(TT&VH) - Bộ Quốc phòng Mỹ đang dồn sức chuẩn bị đối mặt với nguy cơ lộ thông tin mật lớn nhất từ trước tới nay, trong bối cảnh Wikileaks, trang web chuyên đăng tải các tài liệu “nhạy cảm” bị rò rỉ, chuẩn bị công bố hàng trăm ngàn trang tài liệu tình báo có liên quan tới cuộc chiến của quân Mỹ ở Iraq.
Với 400.000 trang tài liệu dự kiến sẽ được công bố, Wikileaks đã “phá kỷ lục” của chính mình lập ra hồi tháng 7 năm nay, khi tiết lộ 70.000 trang tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Hành động của trang web đã khiến Bộ Quốc phòng Mỹ phải cấp tốc thành lập một đội chuyên trách gồm 120 người để đối phó. Họ sẽ có trách nhiệm dò theo các tài liệu, một khi chúng được công bố, nhằm tìm những thông tin nhạy cảm và đánh giá thiệt hại do chúng gây ra. “Bão” lộ bí mật tấn công quân đội
Sáng lập viên Wikileaks Julian Assange, nhân vật đã tích cực hoạt động để các tài liệu mật được công bố, bất chấp sự phản đối của phía Mỹ |
Đại tá Dave Lapan, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết thời điểm công bố và chi tiết liên quan tới các thông tin mật sẽ bị rò rỉ chưa được làm rõ. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị như trên, Bộ này đã sẵn sàng đương đầu với hành động của Wikileaks, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày hôm nay (19/10). Một số thông tin mới được cho là nằm trong “cơ sở dữ liệu chứa báo cáo chiến thuật” về cuộc chiến Iraq. Các thông tin này ghi lại nhiều hoạt động quan trọng có liên quan tới những chiến dịch quân sự lớn của Mỹ, hoạt động di chuyển nhân sự và mối quan hệ giữa tình báo Mỹ với các nhân vật có thế lực ở địa phương cũng như các đồng minh của họ. Ngoài ra, các tài liệu này được cho là sẽ chứa đựng chi tiết về vụ bê bối tra tấn tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib cũng như những vụ bắn chết dân thường và việc sử dụng vũ khí không quy ước trong chiến trường. Lapan đã yêu cầu Wikileaks trả lại tài liệu cho quân đội Mỹ. “Biên tập lại các tài liệu này (để công bố) không mang lại ích lợi gì, hãy trả lại các tài liệu cho chính chủ của chúng” - Lapan nói - “Chúng tôi không tin Wikileaks và những trang khác có sự chuyên nghiệp cần thiết. Sự việc không chỉ đơn giản là đọc lên những cái tên. Có những điều khác nữa nằm ngoài những cái tên và chúng chứa đựng những nguy cơ gây tổn hại cho quân đội Mỹ”. Trong vụ công bố tài liệu lần này, Wikileaks cũng sẽ phối hợp với các hãng tin lớn trên thế giới để công bố, giống vụ phanh phui các tài liệu ở Afghanistan. Các tờ báo này gồm New York Times của Mỹ, Guardian của Anh, Der Spiegel của Đức và tạp chí Newsweek. Tất cả các báo này sẽ cùng công bố tin tức về vụ lộ tài liệu mới nhất. Hành động mới của Wikileaks, tiếp theo việc công bố 70.000 tài liệu mật về cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afganistan - được coi là vụ xâm hại an ninh lớn nhất trong lịch sử quân sự Mỹ - đã khiến chính phủ Mỹ nổi giận. Tuy nhiên, trong một lá thư mở gửi tới Ủy ban Dịch vụ Quốc phòng Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, nói rằng việc lộ các tài liệu mật hồi tháng 7 chỉ có liên quan tới hoạt động trong giai đoạn 1/2004 và 12/2009 và không hé lộ bất kỳ “nguồn tin hoặc phương thức thu thập tình báo nhạy cảm nào”. Thiệt hại nhiều chiềuWikileaks không tiết lộ ai đã cung cấp cho họ các tài liệu nhạy cảm kể trên. Nhưng hoạt động điều tra của quân đội Mỹ đã làm lộ ra một cái tên: Bradley Manning. Manning, 22 tuổi, đã bị bắt giữ ở Baghdad, Iraq, hồi tháng 5 năm nay và bị khởi tố sau đó với tội danh làm lộ thông tin bí mật. Hành vi của Manning bị một tay hacker nổi tiếng ở California tên Adrian Lamo tố cáo, dẫn tới việc anh ta bị bắt và đang chờ ngày ra tòa án binh. Manning bị cáo buộc là chủ nhân của “nickname” Bradass87 khi anh ta bắt đầu “chat” với Lamo vào ngày 21/5. Trong vòng 5 ngày sau đó, Bradass87 đã tổ chức nhiều cuộc trò chuyện với Lamo và nhận mình là “một nhà phân tích tình báo quân đội, đang đóng quân ở phía đông Baghdad, với khả năng được tiếp cận với những mạng tin tuyệt mật của quân đội”. Bradass87 cho biết công việc của anh ta cho phép tiếp cận với hai mạng an ninh cao là Mạng SIPRNET, chuyên lưu giữ các thông tin tình báo quân đội và ngoại giao cùng mạng JWICS, vốn chứa các thông tin thuộc loại tối mật. Bradass87 nói rằng các mạng tin đã cho phép anh ta nhìn thấy “những thứ kinh ngạc và cả những điều khủng khiếp” về các cuộc chiến của Mỹ. Anh ta cũng thú nhận việc đã tải về hàng trăm ngàn tài liệu mật hoặc nhạy cảm thông qua đường cáp của Bộ Ngoại giao và chuyển chúng bằng máy tính tới cho Wikileaks. Lamo sau đó đã báo cáo lại sự việc với quân đội Mỹ, dẫn tới việc Manning bị bắt và nickname Bradass87 cũng ngừng hoạt động kể từ đó. Tuy nhiên, các tài liệu mật đã lọt vào tay Wikileaks vẫn được tung ra, trước sự kinh hoàng và bất lực của Bộ Quốc phòng. Juan Zarate, cựu quan chức chống khủng bố trong chính quyền Tổng thống G.W.Bush đánh giá trên kênh truyền hình CBS News rằng các hành động của Wikileaks, ngoài việc gây thiệt hại về an ninh, còn khiến các đồng minh mất lòng vào nước Mỹ. “Sau những gì xảy ra, liệu bạn còn tin tưởng vào khả năng nắm bắt thông tin và giữ an toàn thông tin của chính phủ Mỹ?” - Zarate nói - “Chuyện này cũng có thể gây nên một thái độ lạnh nhạt từ cộng đồng quân đội và tình báo của các nước đồng minh, trong việc chia sẻ thông tin với Mỹ”.
Tường Linh