18/02/2020 11:20 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Do phương tiện giao thông tăng cao trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp; ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông còn hạn chế; công trường thi công chiếm dụng mặt đường là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh thêm nhiều điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Để giải quyết các điểm ùn tắc này, Liên ngành Giao thông Vận tải và Công an thành phố Hà Nội vừa có biên bản thống nhất để có giải pháp khắc phục 10 điểm ùn tắc giao thông mới phát sinh trên địa bàn thành phố.
Theo đó, 10 điểm ùn tắc mới được đề xuất bao gồm: nút giao Kim Mã - Liễu Giai, Liễu Giai - Đào Tấn, Hồ Tùng Mậu - Lê Đức Thọ, Nguyễn Khang, cầu 361, Ngã Tư Sở, Nguyễn Khoái đoạn Vĩnh Tuy - Vành đai 1, cầu Mai Động, Lê Quang Đạo - Châu Văn Liêm, đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao đoạn thuộc địa phận quận Thanh Xuân.
Nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc trên được liên ngành thống nhất cho rằng, về khách quan, phương tiện giao thông tăng cao trong khi tốc độ phát triển hạ tầng giao thông không theo kịp; ý thức chấp hành luật lệ của người tham gia giao thông còn hạn chế. Về nguyên nhân chủ quan, công trường thi công chiếm dụng mặt đường là nguyên nhân cơ bản; trong đó, có các công trình trọng điểm như Vành đai 2, Vành đai 3… Có đến 8/10 số điểm ùn tắc là do công trường thi công.
Nhằm xử lý dứt điểm ùn tắc trên, các cơ quan liên quan sẽ tổ chức khảo sát, lên phương án cho từng điểm ùn tắc; làm việc với các chủ đầu tư công trình, đề nghị đẩy nhanh tiến độ, bố trí lại hàng rào hợp lý; cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; tăng cường lực lượng chốt trực, hướng dẫn điều tiết, xử lý vi phạm thường xuyên trong giờ cao điểm…
Trước đó, theo thống kê, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 06/2015 của HĐND thành phố Hà Nội về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, UBND thành phố đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể là, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải (triển khai phần mềm Govone trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT; đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực; đang triển khai xây dựng tiêu chí lắp đặt camera trên địa bàn thành phố để triển khai lắp đặt đồng bộ…).
Với các giải pháp trên, Hà Nội đã xử lý được 55 điểm ùn tắc đạt so với yêu cầu chỉ tiêu (đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông). Riêng trong năm 2019, thành phố đã xử lý được 10/33 điểm ùn tắc giao thông. Với việc phát sinh 10 điểm ùn tắc mới, tổng số điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố còn lại là 33 điểm. Do lưu lượng giao thông vẫn tiếp tục tăng nhanh nên trên địa bàn lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc giao thông mới cần tiếp tục xử lý để đảm bảo đạt được mục tiêu, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Tuyết Mai/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất