Nhiều tranh cãi xung quanh dự thảo Nghị định tinh giản biên chế

22/02/2014 18:52 GMT+7 | Thế giới

"Kiếm gần trăm triệu ngon ơ!” - đây là khẳng định của một Vụ trưởng khi đùa rằng Nghị định tinh giản biên chế không ra sớm hơn để ông áp dụng.

Chỉ còn công tác hết năm 2014 là đủ tuổi nghỉ hưu, Vụ trưởng này tính toán nếu Nghị định trên được ban hành vào năm 2013, ông sẽ xin nghỉ ốm mỗi năm 30 ngày để được “thôi việc” hoặc “hưu non”, ông sẽ lĩnh từ 75 - 90 triệu đồng và ung dung đi làm chuyên gia cho một số cơ quan, tổ chức đã “đặt hàng” khi ông rời khỏi bộ máy công quyền.

Phân tích của Vụ trưởng trên cho thấy kẽ hở trong quy định của dự thảo Nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi trong các cơ quan, tổ chức và người dân. Dự thảo quy định “những người trong hai năm liên tiếp gần thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số từ 30 ngày nghỉ làm việc trở lên do ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau” thuộc diện tinh giản biên chế. Lý giải của Bộ Nội vụ cho thấy quy định tinh giản biên chế vì lý do sức khỏe yếu dựa trên số ngày nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau như vậy sẽ phù hợp hơn so với quy định hai năm liền không hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị định 132/2007/NĐ-CP bởi những người ốm đau thường được cơ quan, tổ chức giao ít việc, nên không có cơ sở đánh giá họ không hoàn thành nhiệm vụ.

Nhìn nhận về những hạn chế trong 5 năm thực hiện Nghị định 132/2007/NĐ-CP, Bộ Nội vụ đã khẳng định chính sách tinh giản biên chế chưa thực sự giảm được những người cần giảm, mà chủ yếu mới là tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi bộ máy hành chính n hà nước để thực hiện nguyện vọng cá nhân. Song, với cách sửa đổi quy định tại dự thảo như trên, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định mới sẽ lại một lần nữa đi vào “vết xe đổ” của Nghị định 132/2007/NĐ-CP, tiếp tục tạo điều kiện cho những người có nhu cầu xin ra khỏi bộ máy hành chính n hà nước. Ví dụ, những bác sỹ giỏi đang kiếm hàng chục triệu đồng mỗi ngày từ việc làm thêm, mở phòng khám tư sẽ có điều kiện để từ bỏ Nhà nước với mức lương vài triệu đồng mỗi tháng để “rảnh chân” làm ngoài.

Ngược lại với ông Vụ trưởng sắp đến tuổi nghỉ hưu tính đến một khoản tiền lớn “trên trời rơi xuống” khi hưu non hoặc thôi việc, không ít người lại lo ngại với kiểu quy định “kẻ cười, người khóc” này. Một năm có 365 ngày, số ngày làm việc khoảng 260 ngày, một người 230 ngày làm việc tốt, 30 ngày nghỉ ốm, hai năm như vậy bị đư a ra khỏi biên chế, điều này có hợp lý? Bà N.K, Phó Ban tổ chức cán bộ một cơ quan với hàng chục năm làm công tác tổ chức cán bộ cho biết quy định này rất bất hợp lý bởi thực tế có người 2 năm liên tiếp , mỗi năm có tổng số ngày nghỉ ốm từ 30 ngày làm việc trở lên , nhưng họ vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chẳng hạn, có người chẳng may năm trước bị thủng dạ dày, bị mổ ruột thừa hay các dịch bệnh... cộng dồn số ngày nghỉ ốm lên đến 30 ngày, năm sau lại bị tai nạn gãy chân, phải nằm cố định trên 30 ngày. Những ngày còn lại, họ đều hoàn thành tốt công việc được giao, họ vẫn mong muốn được cống hiến trong nền công vụ nhưng lại bị “hất” ra khỏi biên chế, vậy là họa chồng lên họa. Quy định này rất có thể sẽ là cái cớ để những người làm được việc nhưng không được lòng lãnh đạo, bị trù úm, bị thẳng tay gạt khỏi nền công vụ. Theo bà N.K, ngoài quy định trên, ban soạn thảo nên cân nhắc, xem xét bổ sung thêm yếu tố “sức khỏe yếu ảnh hưởng đến công tác” để đảm bảo tính chặt chẽ của quy định.

Số tiền 8.000 tỷ đồng dành cho thực hiện chính sách tinh giản biên chế 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức trong 6 năm cần giải trình rõ ràng cách chi tiêu để tránh trục lợi.
Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng , khi được xác định không phù hợp với điều kiện làm việc trong công vụ, nên có sự dịch chuyển sang khu vực khác cho phù hợp. Điều kiện sức khỏe là một trong các tiêu chuẩn khi đăng ký dự tuyển công chức. Hay nói một cách khác, dù làm việc ở khu vực công hay khu vực tư, sức khỏe vẫn là yếu tố rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy, một người luôn ốm đau phải nghỉ thì không nên làm việc trong công vụ khi mà một trong các đặc điểm của hoạt động công vụ là phải liên tục, thông suốt để phục vụ nhân dân. Song, Thứ trưởng cũng khẳng định ý kiến phản biện đối với quy định thời gian nghỉ ốm để đưa vào diện tinh giản biên chế sẽ được Bộ Nội vụ phối hợp với các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm có lý, có tình.

Nhiều chuyên gia khi đề cập đến quy định chính sách đối với người về hưu trước tuổi và thôi việc đã nhận định chính sách rất dễ bị trục lợi. Trong số 100 nghìn biên chế dự kiến giảm, có đến 80% là giải quyết cho đối tượng nghỉ hưu trước tuổi. Dư luận đặt câu hỏi liệu có “làn sóng” nghỉ hưu trước từ 2 - 5 năm tuổi để ăn tiền trợ cấp, làm thêm bên ngoài và thế vào chỗ của họ là con, cháu họ, lợi cả đôi đường?

Tiến sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam, cho rằng không thể tinh giản những người chuẩn bị hoặc sắp về hưu nếu như họ công tác hiệu quả và có nhiều đóng góp cho xã hội, đến 80% số tinh giản là những đối tượng chuẩn bị về hưu sẽ không phải là giải pháp đúng. Ông cũng cho rằng số tiền 8.000 tỷ đồng dành cho thực hiện chính sách tinh giản biên chế 100 nghìn cán bộ, công chức, viên chức trong 6 năm cần giải trình rõ ràng cách chi tiêu để tránh trục lợi.

Trong lần trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam gần đây, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhận định k hông thể có “làn sóng” nghỉ hưu trước tuổi, nếu các cơ quan, tổ chức làm đúng các quy định của nhà nước về tinh giản biên chế, xác định rõ người có điều kiện thuộc diện tinh giản biên chế; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc tuyển dụng và giải quyết tinh giản biên chế; tiếp tục đổi mới tổ chức các kỳ thi tuyển dụng công chức để nâng cao chất lượng.

Một nội dung khác trong dự thảo Nghị định khiến nhiều người lo ngại, đó là quy định người có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm đang đảm nhiệm nhưng không thể bố trí việc làm khác, sẽ bị tinh giản. Thực tế cho thấy người làm việc trái ngành, trái nghề không phải là hiếm trong các cơ quan hành chính nhà nước và cũng rất nhiều người dù không được làm việc đúng chuyên ngành mình được đào tạo, nhưng vẫn đảm đương tốt mọi nhiệm vụ được giao. Ngược lại, có người được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng làm việc lại không hiệu quả. Đơn cử như những cán bộ công chức làm công tác tổ chức cán bộ, hầu hết họ đều chưa được đào tạo đúng chuyên ngành nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng, hiệu quả công việc... Nhiều ý kiến đề nghị Bộ Nội vụ cần cân nhắc kỹ quy định này.

Chu Thanh Vân
TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm