Ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh nhìn từ công tác quy hoạch

14/10/2016 17:37 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những năm qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều chương trình, dự án với đầu tư nguồn kinh phí lớn để hạn chế những tác động tiêu cực của vấn đề ngập nước đến phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống người dân.

Giảm ngập nước đã trở thành một trong những chương trình đột phá, trọng điểm của Thành phố trong nhiều năm qua và những năm tới. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn, trong đó có một phần của công tác quy hoạch và quản lý đô thị còn khá lỏng lẻo.

Ngập - "Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!"

Những cơn mưa lớn, kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ trong thời gian qua đã khiến thành phố ngập nặng, đặc biệt nhiều vị trí, khu vực trước đây ít ngập thì nay cũng chìm trong nước. Cùng với triều cường, những cơn mưa lớn đã làm cho TP Hồ Chí Minh có tần suất bị ngập nhiều hơn, quy rộng hơn.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh, cơn mưa ngày 26/9 vừa qua đã khiến 59 tuyến đường trên địa bàn bị ngập với độ ngập từ 0,1m - 0,5 m, diện tích ngập từ 100m2 đến 30.000m2. Ngoài những điểm ngập quen thuộc như Nguyễn Hữu Cảnh, Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), Quang Trung, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Gò Dầu, Tân Quý (quận Tân Phú)…, thì nay còn ngập ở nhiều tuyến đường, khu vực trung tâm trước đây ít ngập như Lê Lợi, Hàm Nghi, Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Thiện Thuật, Kỳ Đồng (quận 3), Tôn Đản (quận 4), Tô Hiến Thành (quận 10)…

Không chỉ vậy, mưa còn gây ngập tại nhiều vị trí tưởng chừng “bất khả xâm phạm”. Chẳng hạn, hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông hiện đại nhất Đông Nam Á đã ngập lớn trong cơn mưa ngày 26/9 khi nước tràn từ 2 đầu hầm phía quận 1 và quận 2 (độ ngập 10cm, ngập dài hơn 50m), buộc phải cấm xe gắn máy lưu thông gần 1 giờ đồng hồ để bơm, xử lý nước.

Đối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cơn mưa ngày 26/9 cũng đã gây ngập cục bộ tại bãi đậu số 11, 12, 13, 14, 15 với độ sâu 30 cm, khiến nhiều chuyến bay bị hoãn hoặc phải hạ cánh xuống sân bay lân cận.

Theo Hãng hàng không Jetstar, cơn mưa chiều tối 26/9 đã khiến 10 chuyến bay của hãng bị ảnh hưởng dây chuyền, trong đó có 1 chuyến từ Tp. Hồ Chí Minh đi Đồng Hới phải hủy, một số chuyến phải bay vòng và hạ cánh ở sân bay lân cận (Cam Ranh).

Trước đó, cơn mưa ngày 26/8 và 11/9 cũng đã khiến sân bay ngập nặng tại bãi đỗ, ảnh hưởng đến 70 chuyến bay của các hãng hàng không.

Theo UBND TP. HCM, 9 tháng của năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 79 trận mưa, lượng mưa từ 10 -159,6mm đã gây ngập nhiều tuyến đường. Gần đây nhất, ngày 26/9, cơn mưa kéo dài hơn 2 giờ vào buổi chiều 26/9 (bắt đầu tư khoảng 16 giờ 45 phút) đã khiến nhiều tuyến đường và khu vực tại thành phố ngập nặng.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập, đây là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ trong 1 giờ 30 phút, lượng mưa đạt đã phổ biến từ 101mm - 204,3 mm, mưa diễn ra khắp thành phố. Cụ thể, trạm đo mưa Mạc Đĩnh Chi lượng mưa đạt 204,3mm, trạm Lý Thường Kiệt 169,4mm…

Thiệt hại đủ bề

Mưa lớn còn khiến giao thông hỗn loạn, nhiều phương tiện “chôn chân” bất lực dưới màn mưa trắng xóa, sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn trước Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) ngập sâu gần nửa mét khiến nhiều phương tiện chết máy.

Tại quận Tân Bình, các tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất như Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi, đường Trường Sơn giao thông hỗn loạn.

“Đường Cộng Hòa, đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến cầu vượt Hoàng Hoa Thám dù dài khoảng 1km nhưng phương tiện qua đây trong cơn mưa ngày 26/9 vừa qua, đã phải mất hơn 30 phút mới thoát ra được, mệt mỏi vô cùng”, chị Nguyễn Minh Trang (ngụ quận 12, làm việc tại một ngân hàng quận Tân Bình) nhớ lại.

Anh Nguyễn Gia Huy, chủ quán cà phê trên đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) cho hay, trong mưa chiều 26/9, chỉ tầm 30 phút nước đã lênh láng mặt đường rồi tràn vào quán, giày dép trôi dạt. Khoảng 15 phút sau diễn ra cảnh mất điện khiến sinh hoạt bị đảo lộn, quán xá ế ẩm.

Cơn mưa ngày 26/9 cũng đã khiến nước tràn vào một số trung tâm thương mại, chung cư, gây ngập tầng hầm. Trên đường Nguyễn Biểu, quận 1 và hầm để xe của Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (quận Tân Phú), mưa ngập cả bãi giữ xe khiến hơn 1.000 xe máy chìm trong biển nước. Đến nay vẫn chưa có phương án đền bù, hỗ trợ cho những phương tiện hư hỏng do ngập mưa.

Những thiệt hại kể trên là con số "đong đếm được", còn rất nhiều thiệt hại không thể định lượng được về kinh tế, sức khỏe, tâm lý... của hoạt động kinh doanh, cuộc sống hàng ngày của người dân.

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, tình hình ngập lụt trong thời gian qua, nhất là cơn mưa chiều 26/9 mang tính bất ngờ, lịch sử khi mà nhiều trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng cũng bị ngập tầng hầm; ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mặt của thành phố, trở thành nỗi ám ảnh của người dân.

Điều này thể hiện nhiều khuyết điểm trong quản lý, xây dựng dự án. Trước mắt, thành phố giao Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố xây dựng bản đồ lưu vực ngập trên đia bàn để cảnh giới người dân cũng như chủ động xử lý tình huống.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, lãnh đạo thành phố chia sẻ với người dân về tình trạng ngập nặng nề diễn ra ngày 26/9 và đang tìm giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để chống ngập.

Qua khảo sát thực tế tại các quận, thường trực UBND thành phố nhận định, tình trạng ngập nặng do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân mưa và do triều cường.

Ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận, thời gian qua việc quản lý các công trình thoát nước còn có vấn đề, nên các quận huyện sẽ phải xem xét lại tất cả các điểm ngập, các tuyến đường bị ngập để có trách nhiệm xử lý và nỗ lực nhiều hơn nữa.

TTXVN/Anh Tuấn – Xuân Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm