04/10/2019 23:46 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Có rất nhiều bài viết về vị doanh nhân này mà nếu tập hợp lại có lẽ đủ in thành một cuốn sách vô cùng thú vị. Mong muốn được trò chuyện và viết về ông đã từ rất lâu rồi, nay mới có cơ duyên.
Thông tin ông là một trong 10 cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2019 đã giúp chúng tôi có được một lịch hẹn. Và hơn cả mong đợi, câu chuyện của doanh nhân Đỗ Minh Phú - người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn DOJI và cũng là Chủ tịch của Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) vẫn còn rất nhiều sức hấp dẫn.
Người thích đối diện với thách thức
Chúng tôi gặp ông Đỗ Minh Phú tại Tòa nhà DOJI Tower, số 5 đường Lê Duẩn (Hà Nội) - một tòa nhà lộng lẫy, khang trang, đầy sức cuốn hút, có vẻ đúng với khí chất của một người đứng đầu bảng lĩnh vực đá quý, vàng bạc.
Ngay ngoài cửa là một dòng chữ trang trọng “Công trình kỉ niệm 65 năm ngày Giải phóng Thủ Đô: 10/10/1954 - 10/10/2019), được nhiều người gọi là viên ngọc giữa lòng Hà Thành. Vị chủ nhà đón khách với một gương mặt đầy thần thái rạng rỡ và một nụ cười thân thiện, lịch thiệp. Ông rào đón cũng đúng điệu của người làm dịch vụ: “Vâng, tôi có thể giúp gì được cho các bạn nhỉ”!?. Cái cách ông vào đề cũng thật dễ chịu, khác với nhiều các ông chủ bận rộn và nổi tiếng.
Trước khi câu chuyện về kinh doanh được kể, ông Phú say mê kể về Hà Nội, về tình cảm gắn bó với Thủ Đô nhiều năm nay. Dù quê quán ở Yên Bái nhưng ông lại sống chủ yếu ở Hà Nội, lập nghiệp và thành danh trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này. Có lẽ cũng bởi vì thế, những gì ông làm hơn 50 năm qua, đặc biệt là sự trưởng thành của Doji suốt 1/4 thế kỷ, đã có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội hôm nay mà dấu ấn của vị thủ lĩnh Đỗ Minh Phú là không thể phủ nhận.
Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của vị doanh nhân này dường như luôn gắn với những ngã rẽ không dễ vượt qua nhưng lạ thay, mọi quyết định được đưa ra đều rất quyết liệt, sáng suốt và phù hợp với thời thế. Những năm 1990, ông đang làm việc tại Viện khoa học Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc cho một doanh nghiệp liên doanh nước ngoài do Viện biệt phái. Sự mê hoặc của đá quý thôi thúc ông phải biến những kiến thức trong phòng thí nghiệm vào thực tiễn. Thế là từ một cán bộ Nhà nước, ông bỏ lại sau lưng quyền chức để bắt đầu mở doanh nghiệp tư nhân, lúc đầu là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, đến năm 2007 thì đổi tên là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI . Quyết định thứ hai là ông và gia đình lập công ty Diana chuyên sản xuất các sản phẩm tã giấy, băng vệ sinh và khăn giấy năm 1997. Bước ngoặt tiếp theo của vị doanh nhân này là việc bỏ “tiền tươi thóc thật”, từ “ngai vàng” ở Doji để khám phá lĩnh vực rất mới và nhiều rủi ro là đầu tư vào nhà băng TPBank trong bối cảnh tái cơ cấu vô cùng “bĩ cực” vào năm 2012.
Quyết định không phải là sự mạo hiểm như tung đồng xu sấp ngửa
Đó là chưa kể, trong bất cứ vai trò nào, sự đổi mới, sáng tạo dường như đã “ăn vào máu” của người thuyền trưởng bản lĩnh này. Ông liên tục có những thay đổi trong điều hành, quản lý và cách thức kinh doanh. Thế nên, một Doji không chỉ có đá quý mà dần dần chuyển sang kinh doanh sản xuất vàng bạc trang sức, không chỉ cung ứng cho nội địa mà còn xuất khẩu trên thế giới.
Tập đoàn DOJI đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong lĩnh vực Vàng bạc Đá quý nói riêng với tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng và giá trị thương hiệu ngày càng lớn mạnh. Tập đoàn với 9 năm liền lọt trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong đó có 3 năm đoạt ngôi vương do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietnamNet tổ chức công bố hàng năm.
Thương hiệu hàng đầu về vàng bạc đá quý, với hệ thống cửa hàng hiện có 100 trung tâm hoạt động tại các địa phương, 300 đại lý trong cả nước. Doanh thu là 65 nghìn tỷ năm 2018, ước chừng 80 nghìn tỷ năm 2019. Bên cạnh đó, Doji còn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản Doji Land và hiện đang hoạt động tương đối tốt.
Còn với ngân hàng, Đỗ Minh Phú cũng có nhiều dấu ấn đáng kể với thành công khi đẩy các ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của ngân hàng từ nhiều năm nay. TPBank đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ là ngân hàng gặp khó, giữa năm 2015 đã trở thành ngân hàng duy nhất tái cơ cấu thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém và cho đến nay được nằm trong top ngân hàng thương mại mạnh nhất tại Việt Nam. Từ ngân hàng chỉ có 1.500 tỷ, sau 7 năm số vốn tăng lên 8 lần, trên 10 nghìn tỷ, lợi nhuận năm nay ước chừng đạt trên 3 nghìn tỷ... Thực sự kết quả này chính là những “quả ngọt” cho trí tuệ và tâm huyết của doanh nhân Đỗ Minh Phú.
Trong những năm qua, thực hiện sứ mệnh “vì con người và hướng tới con người”, song song với nhiệm vụ phát triển kinh doanh, DOJI thường xuyên phát động, thực hiện các hoạt động từ thiện thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội qua đó gắn liền nhiệm vụ kinh doanh với an sinh xã hội, chung tay vì người nghèo, vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật...Gần đây nhất, Tập đoàn đã trao 50 xuất quà cho trẻ em khuyết tật, khó khăn của tỉnh Yên Bái, trao 60 xuất quà cho học sinh, sinh viên khiếm thị ở Hà Nội...
Với những đóng góp cho xã hội, doanh nhân Đỗ Minh Phú đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2013; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2011; được thành phố Hà Nội công nhận 3 đề tài sáng kiến kinh nghiệm và trao tặng nhiều danh hiệu, bằng khen. Ông là một trong 10 cá nhân được Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội đề nghị các cấp xét, tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019. Tháng 8-2019 vừa qua, Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội) đã có văn bản lấy ý kiến nhân dân về việc đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho TPBank, doanh nhân Đỗ Minh Phú được đề nghị khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Và để có được những thành công ấy, nhìn lại những bước đi, rõ ràng đều là những lựa chọn đầy chiến lược. Ông chia sẻ: Khi đưa ra những quyết định đó hay trước khi làm bất cứ điều gì, tôi đều suy nghĩ rất kỹ, đánh giá rất đầy đủ, chuẩn xác, nhìn rõ đối tác, đối thủ và nhu cầu thực tế của thị trường. Vì vậy, xác suất, khả năng thất bại với tôi là rất thấp và nếu có hạn chế thì cũng chỉ giống như cái chân bàn bị lệch phải kê lại, sắp xếp lại cho cân bằng mà thôi.
Với tôi, quyết định trong kinh doanh không phải là sự mạo hiểm như tung đồng xu sấp ngửa, nó đòi hỏi trí tuệ, bản lĩnh và khả năng đối diện thách thức. Đặc biệt, với nhiều năm trải nghiệm, ông cho rằng tư tưởng “đi tắt đón đầu”, nắm bắt được “mạch của thị trường”, xây dựng uy tín, niềm tin nơi khách hàng và không ngại đầu tư vào công nghệ là chìa khóa để ông luôn chủ động, linh hoạt và tự tin bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt của thị trường trong bất kì hoàn cảnh nào.
Tự lực, tự trọng, tự tôn...
“Hổ phụ sinh hổ tử” hay thương hiệu Đỗ Gia... là câu chuyện được nhắc đến rất nhiều trong giới doanh nhân. Có người bảo, với một người cha tuyệt vời như cụ Đỗ Thế Sử, nhìn thấy một Đỗ Minh Phú như thế không có gì là lạ. Với một nền tảng giáo dục, văn hóa như thế, có một Đỗ Gia nổi tiếng hôm nay cũng là hiển nhiên. Nhưng còn một điều quan trọng hơn tất cả, đó lời răn dạy của người cha kính yêu– “đại lão doanh nhân” Đỗ Thế Sử lừng danh với “ba chữ tự”: Tự lực, Tự trọng, Tự tôn.
Với doanh nhân Đỗ Minh Phú, mọi điều thành công trong cuộc đời và sự nghiệp, ngoài dòng máu kinh doanh chảy trong huyết quản thì phải kể đến những nỗ lực và phấn đấu thực hiện điều răn dạy ấy. Ông chia sẻ: Cha tôi dạy, tự lực là phải cố gắng tự mình làm các việc, không trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Tự trọng là bản thân luôn đặt uy tín, danh dự lên hàng đầu khi làm bất cứ việc gì, dù có đói, khó khăn cũng không được xin của người khác, lấy của người khác. Tự tôn – là không được chấp nhận thua kém người khác. Thế nên từ nhỏ ba tôi đã đặt ra yêu cầu cho tất cả các con, con nào cũng phải đứng đầu lớp thì ba mới đi họp phu huynh cho...Và xuyên suốt trong cuộc đời tôi, những lời ba dạy, sự tôi rèn đặc biệt ấy đã làm nên nhân cách và bản lĩnh của tôi. Từ tâm thế, từ lối ứng xử, đều khởi phát từ ba “chữ Tự” mà tôi coi là báu vật của đời mình.
Có lẽ cũng từ sự giáo dục ấy và kim chỉ nam của “ba chữ Tự” mà trong câu chuyện kinh doanh, Đỗ Minh Phú đặt chữ “nhân tâm” là cốt lõi để “dụng nhân”, thậm chí ông còn viết hẳn bài thơ “Mạch nguồn” để nói về triết lý ấy: Là doanh nhân chiêm nghiệm được bao điều/ Mang yêu thương cho kinh doanh cuộc sống/ Giá trị cho đời đâu chỉ là phép cộng/ Thấm đẫm tình người là ở chữ Nhân/Nhân nghĩa trọng tình ấm áp người thân/Nhân tâm đấy ta dành cho cộng sự/ Nhân văn này không chỉ là cách xử/Là tấm lòng với kẻ bán người mua... Quan điểm của ông, muốn tập hợp được nhân lực tốt thì người lãnh đạo phải là tấm gương, được mọi người quý - trọng - phục - tin yêu và đặc biệt luôn đứng trên một triết lý kinh doanh đó là hài hòa lợi ích thì mới bền vững và đi được đường dài.
Cũng bởi quan điểm ấy, bên cạnh tiềm lực tài chính vững mạnh, tốc độ phát triển không ngừng, Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã và đang trở thành doanh nghiệp uy tín thu hút nhân tài, nơi gắn kết, chia sẻ, yêu thương. Hiện nay, Tập đoàn có hơn 2000 nhân viên, trong đó 25% nhân sự có thâm niên trên 10 năm. Dự kiến đến hết năm 2020, số lượng nhân sự tăng khoảng 50% so với hiện tại. Nhiều nhân viên đã gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập và đang giữ chức vụ quan trọng của Tập đoàn.
Không chỉ coi trọng những người đồng hành, ông cũng đặc biệt chia sẻ về kĩ năng tự hóa giải khó khăn và tiết chế được cảm xúc để luôn tạo nên “lực hấp dẫn” trong “truyền lửa” cho cộng sự. Điều đó rất quan trọng với một người đứng đầu doanh nghiệp. Bởi bình tĩnh trước thách thức, không để những người xung quanh mình phải sợ hãi là sẽ tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Người thủ lĩnh không thể để những nhân viên của mình cảm thấy run rẩy, lo sợ trước khó khăn, mà luôn phải giúp họ có được niềm tin vào người dẫn đầu, là người có thể dắt họ qua bóng tối...
Nếu nói về kinh doanh có lẽ phải ngồi cả buổi mới hết chuyện vì vị doanh nhân tài ba này không “ngán” bất cứ câu hỏi khó nào và khả năng trả lời phỏng vấn cũng rất “đáng nể”. Chúng tôi chỉ thấy ông có phần “ái ngại” trước niềm vinh dự khi được đề xuất là một trong 10 công dân Thủ Đô ưu tú của năm nay. Ông bảo: Trở thành “công dân ưu tú” thực sự còn áp lực hơn cả điều hành doanh nghiệp, kiếm ra lợi nhuận. Bởi nếu được lựa chọn chính là được lãnh đạo Thành phố và người dân Thủ đô yêu mến ghi nhận những đóng góp và công hiến của mình trong suốt thời gian qua. Nhưng khi đã có được danh hiệu ấy thì phải luôn nỗ lực để xứng đáng, xứng tầm. Thế nên, vinh dự tự hào biết bao nhưng cũng thấy trách nhiệm vô cùng lớn lao.
Văn Cảnh - Nguyễn Thắng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất