20/03/2023 21:18 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Từ quá trình tầm sư học đạo của Tôn Ngộ Không, chúng ta có thể thấy được quá trình trưởng thành của một "học bá".
01
Gần đây đọc lại Tây Du Ký, tôi cảm thấy vô cùng thán phục trước hành trình tầm sư học đạo của Tôn Ngộ Không, đặc biệt là với vị sư phụ đầu tiên - Bồ Đề Tổ Sư, người đã truyền dạy 72 phép biến hóa cho Ngộ Không.
Bồ Đề Tổ Sư là một cao nhân ẩn sĩ trong Tây Du Ký, ngài ẩn cư tại Tây Ngưu Hạ Châu, ở trong động Tà Nguyệt Tam Tinh, núi Linh Đài Phương Thốn. Tôn Ngộ Không đã tu hành ở chỗ ngài hơn 10 năm. Thoạt nhìn, ngài chỉ truyền cho Tôn Ngộ Không một vài phép nhưng Tôn Ngộ Không đã có bản lĩnh lên trời xuống biển, tinh thông 72 phép thần thông, thậm chí đại náo cả Thiên cung.
Theo lời Tổ Sư, các đệ tử trong môn phái được xếp theo "Quảng, Đại, Trí, Tuệ, Chân, Như, Hình, Hải, Ưng, Ngộ, Nguyên, Giác", đến Tôn Ngộ Không đã là "đời đệ tử thứ mười". Theo lý mà nói, đồ đệ của Tổ Sư phải ở khắp thiên hạ, dù Tổ Sư không cho đồ đệ được khoe khoang thì cũng phải manh mối lọt ra. Tuy nhiên, Tôn Ngộ Không sau đó hộ tống Đường Tăng đi thỉnh kinh, trên đường gặp biết bao kiếp nạn nhưng chưa từng được đồng môn nào giúp đỡ, dường như tất cả đồ đệ của Tổ Sư sau khi học nghệ xong đều biến mất.
Tại sao? Một khả năng rất lớn là trong số những đồ đệ của Bồ Đề Tổ Sư, chỉ có Tôn Ngộ Không đã học thành tài, còn những người khác đều chưa đạt đến tầm cao của Tôn Ngộ Không.
Ví dụ, trong số các sư huynh đệ được thu nhận cùng lúc với Tôn Ngộ Không, Tôn Ngộ Không có thể được coi là "học sinh chuyển trường", vào lớp tương đối muộn, tuy nhiên trong cả lứa, chỉ có Tôn Ngộ Không là đệ tử chân truyền.
Dưới sự yêu cầu của sư huynh, Tôn Ngộ Không hóa phép thành cây tùng, được mọi người xung quanh vỗ tay tán thưởng, điều này đủ chứng tỏ các đồng môn của Tôn Ngộ Không thậm chí còn chưa học được phép này.
Có thể nói, Bồ Đề Tổ Sư mặc dù vô cùng cường đại, có vô số đồ đệ, nhưng thành tài chỉ có Tôn Ngộ không.
Vậy vì sao Tôn Ngộ Không nổi bật giữa cả lứa đệ tử, đó là bởi Tôn Ngộ Không có những đặc điểm sau:
02
Một là có mục tiêu rõ ràng và đầy tham vọng.
Lý do khiến Tôn Ngộ Không vượt biển, đi khắp thiên hạ để bái danh sư là vì muốn học phép "trường sinh bất lão", thoát khỏi luân hồi.
Vì vậy, khi Bồ Đề Tổ Sư hỏi Tôn Ngộ Không muốn học gì, muốn dạy Tôn Ngộ Không các tuyệt kỹ "thuật", "lưu", "tĩnh", "động", Tôn Ngộ Không chỉ hỏi một câu: "Học cái đó có trường sinh được không?".
Khi biết những tuyệt kỹ này chẳng qua là đoán mệnh, đọc kinh, niệm Phật, ngồi thiền, luyện đan..., không thể trường sinh, Tôn Ngộ Không đã kiên quyết nói "không học".
Tổ Sư tức giận lấy thước đánh Tôn Ngộ Không, sư huynh đệ khiếp sợ, quay sang trách Tôn Ngộ Không: "Con khỉ nhà người thật không biết điều. Sư phụ truyền đạo pháp cho ngươi, vì sao không học, còn dám cãi lại sư phụ?".
Có thể thấy rằng bình thường, các sư huynh đệ của Ngộ Không thường không được học gì ngoài các môn luyện công hoặc dưỡng sinh cơ bản.
Khi Tôn Ngộ Không học Cân Đẩu Vân, phản ứng đầu tiên của các sư huynh là "Ngộ Không thật may mắn! Nếu biết phép này, ngươi có thể giúp người khác vận chuyển đồ đạc, thư từ, kiếm đồ ăn ở đâu cũng được".
Với phép Cân Đẩu Vân, chỉ cần nhún người là có thể có thể đi được 108.000 dặm (xấp xỉ 13.468 dặm ngày nay, tương đương khoảng 21.675 km), Thái Bạch Kim Tinh cưỡi mây cũng không đuổi kịp. Phép thần thông là thế nhưng các sư huynh đệ của Tôn Ngộ không chỉ có thể nghĩ đến việc dùng nó để vận chuyển đồ, điều đó cho thấy rằng họ không có mục tiêu quá cao trong cuộc sống.
Giống như một học sinh khao khát thi vào những đại học top đầu như Thanh Hoa, Bắc Đại còn người còn lại thì trường nào cũng được, miễn là ra trường có việc làm. Tuy họ học cùng lớp nhưng thành tích của người sau chắc chắn không thể bằng người khác được.
Khi lý tưởng của một người khác biệt, thành tích của người đó cũng sẽ khác biệt theo.
Bạn thậm chí chưa bao giờ nghĩ đến một mục tiêu thì làm sao bạn có thể thành công?
03
Thứ hai là phải có tài năng cùng thái độ khiêm tốn.
Bồ Đề Tổ Sư biết thuật trường sinh, nhưng không phải ai ngài cũng dạy. Bởi nếu Tổ Sư ngày ngày mở lớp, thế gian sẽ có quá nhiều tiên nhân.
Vậy ngài sẽ dạy ai?
Chúng ta có thể nhìn qua cách mà ngài đã dạy dỗ Tôn Ngộ Không.
Thấy Tôn Ngộ Không cái này không muốn học, cái kia cũng không muốn học, Tổ sư đã "hừ một tiếng, từ trên đài cao nhảy xuống, tay cầm gậy giới xích, chỉ vào Ngộ Không nói: 'Con khỉ kia, đạo này không học, đạo kia không học, còn đòi học cái gì?'. Rồi đi đến gõ đầu Ngộ Không ba cái, quay lưng giơ tay đi thẳng vào trong, đóng cửa giữa lại, bỏ mọi người ở ngoài".
Lúc này, tất cả đệ tử khác đều khinh bỉ Ngộ Không, cho rằng Ngộ Không đã chọc giận sư phụ, chỉ có Ngộ Không ngầm hiểu được ý sư phụ: Tổ Sư đánh ba cái nghĩa là phải để ý đến canh ba, chắp tay sau lưng, đi vào bên trong, đóng cửa giữa lại, rồi đi vào lối cửa sau, ở chỗ kín ấy sư phụ sẽ truyền đạo cho.
Tôi tin rằng Bồ Đề Tổ Sư cũng đã "ám chỉ" tương tự cho các đồ đệ khác nhưng không có nhiều người hiểu được ý của sư phụ.
Giáo viên ngày nay không phân biệt đối xử với học trò như thế, nhưng học trò vẫn nên lắng nghe và cân nhắc lời phê bình, đánh giá từ giáo viên. Nếu Tôn Ngộ Không trong lúc tức giận đi kiện Tổ Sư vì phạt đồ đệ, Ngộ Không sẽ không thể học được bất kỳ phép thần thông nào cả.
Nói đi cũng phải nói lại, cho dù lúc đó Tổ Sư thực sự nổi giận và trừng phạt Ngộ Không, Ngộ Không vẫn hiểu đó là sư phụ quan tâm mình nên mới làm vậy, vẫn đến tìm sư phụ để thỉnh giáo lúc canh ba. Như vậy thì sao sư phụ có thể không cảm động, không lập tức tỉnh dậy để dạy bù cho Ngộ Không?
Đầu óc thông minh, thái độ học tập khiêm tốn, lễ phép, thấu hiểu sự vất vả của sư phụ, đó là một trong những nguyên nhân khiến Tôn Ngộ Không trở thành "học bá".
04
Thứ ba là phải có tinh thần học tập siêng năng.
Sau khi Tôn Ngộ Không có được chân truyền từ sư phụ, Ngộ Không bắt đầu quá trình tu luyện mỗi đêm suốt 3 năm ròng. Có lẽ trong mắt những sư huynh đệ khác, Tôn Ngộ Không ngày nào cũng làm những việc giống họ, nhưng trên thực tế, Tôn Ngộ Không đang âm thầm tu luyện từng giây từng phút.
Ngoài đời thực cũng vậy, nhiều học sinh hết giờ học về nhà chỉ biết lên mạng, tám chuyện, đến giờ đặt lưng xuống giường là ngủ không biết trời trăng gì. Cũng trong lúc đó, các "học bá" dù nhắm mắt nằm xuống giường rồi thì đầu họ vẫn đang phân loại lại các điểm kiến thức mình thu thập được trong ngày.
Giáo viên ở trường không dạy mỗi học sinh một kiến thức khác nhau như Tổ Sư, tuy nhiên thái độ học tập của từng học sinh có thể quyết định số phận cuối cùng của họ.
Khi có người hỏi Tôn Ngộ Không có biết tất cả các phép thần thông mà sư phụ dạy cho mình hay không, Tôn Ngộ Không đã đáp: "Không giấu các sư huynh, một là được sư phụ chỉ dạy, hai là ta ngày đêm cần cù nên cái gì cũng biết".
Nghe câu này có giống như khi các "con nhà người ta" trả lời về bí quyết học tập của mình không?
Nếu không ngày đêm cần cù, dù thông minh đến đâu, Tôn Ngộ Không cũng khó có được thành tựu lớn như vậy.
05
Có câu, "sư phụ lĩnh tiến môn, tu hành tại cá nhân", ngụ ý người thầy chỉ có trách nhiệm dẫn đường còn học được đến đâu là tùy vào từng người.
Trong Tây Du Ký, Bồ Đề Tổ Sư là nhân vật lợi hại hàng đầu nhưng hầu hết những đồ đệ mà ngài dạy lại rất bình thường, không có nhiều thành tích.
Và từ quá trình tầm sư học đạo của Tôn Ngộ Không, chúng ta có thể thấy được quá trình trưởng thành của một "học bá". Muốn thành tài, ta không chỉ cần một người thầy giỏi mà bản thân cũng phải một học trò giỏi.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ cố gắng hết sức để tìm một trường học tốt và một giáo viên tốt cho con cái của họ. Điều này đương nhiên không sai. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý rằng, để tri thức của giáo viên có thể chuyển hóa thành năng lực của học sinh thì cần có sự hợp tác về mọi mặt từ cả phía học sinh.
Nếu không, dù bạn được đi theo một người thầy "đỉnh" như Bồ Đề Tổ Sư, nhiều nhất bạn cũng chỉ học được một số phép nuôi thân, chứ không thể trở thành Đại thánh đại náo Thiên cung.
Nguồn: Sina
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất