'Hủ tục' trong lễ hội - đâu là điểm dừng?: Khi truyền thống bị bóp méo

03/04/2015 14:01 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Trao đổi với PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN), rất nhiều học giả đưa ra quan điểm: Trước khi có những biện pháp cần thiết, người trong cuộc cần phân tích rõ ràng giữa cái hại, cái xấu của những "hủ tục" và việc tổ chức sai nguyên tắc, thậm chí là bóp méo các nghi thức này.

"Nếu không phân biệt rõ ràng, việc can thiệp vào lễ hội sẽ biến cái sai này thành cái sai khác, thậm chí còn nghiêm trọng và tệ hại hơn" – TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa Nghệ thuật VN) chia sẻ.

Nghi thức "loại 1" bỗng thành "loại 3"

Ông Phạm Xuân Phúc (Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL) cho biết: Việc nghiên cứu điều chỉnh lễ hội cần được  dư luận hiểu đúng. Về nguyên tắc, ngành quản lý  không hề có ý định "xóa sổ" các lễ hội liên quan tới đâm trâu, chém lợn, cướp lộc… Thay vào đó, sự thay đổi nếu có chỉ áp dụng với các nghi thức gây tranh cãi, còn toàn bộ lễ hội vẫn được giữ nguyên.

Được biết, trong những nghiên cứu về lễ hội trước đây, các chuyên gia thường tạm chia phần nghi thức, tập tục trong lễ hội thành 3 loại: Loại tích cực cần bảo tồn bằng mọi giá; loại trung tính cần có thời gian để chủ thể văn hóa tự quyết định duy trì hay không; loại tiêu cực cần phải có biện pháp can thiệp để người dân hiểu về điều chỉnh. Thông thường, các tập tục liên quan tới lễ hiến sinh thường được xếp vào loại trung tính, còn những gì ảnh hưởng tới tới sức khoẻ, an toàn cá nhân, quyền con người… bị coi là tiêu cực và gần như đã được dẹp bỏ hết trên thực tế.


BTC đã trục lợi từ lễ hội đâm trâu ở Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Cúc Đường

Đáng nói, theo GS Ngô Đức Thịnh, sự biến đổi theo thời gian về những cá nhân tham dự lễ hội theo thời gian cũng như công tác tổ chức yếu kém đã khiến nhiều nghi thức loại 1(tích cực) có xu hướng chuyển thẳng sang loại 3 một cách ngoài ý muốn. "Tôi khẳng định, cướp phết là diễn xướng đặc sắc, liên quan tới ước nguyện cầu sinh nở của cộng đồng bản địa. Còn tục tranh hoa tre, tranh trầu cau thì thậm chí còn ghi lại trong hồ sơ của Hội Gióng khi trình UNESO"- ông Thịnh nói. "Gọi đó là hù tục thì hơi oan, bởi lỗi tại chính chúng ta không còn giữ sự thành kính, nhân văn khi tham gia những diễn xướng ấy".

Theo TS Nguyễn Văn Vịnh ( Phó Viện trưởng Viện công nghệ Giáo dục VN), rất nhiều du khách tham gia lễ hội hiện tại với tâm lý a dua mà không hiểu, không trọng về tín ngưỡng tại nơi mình đến. Thậm chí, chính bản thân những thế hệ trẻ tại nơi tổ chức lễ hội cũng ít nhiều không còn giữ được sự thành kính, nghiêm trang cần có. Điển hình, trong các vụ lộn xộn từng xảy ra , khá nhiều thanh niên được giao nhiệm vụ "kiệu Thánh"cũng tranh chấp với khách thập phương để…xí phần.

"Tôi được biết, các diễn xướng tranh lộc trước kia không hề có bạo lực mà chỉ xô đẩy nhau một chút. Người thắng thì hỉ hả, còn người thua cũng vui vẻ ra về" - TS Vịnh nói. "Bây giờ, chính chúng ta mang tâm lý ăn thua mê muội, biến nghi thức lễ hội thành nơi giải quyết mâu thuẫn xã hội thì đừng vội đổ lỗi cho tập quán cũ".

Mượn truyền thống để trục lợi

Theo TS Vịnh, khi nhu cầu giải trí, du lịch được đặt ra trong lễ hội hiện đại, việc khách thập phương bắt đầu bỏ qua những lễ hội quen thuộc để  kéo nhau tìm đến những có nghi thức "lạ lạ" là điều dễ hiểu.Từ đó, ở góc độ ngược lại, một số lễ hội truyền thống cũng xuất hiện xu hướng "chiều" du khách để thoả mãn sự hiếu kỳ, chuộng lạ này.

Cách đây 4 năm, trong một cuộc trao đổi về tục đâm trao, PGS Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hoá) đã dùng tới các từ "báng bổ" và "dốt nát" khi nói về một số hội chọi trâu vừa được phục dựng. Theo PGS Biền, gắn với các thủy thần và mặt trăng, con trâu (vốn có đôi sừng cong như vành trăng khuyết) thắng trận cuối cùng thường được dùng trong lễ tế, sau đó cho lên mảng và thả trôi ra biển. Thế  nhưng, ở thời điểm hiện tại, thay vì chỉ xả thịt những con trâu thua trận, phía tổ chức thường tranh thủ… bán luôn thịt của con trâu giành giải nhất, cũng với giá cao ngất lên tới vài triệu đồng/cân.

Hoặc, chính người viết, trong một lễ hội mừng lúa mới tại Tây Giang (Quảng Nam) cũng có dịp chứng kiến sự "cải cách" tại nghi thức đâm trâu. Ở "công đoạn" cuối cùng, khi con trâu sắp gục xuống vì mất máu, những du khách có nhu cầu đều được mời… tự tay cầm giáo, xiên tiếp một mũi vào thân mình con vật.

"Thực tế, đồng bào Tây Nguyên gọi nghi thức này là "ăn trâu" và thực hành trong các lễ cúng Giàng, bỏ mả. Không có cái khái niệm nào là "lễ hội đâm trâu" cả"- PGS Nguyễn Văn Huy cho biết. "Vậy nhưng, có những nơi vẫn cố tình tô vẽ  theo kiểu sân khấu hoá, hoặc cắt phăng phần cúng tế và chỉ duy trì màn đâm trâu . Cách tách nghi thức khỏi tổng thể lễ hội, tước bỏ tính thiêng vốn có để mua vui như vậy là mượn truyền thống để trục lợi, xúc phạm văn hoá bản địa"

Câu hỏi đặt ra: Khi nhiều nghi thức truyền thống bị bóp méo bởi chính người tham gia trong xã hội hiện đại, chúng ta sẽ tìm hướng để khôi phục bản chất văn hoá vốn có, hay chọn giải pháp đơn giản hơn là xoá bỏ luôn nó?

(Còn tiếp)

Cúc Đường - Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm