06/05/2021 18:58 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đã và đang trở thành một trong những tiêu điểm thu hút dự án đầu tư trong và ngoài nước, góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại quốc tế, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng và cả nước, tạo dựng diện mạo các đô thị văn minh, hiện đại.
Đà Nẵng hộ tụ nhiều điều kiện thuận lợi nhưng tại sao chưa có một doanh nghiệp địa phương xứng tầm, các khu công nghiệp vẫn chưa phát huy giá trị? Ông Phạm Trường Sơn sẽ chia sẻ phần nào câu chuyện “mới mà cũ” của Đà Nẵng.
* Nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn trong hoạt động đầu tư, kinh doanh khi dịch dã cũng như Đà Nẵng có quá nhiều biến động lãnh đạo cao cấp trong những năm qua. Ban quản lý đã có những chính sách gì mới để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, yên tâm đầu tư, thưa ông?
- Tôi nghĩ rằng việc có nhiều biến động trong bộ máy lãnh đạo thành phố nhưng không quá ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tình hình dịch bệnh dù đã ảnh hưởng ít nhiều, tuy nhiên doanh nghiệp cũng phần nào thích ứng vì đã trải qua 2 đợt dịch căng thẳng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Ban Quản lý luôn đồng hành, tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ doanh nghiệp trong thủ tục hành chính. Ban Quản lý cũng đã đề nghị sở Lao động Thương binh xã hội tiếp tục uỷ quyền một số nội dung về quản lý lao động để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
* Đà Nẵng là thành phố đầu tàu ở miền Trung, xuất phát điểm khá cao nhưng các khu công nghiệp chưa phát triển xứng tầm, trong khi Quảng Nam và Quảng ngãi được nhắc đến với hai thương hiệu nổi bật là Chu Lai và Dung Quất, ông có trăn trở gì?
- Theo tôi, việc phát triển các KCN của thành phố Đà Nẵng chưa xứng tầm như định hướng và mục tiêu đề ra, chủ yếu do: Một là, trong 06 KCN hiện hữu tại thành phố, có 04 KCN đã lấp đầy, tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn đạt trên gần 90%. Do đó, quỹ đất “sạch” hiện tại có thể bố trí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư không còn nhiều. Các KCN mới phải vài năm nữa mới hoàn thiện để có đất bố trí. Trong khi đó, các nhà đầu tư muốn tiếp cận các quỹ đất lớn để thực hiện các dự án có quy mô nhưng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thành phố đang triển khai tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút trực tiếp các dự án có quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều đất.
Hai là, tác động liên kết và lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực trong nước chưa cao. Hầu hết các dự án chế biến, chế tạo có vốn ĐTNN thực hiện chủ yếu công đoạn gia công, lắp ráp, mà ít có doanh nghiệp thực hiện sản xuất, chế tạo sản phẩm mới nên ít sử dụng lao động có kỹ năng dẫn đến tính lan tỏa trong nâng cao năng suất lao động chưa phát triển. Việc chuyển giao công nghệ trên địa bàn thành phố chủ yếu được thực hiện theo chiều ngang, tức là hình thức góp vốn và mua sắm máy móc, thiết bị đi kèm đào tạo về quản lý và vận hành của đối tác nước ngoài.
Ba là, từ năm 2020 trở lại đây, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên thế giới khiến các hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào các KCN cũng như công tác tổ chức đoàn ra gặp nhiều hạn chế và trở ngại. Nhiều sự kiện ký kết hợp tác, xúc tiến đầu tư bị hoãn nhiều lần hoặc hủy bỏ, cách thức tổ chức phải thay đổi cho phù hợp diễn biến thực tế và dự trù các phương án khác khiến công tác đối ngoại còn bị động. Việc nhập cảnh của các chuyên gia, người đứng đầu các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch khiến việc kết nối, hợp tác chưa được triển khai một cách hiệu quả.
Vì vậy, để các KCN Đà Nẵng thực sự là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, theo tôi, cần có một số giải pháp đồng bộ.
Trước hết, phải có định hướng rõ ràng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, xây dựng định hướng, tiêu chí thu hút đầu tư vào các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng thu hút đầu tư gắn với xử lý mối quan hệ giữa thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.
Cùng lúc, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để giảm bớt việc nhập khẩu nguyên liệu ở nước ngoài, tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến phát triển, hạn chế đầu tư vào các ngành gia công, các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp. Xây dựng chương trình liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Mới 4 tháng đầu năm 2021, hàng loạt dự án đầu tư FDI trị giá hàng trăm triệu USD lần lượt được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư vào Khu CNC và các khu công nghiệp (KCN) Ðà Nẵng, Trong bảy dự án mới, có ba dự án đầu tư vào Khu CNC Ðà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 280 triệu USD. Ðây đều là các dự án sản xuất và nghiên cứu sản phẩm CNC, tạo giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học - công nghệ (KHCN) hiện đại, tiên tiến. Các dự án mới đã và đang tạo những chuyển biến tích cực về thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNC vào Ðà Nẵng nói chung, Khu CNC Ðà Nẵng nói riêng.
* Công nghiệp Công nghệ cao được xác định là một trong những mũi nhọn kinh tế cơ bản của Đà Nẵng trong tương lai. Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới đã đặt ra những mục tiêu gì, hành động gì... để tạo nên những giá trị bền vững, khác biệt so với khóa trước.
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã đề ra ba đột phá phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó đột phá thứ hai là “thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số”.
Theo đó, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Đầu tiên, tập trung các giải pháp phục hồi và phát triển các ngành dịch vụ phục vụ thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm thấp nhất mức tăng trưởng âm; đẩy nhanh triển khai các công trình, dự án trọng điểm nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Trên cơ sở Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyêt, thành phố sẽ ban hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp với quy hoạch chung; phê duyệt Quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết làm cơ sở xác định các dự án, vị trí đất cần kêu gọi đầu tư nhằm tạo động lực phát triển cho thành phố.
Đồng thời ban hành Danh mục trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2020-2025 và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chuyên đề “Phát triển công nghiệp công nghệ cao, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo – khoa học – công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao”.
Tiếp theo, để tạo quỹ đất phục vụ dự án trong tương lai, Ban Quản lý chủ động tham mưu UBND thành phố làm việc, phối hợp với các bộ ngành, Trung ương đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN: Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh; thực hiện điều chỉnh ngành, nghề thu hút đầu tư vào các KCN mới theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường.
Tiếp tục quan tâm tổ chức các chương trình, hoạt động kết nối cung – cầu về nguồn nhân lực giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo theo từng lĩnh vực, uy tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho người lao động, làm tốt công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông trung học trên địa bàn thành phố.
Cuối cùng, cần ban hành cơ chế, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, coi doanh nghiệp/nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; khuyến khích sự năng động sáng tạo của cán bộ, công chức; đồng thời có những chế tài rõ ràng, xử lý điều chuyển đối với những cán bộ, công chức, viên chức trì trệ, nhũng nhiễu.
Căng mình chống dịch Ông Sơn cho biết, công tác phòng chống dịch luôn được quan tâm tại Khu CNC và các KCN. Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (Ban Quản lý) xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên, không chủ quan lơ là, mất cảnh giác, do đó thường xuyên có văn bản nhắc nhở, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp. Từ đầu năm đến nay BQL đã có các văn bản triển khai đến doanh nghiệp như CV số 44/-BQL-QLDN &LĐ ngày 06/01/2021, CV số 184/BQL-QLDN & LĐ ngày 21/1/2021, CV số278/BQL-QLDN &LĐ, CV số 323/BQL-QLDN & LĐ ngày 04/2/2021, CV số 407/BQL-QLDN & LĐ ngày 22/02/2021, CV số 629/BQL-QLDN &LĐ ngày 12/3/2021, CV số 1052/BQL-QLDN & LĐ và văn bản ngày 05/5/2021 triển khai đến tất cả các DN trong KCN, KCNC yêu cầu các chủ DN nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chóng dịch, trong đó chú ý về giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, đánh giá nguy cơ; xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống dịch, sẵn sàng vừa phát triển sản xuất vừa phòng chống dịch hiệu quả. Đối với đợt dịch này theo dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, do đó không chủ quan, lơ là, các Doanh nghiệp cần hết sức cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chấp để phòng chống dịch, rút kinh nghiệm từ các đợt dịch trước công tác khoanh vùng, phân loại F1, F2 là hết sức quan trọng. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Ban Quản lý cũng đã họp triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó kịp thời trong các tình huống, các tổ công tác, các Công ty hạ tầng thường xuyên tuyên tuyền lưu động tại các KCN làm chủ đầu tư. |
* Cảm ơn ông!
Hữu Quý (Thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất