11/01/2021 14:36 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Liên tục trong những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng mạnh, nền nhiệt độ tại tỉnh Điện Biên giảm sâu, rét đậm rét hại đã xảy ra. Dự báo trong ngày và đêm 11/1, nhiệt độ thấp nhất dao động từ 6 - 8 độ C, khu vực đèo Pha Đin giáp ranh giữa hai tỉnh Điện Biên với Sơn La và vùng núi cao nhiệt độ từ 0 - 2 độ C, có nơi dưới 0 độ C. Vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, sương muối. Do nhiệt độ giảm sâu, thời tiết quá lạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Đốt lửa qua đêm chống chọi với giá rét
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, trong nhiều ngày qua, tại nhiều địa phương vùng cao của Điện Biên, người dân đã hạn chế việc ra đồng, lên nương rẫy và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự có việc cần thiết. Thời gian còn lại, các thành viên trong các gia đình chủ yếu quây quần bên đống lửa, bếp lửa được đốt lên trong nhà, ngoài sân, bên đường để sưởi ấm.
Khảo sát từ ngày 8 - 11/1, trên dọc tuyến Quốc lộ 12 nối thành phố Điện Biên Phủ với trung tâm huyện Mường Chà, Quốc lộ 4H từ trung tâm huyện Mường Chà đi Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, dọc hai bên đường, nhiều hộ dân đã đốt những đống củi to để các thành viên trong gia đình sưởi ấm. Nhiều người điều khiển phương tiện xe máy tham gia giao thông trên các tuyến đường này cũng dừng lại để sưởi ấm. Tại các bản làng thuộc các xã nằm trên các tuyến quốc lộ này, người dân đốt những đống lửa trong sân, vườn và được duy trì qua nhiều ngày đêm, để sưởi ấm, xua đi cái lạnh buốt giá.
Nhằm chống chọi với thời tiết giá lạnh, những ngày qua, nhiều người dân tại các xã vùng biên thuộc khu vực lòng chảo Mường Thanh như Thanh Hưng, Thanh Chăn, Noong Luống, Thanh Xương, Noong Hẹt, Thanh Nưa…; các xã vùng ngoài lòng chảo như Mường Pồn, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn... phải đốt lửa sưởi ấm, mua thêm chăn đệm, quần áo ấm, khăn quàng cổ.
Ghi nhận tại các huyện vùng cao như Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên… những ngày qua, nhiệt độ giảm mạnh, đặc biệt là thời điểm về đêm và gần sáng, nền nhiệt giảm sâu xuống dưới 2 độ C. Thời tiết diễn biến cực đoan nên cuộc sống của người dân đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngoài việc duy trì những bếp lửa, đống lửa sưởi ấm, nhiều gia đình đã gia cố lại thưng ván để tránh gió lùa vào trong nhà. Đặc biệt, tại điểm bản Huổi Ké thuộc bản Lĩnh, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên), do sống trên độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, nhiệt độ chênh lệch với vùng thấp quá lớn, có thời điểm nhiệt độ tại điểm bản Huổi Ké dưới 1 độ C, duy trì nhiều giờ trong ngày. Để chống chọi với giá rét, ngoài việc chuẩn bị củi đốt sưởi ấm, mặc nhiều quần áo giữ ấm cơ thể, một vài hộ dân còn lợp thêm cỏ gianh nối mái nhà xuống thấp nhằm hạn chế gió, hơi lạnh vùng núi lùa vào nhà.
Khu vực đèo Pha Đin (giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên) được đánh giá là vùng có nền nhiệt độ chênh lệch rất lớn so với các địa bàn khác khi xảy ra rét đậm, rét hại. Nhiều ngày qua, hơi nước và mây mù đã bao phủ hầu như khắp con đèo. Mọi phương tiện tham gia giao thông trên đèo này đều phải bật đèn chiếu sáng, đi chậm bởi tầm nhìn hạn chế do sương mù đậm đặc, dốc cao, đường quanh co tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất lớn. Cao điểm lúc lạnh nhất, chủ yếu về đêm và gần sáng, nhiệt độ tại đỉnh đèo Pha Đin xuống dưới 1 độ C. Ban ngày, dù giữa trưa, nhiều bản làng như Chế Á, Hua Sa a, Hua Sa B, Tỏa Tình, Lồng, Háng Tàu (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo) vẫn bị mây mù, hơi nước bao phủ. Người dân ở đây đã hạn chế ra ngoài nhà đến mức thấp nhất, không chăn gia súc, vật nuôi, không đi nương rẫy.
Các xã vùng cao nằm dưới chân đèo Pha Đin như Quài Tở, Quài Cang (huyện Tuần Giáo), thời điểm vào sáng sớm đến gần trưa thời tiết rất lạnh, nhiệt độ dao động từ 6 - 8 độ C. Dọc tuyến Quốc lộ 6 từ thị trấn Tuần Giáo lên đỉnh đèo Pha Đin, người dân sinh sống hai bên đường đã phải đốt lên những đống lửa to để sưởi ấm. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây phải trì hoãn từ nhiều ngày qua trước tình hình thời tiết quá khắc nghiệt.
Chị Mùa Thị Lầu, bản Hua Sa B, xã Tỏa Tình chia sẻ, thời tiết giá rét xảy ra gần 10 ngày, ai cũng rét buốt chân tay nên không thể lên nương rẫy đi làm. Do đó, chị đã đốt một đống lửa trong nhà để mọi người sưởi ấm. Đêm xuống có đống than củi này, nhà cũng ấm hơn và mọi người dễ ngủ hơn.
Chị Vàng Thị Dua, bản Lồng, xã Tỏa Tình cho biết: “Thời tiết rất lạnh, không thể ra khỏi nhà lâu, nhiều ngày rồi mình không ra khỏi bản, không lên nương. Thực phẩm hàng ngày cho gia đình hái trong vườn nhà, bắt trong chuồng trại. Các loại gia súc, vật nuôi như lợn, gà, vịt, dê đều đã nhốt trong chuồng từ nhiều ngày qua, đến buổicho chúng ăn chứ không cho người đi chăn thả như trước nữa”.
Gia súc chết rét do nền nhiệt giảm sâu
Công tác phòng, chống rét cho gia súc, vật nuôi và cây trồng được người dân, các cấp chính quyền địa phương chủ động thực hiện tích cực trong những ngày qua. Tuy nhiên, thời tiết rét đậm, rét hại đã gây nên những tổn thất ban đầu đáng tiếc đối với chăn nuôi của người dân.
Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh mạnh, nhiệt độ tại nhiều xã trong huyện đã giảm rất sâu, một số xã đã xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét. Thống kê nhanh đến sáng 11/1, 4 xã Quài Tở, Tênh Phông, Pú Xi, Tỏa Tình của huyện Tuần Giáo đã có 7 con trâu, bò bị chết rét. Trước diễn biến cực đoan của thời tiết, các ngành chức năng của huyện Tuần Giáo đang tập trung xuống các xã cập nhật, thống kê tình hình thiệt hại đối vật nuôi; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống rét cho gia súc, vật nuôi, cây trồng đến người dân tại các thôn, bản.
Theo khảo sát của phóng viên, tại các xã Quài Tở, Tỏa Tình, chủ động ứng phó với thời tiết cực đoan, việc sửa chữa, gia cố, che chắn thêm chuồng trại đảm bảo kín gió, khô ráo nhằm giữ ấm cho gia súc, gia cầm và các loại vật nuôi đã được người dân ở đây tích cực thực hiện. Các hộ chăn nuôi gia súc chú trọng việc dự trữ lương thực (cỏ, rơm rạ, thân cây chuối…) đảm bảo cho gia súc ăn trong nhiều ngày. Gia súc được nuôi nhốt trong chuồng, trại khô, sạch, kín gió, không thả rông ra bãi, mé rừng; tăng thêm lượng thức ăn trong mỗi bữa và cho gia súc uống nước ấm, pha thêm muối để gia súc có thêm sức đề kháng. Đặc biệt, lúc nhiệt độ giảm sâu và vào ban đêm, người dân đốt lửa để sưởi ấm chuồng trại, gia súc.
Ông Vàng A Dình, người dân sinh sống trên đèo Pha Đin cho hay, những ngày qua, do thời tiết lạnh, sợ vật nuôi chết, ông phải nhốt gia súc (dê, lợn), gia cầm (ngan, gà) trong chuồng được che chắn kín gió, không đi chăn thả rông trên bãi, trên núi. Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc gia súc, gia cầm được ông chú ý hơn, đặc biệt là phải bổ sung thêm lượng thức ăn để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nếu tình hình thời tiết còn diễn biến cực đoan và kéo dài, ông sẽ lùa đàn gia súc, gia cầm xuống vùng thấp hơn hoặc sang vùng có nhiệt độ cao hơn để tránh rét.
Chính quyền các xã Tỏa Tình, Quài Cang, Quài Tở đã thường xuyên tuyên truyền, cập nhật cảnh báo tình hình rét đậm, rét hại đến người dân ở các bản trên địa bàn; đồng thời, tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người, gia súc, gia cầm và cây trồng.
Trước tình hình diễn biến cực đoan, phức tạp của thời tiết rét đậm, rét hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố khuyến cáo đến các cấp chính quyền, người dân chủ động hơn nữa các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, cây trồng và con người, nhất là đảm bảo sức khỏe cho người già, trẻ em.
Dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Điện Biên, ngày 11/1, bộ phận không khí lạnh tăng cường có cường độ mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết trong tỉnh. Trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác, nhiệt độ thấp nhất phổ biến dao động từ 7 - 9 độ; riêng khu vực đèo Pha Đin đạt mức 0,5 độ C. Trong nhiều ngày tới, nhiệt độ thấp nhất dao động từ 6 - 8 độ, có nơi trên 8 độ, Pha Đin và vùng núi cao dao động từ 0 - 2 độ, có nơi dưới 0 độ, nguy cơ xảy ra băng giá, sương muối
Xuân Tiến – Xuân Tư/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất