 15 chiếc xe và khoảng 50 tay súng của Gaddafi thiệt mạng, do quân đội nước này thực hiện.

Tuy nhiên Gaddafi và một nhóm các vệ sĩ đã thoát chết đã chạy tới núp ở hai ống cống dẫn nước thải. Họ định trốn khỏi một lực lượng đông đảo các tay súng của NTC đang trên đường truy bắt, nhưng đã không thành công khi nhanh chóng bị phát hiện. “Đầu tiên chúng tôi dùng súng phòng không bắn họ, nhưng không ăn thua” - Salem Bakeer, một chiến binh của NTC nói - “Vậy là chúng tôi phải trực tiếp tấn công. Một trong những tay súng của Gaddafi đã bước ra, giơ súng lên cao và hô đầu hàng, nhưng khi vừa thấy mặt tôi anh ta bèn nổ súng. Rồi có vẻ như Gaddafi đã ra lệnh cho họ dừng lại. Ông ta cũng ở trong cống và đã bị thương vào chân và lưng”. Bakeer nói rằng, khi lính NTC tới bắt Gaddafi ra ngoài, ông luôn miệng hỏi “có chuyện gì vậy”, nhưng bị đẩy lên một chiếc xe tải.

Kể từ đây, câu chuyện có nhiều “hồi kết” khác nhau. Một số thành viên của NTC khẳng định Gaddafi đã bị vệ sĩ của chính ông bắn. “Một vệ sĩ của Muammar Gaddafi đã bắn ông ta trúng ngực” - chiến binh có tên Omran Jouma Shawan tuyên bố. Tất cả số vệ sĩ về sau đều bị bắn chết hết nên thông tin của Shawan rất khó kiểm chứng.

Ống cống dẫn nước thải, nơi người ta bắt được ông Gaddafi.

Một nguồn tin khác lại nói rằng Gaddafi được đưa lên một chiếc xe cứu thương chạy tới thành phố Misrata và chết trên đường đi vì mất máu. Tuy nhiên Thủ tướng lâm thời Mahmoud Jibril tuyên bố trong cuộc họp báo diễn ra hôm 20/10, rằng Gaddafi không bị thương chí mạng khi được đưa lên xe cứu thương, nhưng đã chết vì một viên đạn găm vào đầu, khi đoàn xe đi ngang qua một ổ phục kích của binh lính trung thành với ông. Các bác sĩ kiểm tra thi thể Gaddafi nói rằng họ không thể xác định đầu đạn thuộc về quân Chính phủ lâm thời hay binh lính trung thành với nhà lãnh đạo bị lật đổ.

Tuy nhiên, hôm 21/10, một viên bác sĩ tham gia giám định tử thi Gaddafi lại khẳng định ông đã bị hành quyết. “Gaddafi bị bắt khi ông còn sống, nhưng bị giết sau đó. Có một viên đạn xuyên qua bụng ông và đây là nguyên nhân gây ra cái chết” - bác sĩ Ibrahim Tika nói với kênh truyền hình Al Arabiya - “Ngoài ra còn có một viên đạn khác bắn vào phần trước đầu và xuyên qua phía sau”. Thông tin Gaddafi bị bắn vào bụng cũng được một quân nhân NTC là Adel Samir xác nhận. Anh này nói với tờ Telegraph rằng Gaddafi bị bắn hạ bằng một khẩu súng ngắn sử dụng đạn 9mm và viên đạn xuyên vào ổ bụng.

Trong khi đó Imad Moustaf, một binh sĩ NTC khác lại kể với tờ Global Post rằng Gaddafi bị bắn vào đầu và tim.

LHQ yêu cầu điều tra

Thông tin về việc ông Gaddafi có khả năng bị hành quyết đã nhận nhiều sự chỉ trích từ các cơ quan bảo vệ nhân quyền. Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên tiếng yêu cầu NTC thực hiện “một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và công bằng về cái chết của Gaddafi”. Văn phòng Cao uỷ LHQ về Nhân quyền (OHCHR) cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự.

Phản ứng trước thông tin về cái chết của ông Gaddafi, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã bày tỏ sự tiếc thương về sự ra đi của một người "chiến sỹ đấu tranh" và giờ đây đã trở thành "liệt sỹ".

“Có rất nhiều thông tin chưa được làm sáng tỏ về điều gì đã thực sự xảy ra (với Gaddafi). Dường như có từ 4-5 kịch bản khác nhau về việc ông ấy đã chết ra sao” - phát ngôn viên Cơ quan Nhân quyền LHQ Rupert Colville cho hãng tin Reuters biết - “Nếu anh xếp các đoạn video với nhau, chúng sẽ mang tới một bức tranh rất đáng ngại, bởi anh thấy cảnh một người bị bắt khi còn sống và một lúc sau thì đã chết. Chúng tôi không ở vị trí có thể ra kết luận về việc gì đã xảy ra khi đó, nhưng chúng tôi thấy rằng điều quan trọng là phải làm sáng tỏ những bí ẩn, phải có những cuộc điều tra nghiêm túc về chuyện gì đã gây ra cái chết cho ông ấy”.

Theo ông Colville, các nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế có quy định những người bị cáo buộc phạm tội nghiêm trọng phải được ưu tiên đưa ra xét xử. Toà án Hình sự quốc tế (ICC) đã ban lệnh bắt Gaddafi và con trai Saif al-Islam hồi tháng 6 vừa qua. Vì thế việc xử tử Gaddafi tại chỗ là trái luật.

“Việc hành quyết chóng vánh là trái luật dù dưới bất kỳ hoàn cảnh nào. Chuyện này khác hẳn việc ai đó bị giết trong khi chiến đấu. Có một cuộc nội chiến đang diễn ra ở Libya vì thế nếu ai đó chết trong lúc giao tranh, câu chuyện sẽ dễ dàng chấp nhận hơn” - Colville nói - “Nhưng nếu chuyện khác xảy ra, giả dụ có ai đó bị bắt và cố tình bị giết thì đó lại là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Anh không thể làm một việc đơn giản là vứt bỏ luật pháp ra khỏi cửa sổ. Giết ai đó nằm ngoài quy trình xét xử, ngay cả khi việc này diễn ra ở đất nước có triển khai án tử hình, là hành động vi phạm pháp luật”.

Hiện một uỷ ban điều tra quốc tế do Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC) lãnh đạo đang tiến hành việc điều tra các vụ giết chóc, tra tấn và những tội phạm khác ở Libya.

Colville nói rằng ông hy vọng nhóm sẽ xem xét cái chết của ông Gaddafi và đưa ra kết luận về việc có cần mở một cuộc điều tra toàn diện khác, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế hay không.


Tường Linh (Tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm