12/11/2019 08:51 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch văn hóa được xác định là loại hình du lịch quan trọng, có sức hấp dẫn, góp phần cho sự phát triển bền vững của ngành Du lịch và là một trong 4 dòng sản phẩm thu hút đông đảo du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam hiện nay. Nhận thấy tầm quan trọng du lịch văn hóa đối với sự phát triển chung của ngành, TCDL đã xây dựng Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”.
TCDL vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Đề án này. Tham dự hội thảo có đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL: Cục Bản quyền tác giả, Cục Hợp tác quốc tế, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia; cùng đại diện một số doanh nghiệp du lịch và các vụ, đơn vị trực thuộc TCDL.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào việc làm rõ du lịch văn hóa, tiêu chí xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa, đánh giá đối tượng để xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa, kết hợp với hoạt động truyền thông quảng bá du lịch, sự tham gia xây dựng đề án của nhiều bên liên quan…
TCDL nhận định, xu hướng dòng khách quốc tế quan tâm đến các điểm đến du lịch gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng tăng. Kết quả cuộc khảo sát du lịch văn hóa năm 2015 của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy số lượng khách quốc tế tham gia tour du lịch văn hóa ngày càng gia tăng và chiếm 40% tổng số khách quốc tế toàn cầu. Đối với Việt Nam: theo kết quả điều tra khảo sát trên mẫu 800 khách du lịch trong nước và quốc tế được thực hiện trong khuôn khổ Đề tài khoa học cấp bộ “Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam” cho thấy: Hơn 50% khách quốc tế tìm hiểu các loại thông tin về giá cả, văn hóa truyền thống, con người Việt Nam, lịch sử Việt Nam, các hoạt động du lịch ở Việt Nam trước khi đến Việt Nam.
Ấn tượng của khách du lịch quốc tế trước khi tới Việt Nam chủ yếu tập trung vào phong cảnh tươi đẹp, văn hóa dân tộc phong phú, con người dễ mến. Các hoạt động ưa thích nhất của khách quốc tế là tham quan, tìm hiểu cuộc sống, tham quan các di sản, di tích, chiếm hơn 60%; 25% thích tham gia các lễ hội.
Đối với khách du lịch nội địa, một trong những vấn đề họ quan tâm nhất là văn hóa truyền thống nơi đến. Chính vì thế, du lịch văn hóa được xác định là loại hình du lịch vô cùng quan trọng, có sức hấp dẫn, tính trường tồn cao và là nhân tố thiết yếu góp phần đáng kể cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch nước ta.
Ở Việt Nam hiện nay, sản phẩm du lịch văn hóa: các khu di sản văn hóa thế giới, các bản làng người dân tộc thiểu số, các di tích lịch sử văn hóa và các làng nghề truyền thống của Việt Nam hiện nay rất thu hút khách quốc tế. Khách nội địa rất thích các điểm du lịch lễ hội.
Mặc dù còn có nhiều tồn tại, nhưng các điểm du lịch văn hóa của Việt Nam nhìn chung đã phát huy được giá trị đích thực của mình, khẳng định vai trò đối với sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng. Rất nhiều tour du lịch văn hóa hoạt động thành công tạo ra một thương hiệu cho du lịch Việt Nam như: Tour Con đường di sản miền Trung, tour Các cố đô Việt Nam, tour Con đường xanh Tây Nguyên...
Nhiều khu di sản văn hóa thế giới, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng được du khách trong nước và nước ngoài biết đến như địa chỉ không thể thiếu trong các chuyến du lịch đến Việt Nam. Đó là Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn, khu di tích Địa đạo Củ Chi, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể di tích Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Nhiều lễ hội, bản làng của các tộc người thiểu số, làng nghề truyền thống, làng du lịch cộng đồng được nhắc tới khi nói đến Việt Nam như: hội Đền Hùng, hội Lim, hội Chọi Trâu, lễ xuống đồng…; bản Hồ, bản Tả Phìn (Sa Pa), bản Lác (Mai Châu), bản Đôn (Đắc Lăk)...; làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh)...
Hiện nay, Việt Nam có 7 di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa của thế giới; hơn 44.000 địa danh và di tích lịch sử; 8.000 lễ hội trong đó 90% là lễ hội dân gian. Đây là những tiềm năng rất lớn để tạo dựng thương hiệu cho du lịch văn hóa của Việt Nam, định vị chắc chắn trên thị trường du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay, thương hiệu du lịch cho các dòng sản phẩm nói chung và thương hiệu cho du lịch văn hóa nói riêng dường như chưa được đề cập và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.
Đề án “Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa” nằm trong kế hoạch của Bộ VHTTDL thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Mục tiêu chủ yếu đến năm 2020, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3% GDP và tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Du lịch được giao chỉ tiêu cao nhất với 10 - 15% trong tổng số, khoảng 18.000 - 19.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Phấn đấu đến 2030, doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, trong đó ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số, khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.
Trong Chiến lược cũng nêu rất rõ nhiệm vụ của ngành Du lịch văn hóa là khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh. Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa với các nước ASEAN, đẩy mạnh liên kết vùng, địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kinh doanh dịch vụ du lịch tại các địa điểm có di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, các bảo tàng, nhà hát, trung tâm điện ảnh, làng nghề thủ công truyền thống, khu vui chơi giải trí. Xây dựng các thương hiệu du lịch quốc gia.
Ngành Du lịch văn hóa cũng có nhiệm vụ phối hợp liên ngành trong việc quản lý, khai thác và phát huy một cách phù hợp các giá trị văn hóa trong quá trình phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Xúc tiến, quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa trong và ngoài nước; tập trung thu hút khách du lịch văn hóa có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa, đặc biệt đối với nhân lực quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên và nhân lực phục vụ trực tiếp khách du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề du lịch văn hóa theo tiêu chuẩn nghề ASEAN.
Đề án được Vụ Thị trường du lịch (TCDL) xây dựng trên cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia. Đề án cũng khái quát hiện trạng phát triển du lịch văn hóa tại Việt Nam cùng với việc đưa ra các giá trị cốt lõi của thương hiệu về du lịch văn hóa Việt Nam; Định hướng, mục tiêu và nội dung phát triển thương hiệu quốc gia cho du lịch văn hóa của Việt Nam; Giải pháp triển khai và cách tổ chức thực hiện.
Tại hội thảo, nhóm xây dựng Đề án đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu về Đánh giá cao những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các đại biểu về những nội dung trên. Trong đó, tập trung vào việc xác định mục tiêu, phạm vi về văn hóa; nghiên cứu tài nguyên, lựa chọn các sản phẩm văn hóa nổi trội, đặc sắc nhất có thể hình thành sản phẩm du lịch có tác động lớn đến Du lịch Việt Nam để xây dựng thương hiệu quốc gia; thương hiệu phải quảng bá hình ảnh, hướng đến đối tượng. Đồng thời, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu kỹ “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, từ đó chia giai đoạn, thực hiện có trọng tâm; tập trung vào các ý tưởng sáng tạo…
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch, đơn vị thực hiện Đề án nhấn mạnh: Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đa dạng, phong phú, giàu bản sắc truyền thống. Du lịch phát triển trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa, qua đó góp phần quảng bá, bảo tồn những giá trị văn hóa này. Với những ý kiến góp ý nhận được tại hội thảo, nhóm nghiên cứu Đề án sẽ tiếp thu, chỉnh sửa và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan hoàn thiện Đề án trong thời gian sớm nhất.
Báo Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất