Đề xuất 54 tuyến phố được cấp phép trông giữ xe

22/02/2012 18:21 GMT+7 | Thế giới



Chiều nay (22/2), liên ngành Sở Giao thông Vận tải, Công an Thành phố Hà Nội cùng 9 quận nội thành đã họp báo cáo kết quả sau gần một tuần ra quân thu hồi các giấy phép sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện và phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trông giữ phương tiện trái phép, xử lý dừng đỗ sai quy định để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cho biết, qua một tuần thực hiện, người dân hết sức ủng hộ, kết quả ban đầu đã đạt được “đường thông, hè phố thoáng.”

“Song để giải quyết bài toán vừa đảm bảo lòng đường vỉa hè thông thoáng, vừa đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, đời sống nhân dân trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng yếu kém là một việc rất khó,” ông Hùng thừa nhận.

Vì vậy, để giải bài toán cấp thiết này, liên ngành đã đề xuất Tờ trình số 151 gửi Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt 54 tuyến phố được cấp phép trông giữ xe.

Khó xử lý vi phạm

Nhiều trường hợp vi phạm trông giữ xe nhưng rất khó xử lý - Ảnh: Hùng Dũng/Vietnam+

Tại cuộc họp, đại diện nhiều quận trong thành phố đã nghiêm túc và quyết liệt thực hiện thu hồi giấy phép theo văn bản chỉ đạo của Thành phố. Tuy nhiên, lực lượng địa bàn cơ sở vẫn đưa ra nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện thu hồi và xử lý các vi phạm.


Thượng tá Trần Đình Cường, Phó trưởng công an quận Hai Bà Trưng cho rằng, về xử lý vi phạm lực lượng ngành gặp nhiều khó khăn do thiếu xe chuyên dụng để cẩu kéo.

“Nhiều trường hợp chủ xe bỏ xe, để mặc lực lượng thanh tra và công an. Chỉ khi nào có xe chuyên dụng đến thì họ mới xuất đầu lộ diện. Để có thể xử lý xong xuôi và kéo xe về bãi, công an phường phải đợi xe cẩu của thanh tra giao thông hay cảnh sát giao thông đến và cũng mất đến một tiếng đồng hồ mới có thể xử lý xong vi phạm,” thượng tá Cường thừa nhận.

Thượng tá Cường cho rằng, lực lượng Công an phường quá mỏng và còn nhiều việc phải giải quyết chứ không thể tập trung toàn bộ vào việc xử lý vi phạm lòng đường vỉa hè. Số trường hợp vi phạm xảy ra rất lớn, mật độ dày nên sẽ rất khó xử lý nghiêm.

Do đó, thượng tá Cường đề nghị thành phố cấp cho các quận xe kéo chuyên dụng để xử lý xe vi phạm, hoặc có thể cho phép các lực lượng tháo biển xe vị phạm.

Đồng tình quan điểm đó, đại diện Công an quận Đống Đa cho biết, qua gần một tuần triển khai quyết liệt thực hiện thu hồi giấy phép đã cơ bản hoàn thành, xong hiện nay vẫn còn những vạch kẻ chưa xóa. Người dân vẫn tưởng được đỗ nên khó xử lý người vi phạm.

“Sau khi các điểm rút đi cần rà soát lại có nên cho đỗ không. Cần bố trí các bãi đỗ xe cho người dân, bởi hiện người dân đang phải đỗ trong các ngõ nhiều,” đại diện quận Đống Đa cho biết.

Theo Thượng tá Phạm Văn Thời, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, hệ thống văn bản chưa chặt chẽ đã gây khó khăn cho lực lượng công an.

“Văn bản Thành phố phía trên nêu cấm tổ chức trông giữ các phương tiện, ở dưới lại là không đỗ trên vỉa hè và lòng đường. Cần phải phân biệt rõ ràng khái niệm cấm và không được đỗ xe nhằm tránh trường hợp chủ phương tiện tranh cãi với lực lượng xử phạt,” thượng tá Thời bày tỏ quan điểm.

Thượng tá Thời cũng thừa nhận thực tế Hoàn Kiếm là quận có nhiều hộ dân kinh doanh buôn bán. Hầu hết những tuyến phố cấm đều có vỉa hè dưới 3m, thậm chí có nơi chưa đến 1m.

“Cấm dưới lòng đường rồi vậy trên vỉa hè xe để như thế nào? Những người ở khu phố cổ có thể có chỗ để xe trong nhà nhưng với người nơi khác đến buôn bán thì để xe ở đâu?,” thượng tá Thời đưa ra câu hỏi.

Thượng tá Thời cũng cho biết thêm: “Nếu đưa bãi trông giữ xe ra ngoài đê Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải thì cự ly quá xa, chưa hợp lý và vô tình gây khó khăn cho người dân buôn bán. Vấn đề giao thông tĩnh chưa lo được, đây là bài toán hết sức nan giải khi quận chưa tổ chức được các điểm trông giữ xe mà nhu cầu đỗ gửi xe luôn luôn hiện hữu.”

Ông Trương Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý giao thông Đô thị quận Hoàn Kiếm cho rằng, tại một số tuyến phố hè rộng, mật độ giao thông thấp thì không nên cấm trông giữ xe trên vỉa hè.

Ông Hải kiến nghị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải sớm rà soát và có kế hoạch cho những tuyến phố trên được tổ chức trông giữ xe trở lại, bởi vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu thực tế của người dân, người lao động... và phát triển kinh tế, doanh thu của quận.

Đề xuất trông giữ xe 54 tuyến phố

Chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội cũng đề nghị các quận, huyện chủ động khai thác các quỹ đất hiện có, tổ chức trông giữ xe theo quy định, không thu phí quá giá, tăng cường xử lý và xử lý nghiêm những trường hợp này...

“Đối với các các nhân có đất trông giữ xe thì thành phố cũng hoan nghênh song các đơn vị này phải kiểm tra không được thu phí quá giá quy định, công tác phòng cháy chữa cháy... Nghiên cứu, hướng dẫn, đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức trông giữ xe,” ông Hùng cho hay.

Cuối giờ chiều ngày hôm nay, Liên ngành Sở Giao thông Vận tải - Công an Thành phố đã thống nhất ký Tờ trình số 151 gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc phê duyệt danh mục các tuyến phố đủ điều kiện cấp phép, các tuyến phố cấm tổ chức trông giữ phương tiện xe đẹp, xe môtô, ôtô trên vỉa hè, lòng đường.

Tờ trình của Liên ngành cũng kèm danh mục 54 tuyến phố. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 11 tuyến phố (Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Bông, Lương Văn Can…), quận Ba Đình có 24 tuyến (Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Phan Đình Phùng, Vạn Bảo…), quận Đống đa có 10 tuyến (Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Ngọc Thạch, Đê La Thành…), quận Hai Bà Trưng có 4 tuyến, Cầu Giấy 3 tuyến và Thanh Xuân 2 tuyến phố.

Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm, không cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tại các trục giao thông chính yếu, các tuyến hướng tâm, đường vành đai, các tuyến đường có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, các tuyến tổ chức phân làn tách dòng phương tiện hoặc các điểm dừng đỗ xe nằm cạnh các ngã ba, ngã tư đường; các tuyến phố đưa đón đoàn ngoại giao, các khu vực bảo vệ và phố đi bộ. Không cấp phép trông giữ xe trên các tuyến phố có mặt cắt ngang nhỏ hơn 7,5m, các phố có vỉa hè để trông giữ xe môtô, xe máy khi có bề rộng nhỏ hơn 5m.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cho phép được sắp xếp phương tiện cá nhân để đáp ứng nhu cầu bức thiết của nhân dân song phải đảm bảo không được cản trở giao thông của người đi bộ, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại dành cho người đi bộ là 1,5m; không để xe trước mặt tiền của cơ quan văn hóa, giáo dục, thể thao…

Cơ quan, đơn vị chỉ cấp phép với các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe bố trí tại các tuyến phố ngang, có lưu lượng giao thông thấp. Cấp phép cho các khu đất chưa sử dụng tại khu vực công công mà không ảnh hưởng đến tổ chức giao thông; các tuyến phố ngắn hoặc ngõ cụt được xem xét cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời. Cuối cùng, sẽ ưu tiên cấp phép cho các điểm đỗ xe, bến xe, bãi đỗ xe ứng dụng công nghệ mới (bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe áp dụng công nghệ hiện đại…).

Đặc biệt, liên ngành đề xuất Thành phố thống nhất giao cho một doanh nghiệp nhà nước có chức năng để quản lý khai các các điểm trông giữ xe trên cả vỉa hè và lòng đường đô thị. Trước mắt, toàn bộ lòng đường các tuyến phố được phê duyệt, đề nghị cấp phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội để tập trung quản lý.

Theo báo cáo kết quả ra quân đến hết ngày 20/2/2012 của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, liên ngành giao thông-công an đã xử lý 583 trường hợp môtô, ôtô dừng đỗ sai quy định và tạm giữ 21 ôtô.

Thanh tra Sở cũng giải tỏa 134 trường hợp lấn chiếm vỉa hè lòng đường để kinh doanh, tập kết vật liệu hàng hóa.

Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm