Vaccine Covid-19 và miễn dịch tự nhiên vẫn có thể bảo vệ trước biến thể Omicron

13/12/2021 12:23 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Một nghiên cứu mới nhất về biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và đã được các chuyên gia thẩm định cho thấy người từng mắc COVID-19 và người đã được tiêm phòng sẽ có sự bảo vệ “cao hơn mức cơ bản” chống lại biến thể đáng lo ngại này.

Số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 gia tăng tại Mỹ

Số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 gia tăng tại Mỹ

Thống kê của hãng tin Reuters (Anh) công bố ngày 12/12 cho thấy số người mắc COVID-19 phải nhập viện tại Mỹ đã tăng 20% kể từ kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn vào cuối tháng 11 vừa qua. Số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này trong tháng qua cũng tăng 4,6%, lên hơn 800.000 ca.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng cho thấy Omicron có thể “giỏi hơn” tất cả biến thể khác trong việc né tránh sự bảo vệ mà cơ thể đã có được trong lần nhiễm virus trước hoặc nhờ tiêm vaccine. Nghiên cứu, được công bố ngày 12/12 trên tạp chí Emerging Microbes & Infection, gợi ý rằng dù liệu trình tiêm 3 mũi vaccine có thể “tăng đáng kể khả năng miễn dịch”, nhưng khả năng bảo vệ trước biến thể Omicron vẫn “có thể bị tổn hại”.

Thông báo về nghiên cứu sơ bộ của mình, tác giả Youchun Wang, từ Viện Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm quốc gia Trung Quốc, cho biết các kết quả này củng cố các phát hiện gần đây ở Nam Á về việc biến thể Omicron “rất dễ né tránh hệ miễn dịch”. Ông nói: “Chúng tôi đã tìm thấy một lượng lớn đột biến của Omicron gây ra những thay đổi lớn về khả năng nhận biết virus ở những người đã mắc COVID-19. Tuy nhiên, mức bảo vệ ED50 trung bình chống Omicron vẫn cao hơn mức cơ bản, chứng tỏ vẫn có một tác động bảo vệ nào đó”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh biến thể Omicron, kim tiêm. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Wang lập luận rằng vì sự bảo vệ bằng kháng thể - được sinh ra trong lần nhiễm trước hoặc nhờ tiêm vaccine - giảm dần trong 6 tháng, nên Omicron “có thể né tránh khả năng miễn dịch tốt hơn”.

Nhóm chuyên gia gồm 11 nhà khoa học đã nghiên cứu 28 mẫu huyết tương của các bệnh nhân đã phục hồi sau khi nhiễm chủng gốc SARS-CoV-2. Họ so sánh với các mẫu Omicron trong ống nghiệm, cũng như 4 “biến thể đáng lo ngại” khác như Delta, và 2 “biến thể đáng quan tâm” theo các danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Wang kết luận: “Nghiên cứu này đã xác nhận rằng Omicron có khả năng né tránh hệ miễn dịch, gióng lên hồi chuông cảnh báo với thế giới và tác động lớn đến các kế hoạch y tế cộng đồng và sự phát triển của các chiến lược ứng phó”.

Nhóm nghiên cứu của ông Wang cảnh báo dù “chiến lược tăng cường mũi thứ ba có thể giúp tăng đáng kể miễn dịch, nhưng khả năng bảo vệ chống Omicron có thể bị tổn hại”. Vì vậy, cần khẩn cấp tiến hành không chỉ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mà cả các nghiên cứu trên thực tế để hiểu thêm về biến thể Omicron, đặc biệt là liệu biến thể này có khả năng né tránh kháng thể mà vaccine đã sinh ra để gây bệnh nặng và tử vong hay không.

Theo ông Wang, khả năng bảo vệ của vaccine có thể bị ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác như mức độ lây nhiễm Omicron so với các biến thể khác trong các cộng đồng dân cư và sự thích nghi của Omicron sau khi nhiễm vào người.

Ông nhấn mạnh: “Cần thêm nhiều nghiên cứu trên cộng đồng dân cư về mức độ bảo vệ của hệ miễn dịch và các triệu chứng ở những người nhiễm Omicron để đánh giá đầy đủ tác động tổng thể của Omicron”. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng kết quả của nghiên cứu trên đã “dự báo rõ nguy cơ suy giảm khả năng bảo vệ của vaccine trước biến thể Omicron”.

Bích Liên - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm