07/01/2020 08:46 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam được tôn vinh với nhiều giải thưởng danh giá trên thế giới.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá, đóng góp vào sự tăng trưởng chung của đất nước.
Sự phát triển “thần kỳ”
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế (tăng 16,2% so với năm 2018), phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng.
Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Có thể khẳng định năm 2019 là năm rất thành công của du lịch Việt Nam, không chỉ thể hiện ở các con số thống kê về lượng khách du lịch quốc tế, nội địa, tổng thu mà còn là các danh hiệu mà du lịch Việt Nam đạt. Trong đó phải kể đến các giải thưởng như “Điểm đến hàng đầu châu Á,” “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á,” “Điểm đến Golf tốt nhất thế giới 2019”...
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam được trao tặng danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới năm 2019.”
Việt Nam có nền ẩm thực đa dạng, phong phú, hấp dẫn trải dài khắp các vùng miền. Các món ăn Việt Nam dù đã được du khách quốc tế đánh giá cao nhưng năm 2019 là lần đầu tiên ẩm thực Việt được vinh danh “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á.”
Giải thưởng này mở cho Việt Nam hướng đi quảng bá, xúc tiến ẩm thực và di sản để thu hút bạn bè quốc tế.
Năm 2019 đánh dấu chỉ số năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Trong 3 lần xếp hạng (2 năm/ lần), du lịch Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí 75/141 nền kinh tế (năm 2015) lên vị trí 63/140 vào năm 2019.
Việc tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế và khu vực ở Việt Nam như Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ 2, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 đã tạo cơ hội thuận lợi để quảng bá du lịch, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo Tổng cục Du lịch, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể.
Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế.
Tính đến nay, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.
Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không đã tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch-hàng không.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do các hãng thông tấn và tạp chí uy tín quốc tế bình chọn.
Hạ tầng du lịch được cải thiện, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được đầu tư và nâng cao. Công tác đảm bảo môi trường du lịch được thường xuyên kiểm tra, giám sát. Nguồn nhân lực du lịch từng bước được bổ sung...
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá sự phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây là “câu chuyện thần kỳ.” Chỉ trong 3 năm, từ năm 2016-2018, du lịch Việt Nam tăng gấp đôi lượng khách quốc tế, từ 8 triệu lên gần 16 triệu.
Nếu năm 2020, du lịch Việt Nam đạt 20,5 triệu lượt khách quốc tế, có nghĩa là ngành du lịch đã đạt thành tích cao hơn mục tiêu cao nhất đã đề ra trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (đón 17-20 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020).
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng thành tựu này có được là nhờ có sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự đóng góp tích cực của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, toàn thể xã hội và những nỗ lực của ngành Du lịch vì sự phát triển chung của đất nước...
Nỗ lực đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020
Theo nhận định của Tổng cục Du lịch, năm 2020 dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt.
Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng.
Trong nước, nhiều sự kiện chính trị-văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng sẽ diễn ra: kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2020), 75 năm thành lập nước (2/9/1945-2/9/2020), 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2020), năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng và là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Du lịch (9/7/1960-9/7/2020)...
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Trong năm 2020, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ toàn ngành Du lịch đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.
Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề bởi những kết quả đạt được trong năm 2019 vừa là động lực cũng vừa là áp lực với ngành trong năm 2020. Vì vậy, Tổng cục Du lịch đã tổ chức trao đổi, thảo luận, đưa ra giải pháp để thể triển khai ngay từ những ngày đầu năm 2020.
Cụ thể, toàn ngành Du lịch sẽ chuẩn bị triển khai các giải pháp đã đề ra trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 hiện đang trình Chính phủ phê duyệt.
Khi được phê duyệt thì tất cả những giải pháp cho Chiến lược sẽ được toàn ngành chuyển thành các hành động cụ thể. Trong năm 2020, Tổng cục Du lịch cũng sẽ tiếp tục triển khai các đề án mà Chính phủ đã phê duyệt thực hiện. Trong đó có Đề án Tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch, Đề án tái cơ cấu phát triển khách du lịch Việt Nam, Đề án xúc tiến du lịch Việt Nam ở thị trường nước ngoài...
Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch sẽ rà soát, hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.
Đặc biệt, ngành du lịch tập trung nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng các thị trường khách mục tiêu như thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN.
Đây đều là những thị trường lớn, có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tổ chức khai thác các thị trường mới như Ấn Độ, khu vực Trung Đông...
Đặc biệt, ngành Du lịch tập trung vào công tác đào tạo nhân lực đảm bảo số lượng, chất lượng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được các dịch vụ du lịch cao cấp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu với Chính phủ xem xét để tiếp tục miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia có hợp tác chiến lược với Việt Nam, tạo thuận lợi cho khách du lịch từ các thị trường này đến với Việt Nam nhiều hơn nữa.
Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai và đưa Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vào hoạt động; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhân sự kiện Năm Chủ tịch ASEAN, Giải đua công thức F1 tại Hà Nội.
Thanh Giang/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất