23/04/2018 07:59 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi theo dòng người hành hương về đất Tổ. Buổi sáng đầu tiên của tuần lễ hội, những ngả đường hướng đến núi Nghĩa Lĩnh kín người và xe cộ. Các bãi xe quanh khu vực không còn chỗ trống. Dòng người từ khắp mọi miền. Có người từ những vùng xa. Nhiều cụ già, em nhỏ đi cùng những người trong gia đình. Nhiều đoàn khách nghe tiếng biết từ ở tận miền Nam, miền Trung. Có những bạn nước ngoài. Sự thành kính, tưởng nhớ về nguồn cội hiện trên gương mặt, ánh mắt của mọi người.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ tháng Ba mùng mười
Trên trục đường trung tâm của lễ hội, sát chân núi, không khí rất rộn ràng. Dọc hai bên là những điểm văn nghệ, trại văn hoá của các đoàn nghệ thuật địa phương và một số tỉnh bạn. Có trưng bày, triển lãm. Có hát xoan Phú Thọ và các loại hình dân ca khác. Có các chương trình gặp gỡ giữa các nghệ sĩ và người xem.
Chúng tôi theo dòng người lên núi Nghĩa Lĩnh, nơi có các đền Hạ, đền Trung, đền Thượng, lăng vua Hùng, đền Giếng ...Từ bao đời nay, lễ giỗ Tổ Hùng Vương đã tồn tại trong đời sống tâm linh của người Việt Nam, mang tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng sâu sắc. Đây là khu di tích đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngược lên núi, dòng người ngày càng đông... Nhiều đoạn phải nhích từng bước một. Nhưng không khí khá trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy. Công tác tổ chức năm nay khá tốt. Các chiến sĩ công an đứng dọc các đường lên phía mép núi, giúp đỡ người già trẻ em, nhắc nhở mọi người đi vào trong để tránh nguy hiểm. Việc thắp hương, dâng lễ tại các đển cũng diễn ra khá trong không khí thành kính và khá trật tự.
Mỗi di tích ở khu vực Đền Hùng đều có vị trí và ý nghĩa riêng. Đền Hạ tương truyền là nơi mẫu Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con. Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ, nơi đặt tấm bia đá khắc câu nói nổi tiếng của Hồ Chủ tịch khi về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đển Trung là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng ngắm cảnh và họp bàn việc nước. Đền Thượng ở trên đỉnh núi, nơi theo truyền thuyết, các Vua Hùng tiến hành các nghi lễ, thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lăng Hùng Vương ở phía đông đền Thượng, tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ sáu. Đền Giếng, trong lòng đển vẫn còn giếng hình tròn, tương truyền là nơi các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường đến soi gương, vấn tóc ...
Được biết tỉnh Phú Thọ đã có sự chuẩn bị chu đáo cho lễ giỗ Tổ năm nay, cả về phần lễ và phần hội, với sự tham gia của các tỉnh Bình Dương, Kiên Giang, Thái Nguyên và Quảng Nam. Chương trình kéo dài trong 5 ngày, từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 4 (tức ngày 6 đến ngày 10 tháng 3 năm Mậu Tuất).
Buổi sáng ngày đầu tiên đã tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ. Nghi lễ dâng hương tại Đền Thượng sẽ được tiến hành vào ngày 25 tháng 4 (10 tháng 3 năm Mậu Tuất) với sự tham gia của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các cơ quan, đoàn thể ở trung ương, tỉnh Phú Thị và nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Bên cạnh phần lễ, theo lãnh đạo ngành văn hoá Phú Thọ, phần hội năm nay gồm hoạt động được tổ chức với quy mô lớn hơn, ở khu di tích Đền Hùng, thành phố Việt Trì Và nhiều nơi trong tỉnh.
Lễ hội văn hóa dân gian đường phố đã được tổ chức tại khu vực sân khấu quảng trường hồ Công viên Văn Lang, thành phố Việt Trì tối ngày 21/4. Lễ hội có sự tham gia của 14 đoàn văn hóa dân gian truyền thống của tỉnh Phú Thọ, với nhiều tiết mục trình diễn đa dạng như hát Xoan, bơi chải, lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa, rước Voi Đào Xá, đi cà kheo. Chương trình nghệ thuật với chủ đề "Linh thiêng nguồn cội - Đất Tổ Hùng Vương" đã tôn vinh hai di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.
Phú Thọ còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao khác trong dịp lễ hội như thi bơi chải truyền thống trên sông Lô, hội sách đất Tổ năm 2018, hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, Hội trại văn hóa và nhiều hoạt động khác.
Trong dòng người hành hương về đất Tổ sáng nay, tôi đi sau một cặp vợ chồng trẻ cùng con gái. Cháu chỉ quãng năm tuổi, bền bỉ theo cha mẹ trèo hang trăm bậc thang, lên tất cả các ngôi đển. Cháu mặc một chiếc áo phông đỏ, phía trước có hình sao vàng năm cánh, phía sau có bản đồ Việt Nam! Đấy là một hình ảnh đẹp và ấn tượng trong tôi ngày khai lễ!
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất