01/07/2021 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sau 3 năm kể từ 2018, dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam (Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện) đã có được những kết quả khả quan trong phát triển mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam về nhiều mặt.
Diễn ra hơn một tuần trước, những tổng kết tại dự án cho thấy: Nhiều hoạt động hỗ trợ các không gian văn hóa sáng tạo tại Việt Nam đã được tổ chức thông qua việc tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý, nghệ sĩ, người thực hành cũng như kết nối với công chúng hay đối thoại với phía cơ quan quản lý nhà nước.
Không còn là những không gian đơn lẻ
Dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được triển khai dựa trên việc cộng tác cùng 6 không gian văn hóa sáng tạo chủ chốt gồm: Gặp gỡ mùa thu, Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng DNES, Hanoi Grapevine, Heritage Space và Sàn Art. Và, sự trưởng thành và kết nối của các không gian văn hóa sáng tạo thành một mạng lưới có biên độ địa lý được mở rộng là điểm tích cực dễ thấy nhất ở dự án.
Cụ thể, theo báo cáo tổng kết, dự án đã triển khai 6 chương trình tập huấn chủ chốt cho 130 người sáng lập, quản lý từ 6 không gian văn hóa sáng tạo chính tham gia dự án. Dự án cũng triển khai 15 chương trình tập huấn lan tỏa cho 326 người sáng lập, quản lý từ mạng lưới các không gian văn hóa sáng tạo trên khắp Việt Nam, thiết lập Mạng lưới Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam (ViCHI) gồm 188 không gian...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc nghệ thuật Heritage Space cho biết: “Chúng tôi được hưởng lợi rất nhiều mặt: từ các kĩ năng tự quản lý, điều hành, sự nâng cao năng lực của các thành viên, mối quan hệ rộng mở với các không gian sáng tạo đa dạng ở khắp Việt Nam cho đến các hỗ trợ thiết thực về tài chính cho những dự án nghệ thuật lớn đang vận hành”.
Mặt khác, theo bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine, dự án tạo ra “sự học hỏi và hiểu biết lẫn nhau giữa các không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam và cả châu Âu. Đây là một nguồn kiến thức vô cùng bổ ích. Chúng tôi cảm thấy được động viên, thấy mình không cô đơn và được dựa vào sức mạnh của cộng đồng để bước tiếp trong một bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn”.
Theo thống kê của Hội đồng Anh, ngoài 300 không gian văn hóa sáng tạo ở những khu vực đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, dự án còn tìm kiếm được những kết nối mới như Hải Phòng, Gia Lai, Đắk Lắk, Đà Lạt và Tiền Giang.
Tín hiệu mới cho xây dựng chính sách
Một thành tựu nổi bật khác của dự án là việc tổ chức thành công 3 chương trình vận động chính sách cùng với Quốc hội, Bộ VH,TT&DL và Sở VH&TT Hà Nội. Theo PGS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, điều này cho thấy “dự án đã bước đầu kết nối được các không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam với các cơ quan, ban ngành quản lý của nhà nước để tạo điều kiện nâng cao hiểu biết, nhận thức và chia sẻ kết nối giữa hai khu vực này với nhau”.
Nói về thực trạng chính sách cho các không gian văn hóa ở Việt Nam hiện nay, đạo diễn Phan Đăng Di, đồng sáng lập chương trình Gặp gỡ mùa thu cho rằng, trong một vài năm trở lại đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã công nhận vai trò của những đơn vị hoạt động văn hóa nghệ thuật ngoài công lập. Từ đó bắt đầu có những hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị này.
“Tuy nhiên, khi so sánh với các quốc gia khác (nhất là các nước châu Âu), qua khảo sát cho thấy, giữa các cơ quan chính phủ với những không gian văn hóa sáng tạo có sự tương hỗ mạnh mẽ. Điều này ở Việt Nam chưa có” – đạo diễn Phan Đăng Di phân tích – “Một thời gian dài, chúng ta thường có quan niệm rằng những hoạt động văn hóa nghệ thuật nói chung vốn thuộc về Nhà nước, chính quy hơn là mang tính chất cá nhân, của những tổ chức ngoài công lập. Vì thế tồn tại sự xa cách về lắng nghe, trao đổi, hỗ trợ chính sách để tiến đến chiến lược phát triển chung”.
Bởi vậy, theo đạo diễn này, sự tham gia tích cực ngay từ đầu của Viện Văn hóa nghệ thuật vào dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam cho thấy các cơ quan Nhà nước đã bắt đầu có những lắng nghe một cách hệ thống đối với tiếng nói của những không gian văn hóa sáng tạo ngoài công lập.
“Đó là cách làm nên được duy trì và cũng là thời điểm thích hợp để các cơ quan quản lý Nhà nước cần nhìn nhận không gian văn hóa sáng tạo như thực thể độc lập một cách công bằng và đóng góp một cách hữu hiệu vào sự phát triển chung của bộ mặt văn hóa nghệ thuật quốc gia” - anh bày tỏ.
Theo PGS Bùi Hoài Sơn, dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam có thể xem là một điểm nhấn, một đột phá trong thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cũng theo ông Sơn, quá trình dự án Không gian Văn hóa Sáng tạo Việt Nam được triển khai đã tạo ra được những chuyển biến rõ rệt, nhất là về nhận thức. Nhận thức ở đây không chỉ ở những người trong giới làm sáng tạo văn hóa nghệ thuật mà đặc biệt là nhận thức ở cả những người làm chính sách.
“Một thành công lớn của dự án đó là đem được tiếng nói của những không gian văn hóa sáng tạo lên diễn đàn Quốc hội. Sau khi có được tiếng nói đó trên diễn đàn Quốc hội, nhiều người đã bắt đầu quan tâm đến “không gian sáng tạo”, bắt đầu để ý đến “công nghiệp văn hóa”. Hay nói cách khác, thông điệp không gian văn hóa sáng tạo gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước đã được lắng nghe, đã được chia sẻ” – PGS Sơn nói.
Mới đây, PGS-TS Bùi Hoài Sơn vừa trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV. Trong chương trình hành động, ông cam kết xây dựng Bộ chỉ số phát triển văn hóa bền vững trên tinh thần Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa. “Có được bộ chỉ số này sẽ thấy được những đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng như của các không gian văn hóa sáng tạo vào sự phát triển bền vững của các đô thị rộng ra là sự phát triển chung của một đất nước” - PGS Sơn cho hay.
Công Bắc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất