Không còn "séc", không có Cesc

29/07/2010 11:54 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH) - Không như những gì Laporta đã nói khi ra đi, tình hình tài chính ở Barca hiện là khá tệ hại. Và trong khi Rosell đang quay như chong chóng giữa những khoản nợ khổng lồ mà người tiền nhiệm tốt bụng để lại, các CĐV của đội bóng xứ Catalunya có lẽ cũng nên học cách nói không với Cesc.
 
* Quả lừa ngoạn mục của Laporta
 

Cesc (phải) không thể tới Nou Camp - Ảnh Reuters

Trước khi kéo nhau khỏi nhiệm sở, Joan Laporta và các cộng sự đã trình ra trước mắt bàn dân thiên hạ một bản báo cáo tài chính cực kỳ sạch sẽ. Trong mùa giải cuối cùng dưới triều đại Laporta, Barca dù đã trải qua một mùa Hè chi tiêu kỷ lục vẫn kiếm được một khoản lãi lên tới hơn 11 triệu euro. Con số ấy rõ ràng là không lớn nếu đặt cạnh giá chuyển nhượng cầu thủ, nhưng trong bối cảnh hầu hết các đội bóng đều làm ăn thua lỗ, ít hay nhiều không biết, cứ có lãi là đáng được xem là thành công. Thế nên, không có gì lạ khi Laporta lúc ấy còn lớn tiếng nói rằng ông cảm thấy hết sức tự hào với những gì mình đã làm được cho đội bóng: "Barca khi tôi đi tốt hơn hẳn so với Barca khi tôi đến".
 
Đúng là với Laporta, Barca đã trải qua một giai đoạn thực sự thành công. Nhưng đó là trên phương diện thể thao. Còn trên phương diện quản lý tài chính, Barca của Laporta lại không được long lanh đến vậy. Rosell quá biết điều đó. Và không muốn các cule tiếp tục bị ru ngủ bởi những lời có cánh từ Laporta, ông đã cho mời hẳn các chuyên gia của Deloitte về tiến hành kiểm toán lại CLB nhằm đưa ra cái nhìn khách quan nhất về tình hình tài chính của đội bóng. Và đây là kết quả: Không những không có lãi, Barca năm vừa qua còn lỗ tới hơn 77 triệu euro! Nợ dài hạn của Barca hiện cũng đã lên tới 442 triệu euro, trong khi hồi tháng 6/2004, con số này "chỉ" là 300. Rõ ràng là Barca đã không hề "tốt hơn hẳn" dưới bàn tay của Laporta.
 
Theo các chuyên gia của Deloitte, sở dĩ có sự khác biệt lớn đến thế giữa hai bản báo cáo là vì Laporta, để có được một bản báo cáo đẹp đẽ, đã "biến tấu" một số khoản tiền. Có những khoản chưa biết đến bao giờ mới được nhận - như 38 triệu euro tiền bản quyền mà công ty truyền hình cáp Sogecable còn nợ họ hay khoản thu từ việc bán đất ở sân tập - đã được Laporta mạnh dạn nhét luôn vào phần doanh thu. Trong khi có những khoản tiền khác chắc chắn phải trả thì ông lại cố tình bỏ ngoài phần chi phí (để dành cho Rosell?). Vì hành động này, Laporta có thể sẽ phải đối diện với nguy cơ bị một hội viên nào đó kiện. Nhưng đó có lẽ không phải là điều mà Rosell và ban lãnh đạo mới của Barca quan tâm nhất.
 
* Quên Cesc đi!
 
Thực tế thì Rosell không cần phải chờ tới khi Deloitte vào cuộc để biết tình hình tài chính ở đội bóng hiện là tệ hại tới mức nào. Ngay khi còn đang chạy đua chức Chủ tịch, ông này đã khẳng định Barca đang ngập trong một khoản nợ lên tới nửa tỷ euro. Và đến khi đã đắc cử, thì một trong những việc đầu tiên mà ông làm, chính xác hơn là phải làm, là đi vay gần 155 triệu euro để trả nợ lương cho các cầu thủ cũng như đội ngũ nhân viên ở Nou Camp. Giải phóng Henry, Marquez, bán vội Chygrinskiy, Yaya Toure, rao bán một loạt người khác và cố gắng hạn chế chi tiêu tới mức tối thiểu (mới bỏ 10 triệu cho Adriano), tất cả những gì Rosell đã làm đều vì một mục đích duy nhất là cải thiện tình hình tài chính của đội bóng.
 
Và với việc Rosell chủ động công khai tình hình tài chính bết bát của đội bóng (đồng nghĩa với những nguy cơ bị UEFA cấm tham dự cúp châu Âu), các cule có lẽ nên quên Cesc Fabregas đi. Ít nhất là trong mùa này. Nếu không vì đã lỡ hứa với các cử tri khi đi tranh cử, Rosell có lẽ đã từ bỏ vụ Cesc ngay khi Arsenal từ chối đề nghị trị giá 35 triệu euro của ông. Bây giờ, với việc đội bóng Anh khẳng định sẽ làm mọi cách để giữ chân Cesc, trong đó cách hay nhất theo họ là không chịu ngồi vào bàn đàm phán, và song song với đó là việc Barca đang lao đao với bài toán tài chính, Rosell hoàn toàn có thể tuyên bố kết thúc vụ này mà không sợ mang tiếng hứa cuội. Các cule muốn có Cesc, hay "séc"?

 V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm