01/12/2017 15:36 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng thế mạnh trong nước, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, mô hình khu công nghiệp đã được hình thành, phát triển đa dạng và đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy vậy, các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, quá chú ý đến việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp để đẩy nhanh việc lấp đầy diện tích đất cho thuê, chưa thực sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường, nên ngày càng tác động tiêu cực tới môi trường sống xung quanh. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra là cần có những giải pháp khả thi, cụ thể để ngăn chặn hiệu quả, giải quyết được tận gốc ô nhiễm do các khu công nghiệp gây ra hiện nay.
Trong những năm qua, trong việc quy hoạch phát triển và vận hành các khu công nghiệp, vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm, gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, hầu hết các công nghệ, phương pháp xử lý chất thải đang áp dụng tại đây chưa thật an toàn, hoạt động giám sát và cưỡng chế áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với các cơ sở công nghiệp, cơ sở vận chuyển và xử lý chất thải còn rất yếu kém. Ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp chủ yếu là ô nhiễm môi trường nước, không khí, chất thải rắn là chủ yếu với tốc độ gia tăng ngày càng cao.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 12/2016, cả nước có 325 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 95 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên gần 61 nghìn ha, 105 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt 31,8 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đạt 51%, cao hơn 2% so với cuối năm 2015. Riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, cao hơn 6% so với cuối năm 2015.
Theo Tổng cục Môi trường, nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm do hoạt động công nghiệp bắt nguồn từ việc xả các loại chất thải (nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại) vào môi trường. Mặc dù mô hình tập trung các cơ sở sản xuất vào các khu công nghiệp tạo thuận lợi cho quản lý chất thải, nhưng đến nay bên cạnh một số khu công nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về quản lý chất thải, vẫn còn nhiều khu công nghiệp chưa hoàn thiện các công trình thu gom, xử lý chất thải tập trung. Thực trạng đó làm cho môi trường sinh thái ở một số địa phương bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Báo cáo giám sát của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lí nước thải tập trung ở một số địa phương rất thấp, có nơi chỉ đạt 15 - 20%. Một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành vì để giảm chi phí. Bình quân mỗi ngày các khu, cụm, điểm công nghiệp thải ra hàng chục nghìn tấn chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải độc hại khác. Hầu hết nước thải đều xả trực tiếp vào nguồn nước, gây tác động xấu đến chất lượng nước của các nguồn tiếp nhận... Có nơi hoạt động của các nhà máy trong khu công nghiệp phá vỡ hệ thống thủy lợi, tạo ra những cánh đồng ngập úng và ô nhiễm nguồn nước tưới, gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp.
Ô nhiễm môi trường không khí ở các khu công nghiệp chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp cũ, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Tại các khu công nghiệp này, ô nhiễm chủ yếu là bụi, một số khu công nghiệp có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn. Các chuyên gia môi trường cảnh báo, nhiều loại khí khác có ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà không ngửi thấy bằng khứu giác đang diễn ra phổ biến ở các khu công nghiệp hiện nay.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, mỗi ngày các khu công nghiệp thải ra khoảng 8.000 tấn chất thải rắn, tương đương 3 triệu tấn/năm và đang gia tăng cùng với tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Trong khi năng lực thu gom, xử lý của các cơ sở được Bộ cấp phép khoảng 1.300 tấn/năm. Nếu như năm 2005 – 2006, một ha diện tích đất cho thuê bình quân phát sinh chất thải rắn khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008– 2009 đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50%). Riêng những năm gần đây, chắc chắn số lượng chất thải tăng lên gấp nhiều lần và đó chính là mối nguy hại cho môi trường xung quanh.
Ngoài ra, rất nhiều chất thải là hóa chất, chất độc hại đã được tạo ra khi ngành nghề sản xuất thay đổi trong khi quy trình xử lý chất thải vẫn giữ nguyên như cũ. Điều này đồng nghĩa với việc những hóa chất mới này hầu như không được xử lý, hoặc sau khi xử lý vẫn giữ nguyên yếu tố độc hại khi thải ra môi trường, dẫn đến những hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho cộng đồng dân cư và chính những lao động trong khu công nghiệp, đặc biệt là những khu công nghiệp nằm trong địa bàn dân cư.
Chưa tuân thủ quy định của pháp luật
Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường: Nguyên nhân dẫn đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp còn rất nhiều bất cập là do các tỉnh, thành phố xây dựng các khu công nghiệp không theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Một số dự án của các tỉnh, thành có trình độ công nghệ lạc hậu nhưng vẫn tiếp tục đưa vào sản xuất gây ô nhiễm môi trường kéo dài rất khó giải quyết. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các khu công nghiệp chưa làm tốt theo quy định. Vì vậy, ô nhiễm môi trường tại đây diễn ra khá phổ biến, một số nơi nghiêm trọng kéo dài. Một số chủ đầu tư dự án chưa tuân thủ đầy đủ các nội dung quyết định phê chuẩn của cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường còn mang tính chất thủ tục, chưa thật sự là căn cứ kỹ thuật, pháp lý và trách nhiệm để tổ chức thực hiện.
Đơn cử, theo Kết luận thanh tra số 1661 tháng 4/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã phát hiện các vi phạm tồn tại đối với 31 tổ chức trên địa bàn. Hầu hết các doanh nghiệp này đều không thực hiện chương trình giám sát môi trường định kỳ theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không báo cáo định kỳ kết quả giám sát môi trường cho các cơ quan chức năng; chưa lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường; không ký hợp đồng với đơn vị có chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại theo quy định…
Việc kiểm soát ô nhiễm bằng công cụ chính sách, pháp luật chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các hoạt động báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kiểm soát ô nhiễm bằng công cụ kỹ thuật còn chưa hiệu quả do công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều khí thải. Tại các khu công nghiệp có tới 78,4% các cơ sở sản xuất được điều tra chưa có hệ thống xử lý khí thải, gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Nhiều cơ sở xử lý chất thải vẫn sử dụng hình thức chôn lấp, quá trình kiểm soát ô nhiễm chưa thực sự đem lại hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường và vẫn đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Một số địa phương sử dụng nguồn vốn ODA để nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Dây chuyền chưa phù hợp với điều kiện Việt Nam, tỷ lệ chất thải được đem chôn lấp hoặc đốt sau xử lý rất lớn từ 35 - 80%, chi phí vận hành và bảo dưỡng cao…
Hiện còn thiếu nhiều hệ thống thống nhất quản lý về môi trường, do vậy mỗi khu công nghiệp tổ chức quản lý môi trường theo một cách khác nhau. Việc phân cấp quản lý chưa rõ ràng, cán bộ của cơ quan quản lý môi trường địa phương không có đủ phương tiện và trang thiết bị để thực hiện việc giám sát ở tất cả các nhà máy trong khu công nghiệp, thiếu cán bộ quản lý môi trường, chỉ có thể đáp ứng phần nào việc quản lý các vấn đề môi trường bên ngoài hàng rào khu công nghiệp. Việc xử phạt các trường hợp vi phạm luật bảo vệ môi trường còn lỏng lẻo, mức phạt còn quá thấp chưa đủ sức để buộc các đối tượng vi phạm nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường hoặc thay đổi hành vi gây ô nhiễm.
Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung (như Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp quy về quản lý môi trường khu công nghiệp) đã bộc lộ nhiều hạn chế khi áp dụng. Sự mâu thuẫn lợi ích, chi phí khi xây dựng hệ thống xử lý chất thải cùng với việc chưa có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng từ phía Nhà nước, đã khiến cho các nhà đầu tư chậm triển khai việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp cũng chưa hoàn chỉnh.
Văn Hào
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất