Câu chuyện thể thao: Chuyện những chàng David trong quần vợt

30/07/2014 09:03 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Thỉnh thoảng, trong thể thao vẫn xuất hiện những “chàng David” làm khuấy đảo bầu không khí bằng những màn trình diễn ấn tượng của họ dù sở hữu thân hình khiêm tốn. Và quần vợt cũng không phải ngoại lệ.

Hôm thứ Tư tuần trước ở giải Atlanta ATP 250, có một chàng David đã xuất hiện. Đó là Dudi Sela với việc đánh bại một tay vợt to lớn như Sam Querrey cao 1 mét 98. Sela chỉ cao 1 mét 75 và không bao giờ nặng quá 68 kilogam. Ngày hôm qua, “chàng tí hon” ấy vẫn tiếp tục gây chú ý khi đánh bại gã khổng lồ Vasek Posisil cao 1 mét 93.

Không cao, nhưng người khác vẫn phải ngước nhìn

Sela là tay vợt người Israel, năm nay 29 tuổi và hiện đứng thứ 94 thế giới trên BXH ATP. Ở vòng 1 Atlanta, anh đã khiến Donald Young phải chịu gác vợt một cách chóng vánh sau 2 set đấu với các tỷ số 6-3, 6-0. Điều đáng nói ở đây, hồi tháng trước ở Roland Garros, chính Young đã từng đánh bại Sela với tỷ số 3-1. Đó là chưa kể tới việc Young hiện đang sống ở Atlanta, được nhận sự ủng hộ của nhiều khán giả cũng như đã quá quen với tình hình thời tiết và các điều kiện thi đấu khác.

Hẳn nhiên những người theo dõi Sela thi đấu đang phải đặt câu hỏi làm thế nào mà bỗng dưng Sela lại lật lại trật tự bàn cờ như vậy? Làm thế nào mà một tay vợt kiểu “vô danh tiểu tốt” với thể hình khiêm tốn đến thế lại có thể bất ngờ giành những chiến thắng liên tiếp trước những đối thủ cao lớn hơn hẳn mình? Đó là những câu hỏi thú vị, đầy tính tò mò mà sẽ gần như không bao giờ có câu trả lời, thậm chí chẳng ai muốn trả lời cả. Bởi đó là một trong những lý do chính khiến cho người ta yêu thể thao, đam mê những bất ngờ mang lại sự hấp dẫn khó cưỡng. Mỗi một ngày đi qua, người ta đều có thể nghĩ về ngày hôm sau với những sự việc, kết quả mới mẻ khác bởi bất kỳ điều gì, dù khó tin đến đâu cũng có thể xảy ra.

Tất nhiên “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. Bởi vậy mà những cuộc lật đổ kiểu Sela đã làm hay những bất ngờ đại loại vậy thường rất hiếm khi xảy ra được. Nhưng không có nghĩa rằng nó sẽ không bao giờ xảy ra. Tay vợt nào cũng sẽ có cơ hội. Miễn là họ sở hữu những điều cơ bản nhất như tố chất, tinh thần, cảm xúc, thể lực của một vận động viên thể thao, họ sẽ không phải sống trong vô vọng.

Lợi thế của sự nhỏ bé

Trên thực tế, những trường hợp như Dudi Sela không phải là ít. Các cuộc đối đầu kiểu David và Goliath đã từng diễn ra khá nhiều lần trong quá khứ. Chàng David ấy giành chiến thắng bởi chàng sở hữu một trái tim khao khát thành công, một nhuệ khí kiên cường và sẵn sàng lật đổ bất kỳ gã khổng lồ nào như Goliath. Ví dụ điển hình và thuyết phục nhất cho sự thành công của những chàng tí hon là David Ferrer, một chuyên gia trên sân đất nện. Tay vợt người Tây Ban Nha cũng chỉ cao 1 mét 75 nhưng rõ ràng là anh đã có một sự nghiệp khá thành công.

Olivier Rochus cũng là một chàng David của quần vợt. Anh chỉ cao 1 mét 65, thấp nhất trong giới quần vợt. Nhưng ở tuổi 33, Rochus vẫn đang cầm vợt (dù đã bị bật khỏi top 500). Rochus vẫn gây ấn tượng với khán giả bằng kiểu đánh trái một tay giống Roger Federer, sự nhanh nhạy đáng nể đặc biệt khi đánh đôi hỗn hợp với đồng đội Dominika Cibulkova. Đôi khi, sự nhỏ bé của Rochus còn là một lợi thế khi anh di chuyển linh hoạt và thông minh hơn rất nhiều tay vợt khác. Ở thời đỉnh cao, Rochus từng xếp hạng 24 thế giới, từng giành chiến thắng trước Tomas Berdych 2 lần, Novak Djokovic 2 lần…

Bởi vậy mới thấy sức mạnh thể lực thực chất không liên quan nhiều tới thể hình của tay vợt. David vẫn thắng Goliath và đi vào huyền thoại đấy thôi.

Một số “David” của Grand Slam

Ken Rosewall, 1m70: Australian Open 1953, 1955, 1971, 1972. Roland Garros 1953, 1968. US Open 1956, 1970.

Rod Laver, 1m73: Australian Open 1960, 1962, 1969. Roland Garros 1962, 1969. Wimbledon 1961, 1962, 1968, 1969. US Open 1962, 1969.

Jan Kodes, 1m75: Roland Garros 1970, 1971. Wimbledon 1973.

Johan Kriek, 1m75: Australian Open 1981, 1982

Michael Chang, 1m75: Roland Garros 1989


Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm