24/05/2021 20:25 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương vào cuộc truy vết nhanh nhất không để mất dấu, lọt F1 với các ổ dịch mới. Người dân các tỉnh về Hà Nội phải khai báo y tế trong vòng 24 giờ, kể từ 0h đêm nay.
Chiều 24/5, tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đề nghị các địa phương của thành phố tiếp tục khẩn trương truy vết thần tốc với trách nhiệm cao nhất, không để lọt các trường hợp F1 và những trường hợp liên quan, nhất là không để mất dấu trong quá trình truy vết.
Ông Dũng khẳng định: "Đây là việc phải vào cuộc tích cực, tránh việc văn bản chỉ đạo khá đầy đủ nhưng hạn chế ở khâu tổ chức thực hiện. Trách nhiệm sẽ thuộc về đơn vị để lây lan dịch bệnh, chậm trễ chống dịch".
Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, địa phương… tổ chức hội họp phải đảm bảo khoảng cách 2m, không quá 50% chỗ ngồi; họp trực tuyến; phòng họp phải thông thoáng; hạn chế sử dụng điều hòa trung tâm, vệ sinh khử khuẩn thường xuyên nhất là ở Khu liên cơ của TP trên phố Võ Chí Công; các đơn vị cũng có biển cần hạn chế tiếp khách.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị tiếp tục khẩn trương vào cuộc truy vết nhanh nhất không để mất dấu, lọt F1, với các ổ dịch mới. Người dân các tỉnh về Hà Nội phải khai báo y tế trong vòng 24 giờ, kể từ 0h đêm nay.
Lực lượng y tế rà soát chuẩn bị cho các sinh viên trường y của thành phố sẵn sàng là lực lượng dự trữ, thay thế cho các y bác sỹ trong một số phần việc như lấy mẫu, xét nghiệm...
Ông Dũng chỉ đạo Công an TP Hà Nội siết chặt công tác xử lý vi phạm phòng chống dịch tại bãi đá sông Hồng – nơi có nhiều người tụ tập vào các ngày cuối tuần, không đeo khẩu trang.
Phó chủ tịch UBND TP nhấn mạnh về sự phức tạp của chùm ca bệnh tại Công ty cổ phần tập đoàn T&T và Times City và chưa khẳng định chính xác nguồn lây từ đâu. Chiều 24/5, thành phố đã làm việc với chuyên gia và có nhiều nhận định nguồn lây từ chính công ty T&T, như vậy sẽ là nguy hiểm với địa bàn, công tác truy vết cần tập trung cao độ.
Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của dịch, các địa phương của Hà Nội cần rà soát, bảo đảm mỗi địa phương có ít nhất 1.000 chỗ cách ly cho các trường hợp F1; tăng cường xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực có nguy cơ; tổ chức tập huấn cho sinh viên các trường y trên địa bàn thành phố, tạo nguồn nhân lực dự trữ, sẵn sàng hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh hoạt động của tổ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, nhất là tại các khu chung cư.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh vào đặc điểm chung của chùm ca bệnh ở Công ty T&T (quận Hoàn Kiếm) và Park 11 Khu đô thị Times City (quận Hoàng Mai). Đó là nơi các ca dương tính với SARS-CoV-2 đang sinh sống, làm việc. Việc xuất hiện các ca dương tính sau thời gian cách ly tập trung cũng cho thấy, cần siết chặt hơn nữa việc quản lý người sau cách ly tập trung, đặc biệt là những người sinh sống, làm việc tại các nhà chung cư cao tầng. Bà Hà đề nghị thành phố chỉ đạo các địa phương lập danh sách theo dõi chặt chẽ, quản lý ngay các trường hợp hoàn thành cách ly tập trung và trở về địa phương.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội nhận định, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn rất cao do xuất hiện ổ dịch mới tại Công ty T&T và tòa Park 11 Khu đô thị Times City chưa xác định được nguồn lây; tại ổ dịch tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì) và trong khu cách ly tiếp tục xuất hiện các ca mắc mới; tình hình dịch bệnh tại tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp (nhiều công nhân làm việc tại đây nhưng cư trú trên địa bàn Hà Nội).
Bên cạnh đó, hiện có 2 bệnh viện của thành phố tiếp nhận điều trị các trường hợp mắc COVID-19 nên có thể có lây nhiễm cho cán bộ y tế; kết quả giải trình tự gen của 17 mẫu bệnh phẩm đều là chủng gây bệnh ở Ấn Độ, có tốc độ lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Hiện tại, mầm bệnh đã tồn tại ngoài cộng đồng nên thời gian tới có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ca mắc mới. Một số địa phương có nguy cơ cao là các quận Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Thường Tín, Thanh Trì, Phúc Thọ…, trong đó cần lưu ý tới nguy cơ tại khu chung cư, các tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp.
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 122 ca mắc tại 19 quận, huyện có liên quan đến các chùm ca bệnh mới phát sinh và các chùm ca bệnh cũ. Cụ thể: Chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty T&T và Park 11 Times City (15 ca F0); chùm ca bệnh nhập cảnh người Ấn Độ tại Park 9 Times City, quận Hoàng Mai (2 cà F0 trong cùng một gia đình, 6 trường F1 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2); ca bệnh liên quan đến chùm ca bệnh tại Hải Dương (1 ca F0, 7 trường hợp F1, trong đó 6 ca đã có kết quả âm tính, 1 ca chưa có kết quả); ca bệnh là nhân viên y tế tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (7 trường hợp F1 là nhân viên y tế cùng kíp trực). Ngoài ra, Hà Nội còn có 2 chùm ca bệnh cũ vẫn phát sinh thêm ca mắc mới, đó là chùm ca bệnh liên quan đến thành phố Đà Nẵng và chùm ca bệnh liên quan đến Bệnh viện K cơ sở Tân Triều.
Ban Chỉ đạo nhận định, chùm ca bệnh mới chưa rõ nguồn lây tại Công ty T&T và Park 11 Times City là chùm ca bệnh rất phức tạp, có nhiều ca mắc liên quan do tại đây có rất nhiều người làm việc, sinh sống. Việc quản lý các chung cư cao tầng, các tổ hợp văn phòng chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện các trường hợp có yếu tố dịch tễ. Do đó, Ban Chỉ đạo nhận định, trong thời gian tới có thể sẽ tiếp tục ghi nhận thêm các ca mắc mới ngoài cộng đồng vì thời gian mà các ca bệnh ở ngoài cộng đồng khá dài, họ đã di chuyển đến nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
Nguyễn Cúc - Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất