Từ Khôi nguyên vọng cổ đến Chuông vàng vọng cổ

24/11/2008 07:40 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Tối qua, 20/11/2008, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2008 đã chọn được chuông vàng, chuông bạc và chuồng đồng sau 3 tháng ròng rã “đãi cát. Ba năm qua, cuộc thi cố gắng đãi tìm những giọng ca có chất vàng, kế thừa các thế hệ danh ca trước đây. Tiếng chuông vàng mới ngân nga từ ba năm nay nhưng từ hơn 40 năm trước sân khấu cải lương miền Nam đã có một cuộc thi vọng cổ mà thanh danh vẫn còn vang vọng đến ngày nay, đó là cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ (1964).
 
 
Từ Khôi nguyên vọng cổ….
 
 NSƯT Minh Vương hiện tại
Trước năm 1975, sân khấu cải lương chuyên nghiệp miền Nam rất sôi nổi. Những năm 1960 cải lương gần như thống trị đời sống giải trí. Rất nhiều đoàn hát đăng ký hoạt động từ thành thị đến nông thôn. Các đoàn lớn - đại bang - tập trung chủ yếu ở Sài Gòn, đoàn nhỏ rải rác các tỉnh, có những đoàn trên ghe lang thang khắp nơi. Nghệ sĩ chủ yếu học ca từ các thầy đờn, nghệ sĩ chứ ít qua trường lớp nào. Thưở ấy, soạn giả có tuồng công diễn là có thể mua nhà lầu, xe hơi. Nghệ sĩ được đoàn hát, hãng đĩa ký hợp đồng là đã đổi đời. Khát khao trở thành nghệ sĩ của người bình dân Nam bộ vì thế cũng trở nên mãnh liệt. Người ta tìm đủ cách để theo nghề hát, để thành nghệ sĩ, xem đây như một phương thức để đổi đời. Nhiều cô bé, cậu bé trốn nhà theo gánh hát. Các lò dạy ca diễn cải lương tại nhà của các nhạc sĩ, nghệ sĩ mở ra rầm rộ: lò nhạc sĩ Văn Vĩ, Văn Bền, Minh Phục, Ba Đước, Hai Ngưu, Tư Tân… Học sinh, thanh niên, thiếu nữ theo học rất đông. Đài phát thanh cũng thường xuyên tổ chức các chương trình ca cổ.
 
Trong giới nghệ sĩ thì danh cầm Út Trong, tên thật là Nguyễn Văn Trong (sinh năm 1920 tại Mỏ Cày, Bến Tre), nổi tiếng là người giao du rất rộng. Ông quen thân với nhiều soạn giả, ký giả và các quan chức đương thời. Trong số đó có ông Nguyễn Hữu Nhạc (tiến sĩ đệ tam cấp, giảng sư nhiều trường đại học, và sau này là Tổng Giám đốc Thanh niên Học đường) là dân Châu Đốc rất khoái đờn ca tài tử. Ông Nhạc gợi ý cho nhạc sĩ Út Trong lập một ban cải lương hát định kỳ trên đài phát thanh. Thấy ý kiến hay, nhạc sĩ Út Trong đã lập ban cổ nhạc Trường Giang (tên này cũng do ông Nhạc đặt) hát trên đài phát thanh vào cuối năm 1963 đầu 1964. Ông Nhạc mặc dù không rành về bài bản cải lương nhưng cũng tập tành viết và soạn nhiều tuồng về lịch sử Việt Nam cho ban Trường Giang hát. Ban Trường Giang nhanh chóng được sự yêu mến và ủng hộ của khán giả khắp nơi.
Chuông vàng và Chuông bạc 2007: Ngọc Đợi và Lê Văn Gàn
Hưng phấn với sự thành công của ban Trường Giang, một nhóm nhân vật gắn bó và có tâm huyết với nghệ thuật cải lương gồm: ông Nguyễn Hữu Nhạc, soạn giả Kiên Giang, nhà văn Phương Hà, nhiều ký giả kịch trường đã đề xuất ý tưởng tổ chức một cuộc thi vọng cổ nhằm phát hiện những giọng ca hay. Và cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ ra đời vào năm cuối năm 1964. Thông tin về cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ do ban Trường Giang tổ chức nhanh chóng tạo nên một không khí náo nức, hội hè trong đời sống văn nghệ Sài Gòn. Thí sinh (TS) đăng ký dự thi rất đông, rất nhiều TS từ các tỉnh đổ về. Các lò cổ nhạc cũng nô nức đưa học trò đi thi.
 
Ban giám khảo gồm những thành viên sáng lập ban Trường Giang và nhiều nhạc sĩ, ký giả kịch trường. Đại diện cho giới nghệ sĩ có: Hữu Phước, Thanh Nga, Út Bạch Lan. Vòng sơ loại diễn ra ngay tại nhà của nhạc sĩ Út Trong (gần chợ Nancy). Mỗi TS lần lượt trình bày tự chọn một bài ca cổ. 20 TS cao điểm nhất vào tranh tài chung khảo ở rạp Quốc Thanh. Đây là một cuộc thi nên BTC chủ trương không bán vé. Đêm chung kết khán giả kéo đến rạp Quốc Thanh xem thi tài rất đông. Tại đây, các TS bốc thăm và trình bày một bài ca cổ bất kỳ theo danh sách đưa ra. Mặc dù được dợt trước khoảng 30 phút nhưng để hát đúng và diễn cảm được một bài ca cổ mới không phải là chuyện đơn giản. Kết quả: giải nhất thuộc về Nguyễn Văn Vưng; Diệu Nga và Xuân Lan được hạng 2 và 3.
 
 Thí sinh Nguyễn Văn Vưng (NSƯT Minh Vương), giải nhất Khôi nguyên vọng cổ 1964
Cả ba TS đoạt giải đều còn rất trẻ (Vưng và Lan chỉ 14 tuổi) và lập tức có được cơ hội theo nghề hát. “Đương kim khôi nguyên vọng cổ” được ông bầu Long của công ty Kim Chung - chủ trương lăng xê những giọng ca hay, lạ, mà người thành danh đầu tiên là nghệ sĩ Minh Cảnh - ký hợp đồng, đặt nghệ danh là Minh Vương, chính là NSƯT - danh ca Minh Vương ngày nay. Suốt hơn 40 năm qua giọng ca của anh vẫn mãi xứng đáng với danh hiệu khôi nguyên. Giải nhì Diệu Nga được đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ rước về hát. Giải ba Xuân Lan theo ông bầu Sáu Nhỏ về đoàn Kiên Giang thay cho đàn chị Bạch Tuyết vừa đi. Sau giải phóng, sự nghiệp ca hát của Xuân Lan càng phát triển, cô có được vai diễn để đời Bích Vân công chúa trong vở Bên cầu dệt lụa (cùng diễn với NSƯT Thanh Nga). Sau đó, Xuân Lan cùng chồng là nhạc sĩ Tấn An lập đoàn hát Tân Dạ Lý. Cuối những năm 1980, Xuân Lan rời sân khấu chuyển sang kinh doanh. Nhưng cô vẫn luôn “nặng lòng” với nghề nên thường lui tới ca hát, giao lưu với các nghệ sĩ ở nhà dưỡng lão nghệ sĩ.

Ký giả Tần Nguyên (hiện công tác tại Ban Ái hữu Nghệ sĩ sân khấu TP.HCM) cho biết: “Khôi nguyên vọng cổ là giải về cải lương có uy tín và tạo được sự chú ý của công chúng, của giới sân khấu cải lương miền Nam (bên cạnh giải Thanh Tâm). Giải hoàn toàn do BTC là những người yêu mến nghệ thuật cải lương tự bỏ tiền túi ra làm. Đáng tiếc là về sau không đủ lực để làm tiếp nên đành bỏ. Tuy chỉ diễn ra một lần duy nhất nhưng uy tín của giải vẫn vang vọng đến này nay vì chất lượng không phải bàn cãi của cuộc thi, khi đã sản sinh ra nhiều tài năng cho sân khấu cải lương mà đặc biệt là một giọng ca vượt thời gian: NSƯT Minh Vương”.

Đến Chuông vàng vọng cổ

Cuối thập kỷ 1990, sân khấu cải lương không còn giữ được vị thế của mình. Bị cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí hiện đại, cải lương dần mất đất diễn. Đầu thế kỷ 21, trong khi tân nhạc “phủ sóng” các đài phát thanh, truyền hình thì cải lương càng lâm vào cảnh chợ chiều. Đến năm 2006, lĩnh vực âm nhạc thật sự bão hòa với hàng loạt cuộc thi tuyển chọn giọng hát na ná nhau thì câu vọng cổ bỗng trở thành nỗi nhớ da diết. Cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình của Đài truyền hình TP.HCM (HTV) xuất hiện đúng lúc đem lại món ăn truyền thống nhưng luôn ngon miệng cho khán giả. Năm 2007, Ngôi sao vọng cổ truyền hình được đổi thành Chuông vàng vọng cổ (CVVC).

Sau ba lần tổ chức, (CVVC) đang ngày càng quy mô, chuyên nghiệp hơn, và cũng đã phát hiện được nhiều giọng ca lạ, một tín hiệu đáng mừng cho sân khấu cải lương. Năm 2006, cậu bé 17 tuổi Võ Minh Lâm vinh dự là chuông vàng đầu tiên. Mặc dù kết quả nhờ sự bình chọn của khán giả này đã gây nhiều điều tiếng nhưng không thể phủ nhận Minh Lâm có đủ tố chất để trở thành một kép đẹp nếu được đầu tư đúng hướng. Chuông bạc Hồ Thị Ngọc Trinh (đoàn cải lương Long An) lại là một “tiểu” Bạch Tuyết và tiếp tục khẳng định tài năng của mình với HCV triển vọng Trần Hữu Trang 2007. Năm 2007, Ngọc Đợi đăng quang thuyết phục khi quyền quyết định được trao lại cho hội đồng chuyên môn. Và cô đào chánh của đoàn Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) ngày càng tiến bộ trong lời ca, nét diễn khi thường xuất hiện trong các chương trình cổ nhạc của HTV. Lê Văn Gàn, chuông bạc và cũng chiến thắng áp đảo ở nội dung khán giả bình chọn năm 2007, là một “cánh chim lạ” khi anh đến với cuộc thi chỉ như sự dạo chơi của anh hai lúa miền Tây mê cải lương. Nhờ CVVC Gàn cũng đã chạm ngõ nghệ thuật khi xuất hiện ở nhiều chương trình của HTV, Sân khấu vàng của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang... Quy mô cuộc thi cũng được mở rộng theo từng năm. Đến lần 3 này có hơn 400 thí sinh khắp miền Nam đăng ký dự vòng sơ tuyển tại 4 cụm: Bạc Liêu, Cần Thơ, Tiền Giang và TPHCM. Vòng chung kết được tổ chức chu đáo, hoành tráng phát huy tối đa khả năng ca diễn của thí sinh với nhiều đêm thi theo chủ đề khác nhau và tạo được sự hấp dẫn khi các thí sinh phải loại nhau qua từng đêm. CVVC 2008 vẫn chưa đi hết chặng đường nhưng có thể khẳng định cuộc thi đã rất thành công khi nhiều giọng ca ấn tượng được trình làng: Võ Thành Phê, Lê Minh Hảo, Võ Thị Trí…

Theo nhạc sĩ Kiều, trưởng ban Văn nghệ HTV, xét về khía cạnh chuyên môn, CVVC chỉ mang tính chất phong trào nhưng tạo được uy tín lớn vì công tác tổ chức chuyên nghiệp, thành phần ban giám khảo đều là những nghệ sĩ tài danh kỳ cựu, do đó CVVC đã tạo được thương hiệu riêng và kế thừa xứng đáng Khôi nguyên vọng cổ. Vì những lý do khách quan Khôi nguyên vọng cổ chỉ tổ chức được một lần làm người hâm mộ không khỏi tiếc rẻ thì hôm nay CVVC có đủ điều kiện để duy trì một sân chơi lâu dài cho bộ môn nghệ thuật đặc sắc của Nam bộ. Giải Khôi nguyên như một chứng chỉ thông hành vào nghề của thế hệ tài danh năm xưa thì thời đại mới với công nghệ hiện đại các “chuông” có nhiều điều kiện thuận lợi hơn khi luôn được tạo cơ hội xuất hiện trước công chúng nhờ sóng truyền hình. Không còn cảnh “đò giang cách trở”, những giọng ca còn lẩn khuất nơi thôn dã cũng dễ được tìm đến. Nếu vẫn tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc và chuyên nghiệp như những năm qua, CVVC sẽ là một món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả mộ điệu cải lương, giúp duy trì và lan tỏa nét đẹp thần tình của câu vọng cổ trong lòng dân tộc.
 
Ninh Lộc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm