(TT&VH Online) - Hôm qua 15/7, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị giới thiệu dự thảo luật quy hoạch đô thị tại Hà Nội. Sau hơn một năm nghiên cứu, Bộ đã thông qua dự thảo Luật quy hoạch đô thị gồm 7 chương và 77 điều, nội dung tập trung vào những vấn đề cụ thể: Lập lại quy hoạch đô thị; Tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị; Điều chỉnh quy hoạch đô thị; Tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; Kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm.
Hồ Tây chưa được coi là trung tâm của Hà Nội mở rộng
Ông Trần Ngọc Chính, Thứ trưởng Bộ Xây dựng bày tỏ: "Luật quy hoạch đô thị ra đời sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta; bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị và từng đô thị bền vững, có bản sắc, văn minh, hiện đại; đồng bộ với phát triển KTXH và bảo vệ môi trường. Việc ban hành Luật cũng sẽ giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay trong quản lý phát triển đô thị, nhất là việc sử dụng đất đai trong đô thị, quản lý không gian đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường xây dựng các đô thị mới, sát nhập các thành phố hình thành các "siêu đô thị".
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hệ thống đô thị ở nước ta đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô trong thời gian vừa qua. Hiện cả nước có trên 743 đô thị các loại, trong đó có 2 đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM; 3 đô thị loại 1; 14 đô thị loại 2; 36 đô thị loại 3; 41 đô thị loại 4; 647 đô thị loại 5. Bên cạnh đó cả nước hiện có 160 khu công nghiệp, 28 khu kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế đặc thù đang góp phần mở rộng mạng lưới đô thị quốc gia, tạo tiền đề cho sự phát triển đô thị tại các vùng ven biển và biên giới. Đánh giá gần đây của World Bank cũng nhận định, tốc độ phát triển đô thị của Việt Nam đang ở mức cao của thế giới và đứng hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á với 30% dân số của Việt Nam đang sống tại đô thị.
Riêng vấn đề quy hoạch Hà Nội trong thời gian tới, ông Tô Anh Tuấn, GĐ Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội cho TT&VH hay, hiện nếu đòi hỏi vấn đề quy hoạch chi tiết Thủ đô trong tương lai như thế nào thì vẫn còn hơi sớm. Thời điểm này, các cơ quan chức năng về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của Hà Nội và Hà Tây mới bắt đầu ngồi lại với nhau trên cơ sở tôn trọng định hướng kiến trúc quy hoạch của Hà Nội cũ và Hà Tây cũ, sau đó kết hợp tìm ra một định hướng chung, tiếp đó mới là xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể các bước. Tất nhiên, quá trình quy hoạch đô thị Hà Nội mới sẽ là bước tiên phong trong áp dụng Luật Quy hoạch đô thị.
Ông Tuấn cũng cho biết, các thông tin nói rằng Hồ Tây sẽ là trung tâm của thủ đô là chưa thỏa đáng; các cơ quan hành chính của Thủ đô không chỉ nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay mà sẽ nằm trên địa bàn Hà Tây. Trung tâm của Thủ đô sẽ được mở rộng ra chứ không bó hẹp như hiện tại. Trước khi công bố quy hoạch chi tiết Thủ đô, người dân cần tỉnh táo trước những thông tin về giá đất tại những địa điểm được cho là "trung tâm" để tránh hiện tượng đầu cơ bất động sản gây xáo trộn.
Mạnh Cường