04/04/2019 16:15 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày cuối tháng 12-1966, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương Đồng Sĩ Nguyên rời Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ mới: Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559. Từ đó cho tới ngày thống nhất đất nước, ông đã có hơn 3.000 ngày gắn bó với bạn bè, đồng đội ở chiến trường Trường Sơn.
Sau độ lùi thời gian, nhiều cán bộ, chiến sĩ từng "vào sinh ra tử" ở tuyến đường Trường Sơn đều nhận thấy, việc cấp trên cử đồng chí Đồng Sĩ Nguyên vào Trường Sơn là một quyết định quan trọng và những dấu ấn cá nhân mà ông tạo ra đã trở thành bước ngoặt quyết định đối với tuyến vận tải quân sự chiến lược.Chuyển hóa tư tưởng bằng “bốn trực tiếp”
Trong một lần gặp Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, tôi hỏi ông về những kỷ niệm trong thời gian ông công tác dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Thiếu tướng Võ Sở cho biết: “Khi anh Đồng Sĩ Nguyên về làm Tư lệnh, tôi đang là Trưởng phòng Tổ chức thuộc cơ quan chính trị Bộ Tư lệnh 559. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh vị tư lệnh tuổi ngoại tứ tuần nhưng vóc dáng trẻ trung, đầu đội mũ sắt, vai đeo xắc-cốt và luôn hăng hái dẫn đầu các đoàn xuống kiểm tra từng trọng điểm, từng bãi giấu xe hay mỗi căn hầm của cánh lính công binh”.
Sau này, trong hồi ký, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên đã nhớ lại về ngày đầu “nhập cuộc” của mình: “Ngồi xe 50 cây số trên đường rải rong-đanh (đường được công binh lát gỗ tròn - PV), rồi 3 giờ đi bộ, đó là hai điều gây ấn tượng mạnh đối với tôi và có hai vấn đề buộc tôi phải suy nghĩ: Tại sao đã là cao điểm mùa khô mà không gỡ rong-đanh để xe đi lại dễ dàng hơn? Tại sao Bộ tư lệnh lại đóng xa đường như vậy?”.
Qua nhiều ngày đi thị sát thực địa, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã trằn trọc suy ngẫm những vấn đề về tư tưởng chỉ đạo tác chiến, về tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành... “Phải kịp thời thay đổi tư duy và cách hành động trên tất cả các mặt, trước hết phải nhận rõ Trường Sơn là một chiến trường chiến đấu tổng hợp, phải chiến đấu bằng tất cả các lực lượng, phải tổ chức binh chủng hợp thành. Tư tưởng chỉ đạo phải là chủ động tấn công kết hợp chủ động phòng tránh, trong đó lấy tư tưởng tấn công là chủ đạo”. Ông đã suy nghĩ như vậy và nhận thấy để làm chuyển biến tư tưởng tiến công thì đội ngũ cán bộ chủ trì phải thực hiện “4 trực tiếp”, đó là: Trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp kiểm tra, trực tiếp xử lý (nhất là những nơi khó khăn, ác liệt) và trực tiếp chỉ huy chiến đấu.
Nói là làm, sau khi được Thường vụ Đảng ủy chấp thuận, ông đã cho chuyển ngay Sở chỉ huy Bộ tư lệnh ra vị trí mới gần các trục vận chuyển và trọng điểm để tăng cường sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp. Ông bảo: “Bộ tư lệnh phải làm gương cho các binh trạm”. Thế rồi lần lượt các Binh trạm 31, 32... đều chuyển sở chỉ huy ra gần đường, gần trọng điểm để trực tiếp chỉ huy bộ đội. Ông còn chỉ thị cho Phó chính ủy Binh trạm 32 trực tiếp làm nhiệm vụ giải tỏa đèo Cốc Mạc, một trọng điểm vô cùng ác liệt lúc đó.
Chúng tôi đến Khu đô thị Nam Thăng Long (Hà Nội) để tìm gặp người được giao nhiệm vụ “đào hầm cố thủ ngay tại đèo Cốc Mạc” năm ấy. Ông là Đại tá Phan Hữu Đại, người từng có 10 năm chiến đấu trên đường Trường Sơn dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Đồng Sĩ Nguyên.
Ông Đại nhớ lại, khi mở màn chiến dịch vận tải mùa khô 1966-1967, địch cũng mở một cuộc tập kích vào đèo Cốc Mạc, phá hủy toàn bộ 1km đường đèo, chặn đứng đường vận tải của ta. Sau nửa tháng ùn tắc, một hôm, giữa đêm khuya, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên gọi điện triệu tập Chỉ huy Binh trạm 32 vào Sở chỉ huy Bộ tư lệnh. Trong khoảng 1 giờ, dưới ánh đèn dầu leo lét, ông nói vắn tắt về tình hình tuyến “yết hầu” vào Đường 9 rồi giao nhiệm vụ: “Phó chính ủy Phan Hữu Đại trực tiếp chỉ huy giải tỏa bằng được trọng điểm này, Binh trạm trưởng có mặt tại ngã ba Lùm Bùm để khi giải tỏa xong thì lệnh cho xe chạy, Chính ủy ở lại binh trạm, có tình hình gì thì báo cáo”. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên còn dặn thêm: “Đồng chí Đại ra đào hầm tại trọng điểm để chỉ huy chứ không phải vào rừng đâu nhé, cố gắng trong 3 ngày phải giải tỏa cho xe qua”. Nói rồi Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên yêu cầu Ban chỉ huy Binh trạm 32 về thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm.
Tính Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là thế, ông nói rất ngắn gọn, dứt khoát. Ngay cả việc động viên cán bộ, chiến sĩ cũng vậy, ông thường chọn những ngôn từ giản dị nhưng có thể “chạm” vào trái tim họ. Để đồng đội không cảm thấy “đơn thương độc mã” giữa chiến trận, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cho nối đường dây điện thoại từ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh tới đèo Cốc Mạc, nơi Phó chính ủy Binh trạm 32 làm nhiệm vụ để thường xuyên đôn đốc, hỏi thăm tiến độ và kịp thời động viên: “Cậu yên tâm, tôi sẽ lệnh cho các trọng điểm khác tích cực chi viện hỏa lực”. Nghe vậy, ông Đại và anh em rất yên tâm, phấn khởi.
8 giờ sáng hôm sau, Phan Hữu Đại triệu tập cuộc họp với 3 lực lượng: Công binh, phòng không và vận tải để bàn việc phối hợp giải tỏa. “Học tập tác phong sâu sát của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, đêm đến, tôi đã thức để tính xem số lần địch đánh phá trọng điểm và biết được quy luật của chúng: Cứ khoảng 2-3 tiếng, địch lại có một đợt đánh phá. Anh em cứ dựa vào quy luật ấy mà tranh thủ sửa đường, rồi nghiên cứu, tính toán để lực lượng vận tải tập kết. Đến ngày thứ 3 thì trọng điểm giải tỏa xong, lực lượng cao xạ còn lập công bắn rơi 2 máy bay địch”.
Ông Đại cho biết, trận đánh giải tỏa đèo Cốc Mạc chính là trận đánh hiệp đồng binh chủng chiến đấu đầu tiên của Bộ Tư lệnh 559 và trở thành một phương thức chiến đấu vận chuyển thành công: Hễ trọng điểm nào được xác định là ác liệt thì tập trung pháo cao xạ, còn những trọng điểm nhỏ thì giao cho công binh áp dụng phòng không nhân dân để tiêu diệt địch... Ngay sau đó, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã cho phổ biến, nhân rộng mô hình giải tỏa trọng điểm của Binh trạm 32, dấy lên khí thế phấn khởi, tin tưởng trong toàn tuyến.
Lắng nghe phản biện và tư tưởng cách mạng tiến công
Trong những năm dưới quyền trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và kể cả sau này, Đại tá Phan Hữu Đại luôn có ấn tượng tốt với người thủ trưởng cũ: “Ông tuyệt nhiên không có tư tưởng và thái độ tranh công đổ lỗi, mỗi khi giành thắng lợi ông đều quy công lao cho tập thể, trường hợp gặp thất bại ông đều nhận trách nhiệm về mình”.
Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại kỷ niệm giữa mùa khô 1967-1968, khi chiến dịch vận chuyển đang trong giai đoạn phát triển thuận lợi, mọi guồng máy đang vận hành trơn tru thì Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nảy ra sáng kiến mới: Bỏ cung vận chuyển ngắn 100km, thay vào đó là tổ chức cung vận chuyển dài 200km nhằm loại bỏ các kho trung chuyển, tạo điều kiện cho đội hình xe tăng thời gian lăn bánh, đẩy năng suất xe chạy trong đêm lên 150-200km thay vì 100km như trước, từ đó tiến tới giảm bớt số lượng binh trạm. Chủ trương được đưa ra bàn bạc trong Đảng ủy và nhất trí thông qua. Một số binh trạm phía Bắc được tổ chức thực hiện trước. Sau 4 ngày vận chuyển trên cung mới, mọi nền nếp chỉ huy bị xáo trộn, số xe bị đánh cháy tăng vọt, chỉ tiêu vận chuyển trong đêm bị tụt dốc. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên nhận ra sai lầm và lệnh cho các binh trạm quay lại hoạt động như cũ. Ông cũng điện xuống từng binh trạm công khai tự phê bình và nhận khuyết điểm. Sự dũng cảm nhận trách nhiệm ấy không làm ông mất uy tín mà càng làm cấp dưới tin tưởng ông hơn...
Là người quyết đoán, quyết liệt trong công việc, dấu ấn cá nhân của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thể hiện rõ nhất ở tư tưởng cách mạng tiến công, không phòng tránh một cách thụ động, tiêu cực. Đó chính là tiền đề đi đến thắng lợi của tuyến vận tải quân sự chiến lược. Theo các đồng đội của ông, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người rất đặc biệt, ông có quyết tâm thế nào thì luôn tìm cách theo đuổi hoặc thuyết phục mọi người cùng thực hiện quyết tâm ấy. Với những ai phản biện lại, ông không tỏ ý khó chịu mà sẵn sàng lắng nghe, động viên, rồi đưa ra những câu hỏi để người phản biện trình bày rõ quan điểm của mình. Ông Đại kể rằng, ở binh trạm nọ có một cán bộ nổi tiếng là người hay phản biện lại các ý kiến của tư lệnh. Một hôm, ông Đại được Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên thân tình bộc bạch: “Anh ấy phản đối ý kiến của mình cũng có cái sai, có cái đúng, nhưng mình thích những ý kiến như thế, nó giúp khẳng định việc làm của mình là đúng hay còn khiếm khuyết, còn đưa ra ý kiến mà tất cả cùng đồng ý thì cũng không tốt”.
“Mọi chiến công, thành tích của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đều được tạo dựng bởi mồ hôi, xương máu của bao thế hệ, nhưng ở một chừng mực, chiều cạnh nào đó, tôi vẫn nghĩ Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên là người để lại dấu ấn đậm nét của mình trong những chiến công, thành tích chung ấy”, Thiếu tướng Võ Sở đã nói lên những suy nghĩ chân tình của mình về Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị Tư lệnh có hơn 3.000 ngày gắn bó với chiến trường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên (tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ) sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông tham gia cách mạng từ năm 1938 và tham gia nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp với cương vị Phái viên Bộ Tổng tư lệnh, từ 1954 - 1955, phụ trách công tác trao trả tù binh chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông giữ các chức vụ: Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam (1964-1965), Chính ủy Quân khu 4 (1967), Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn (1967 - 1975). Năm 1979, ông là Bộ trưởng Bộ Xây dựng và sau đó trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. |
Theo Quang Huy - Quân đội Nhân dân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất