Từ Hoàng Anh Tuấn đến Lê Công Vinh

25/03/2010 13:30 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH) - Hoàng Anh Tuấn của cử tạ, một người hùng của TTVN 2008 đã từng tuyên bố giải nghệ, giống như Công Vinh mới đây.
 
Hoàng Anh Tuấn trong nước mắt lã chã khi không giành nổi một tấm HC ở SEA Games, vừa ê chề, vừa cay đắng, đã nói anh sẽ giải nghệ, không theo con đường cử tạ nữa.

Giờ, Tuấn vẫn đang ngày ăn cơm trên Nhổn nếu không ở Đà Nẵng, sáng cử tạ, chiều nâng tạ. Cuộc đời VĐV của ngôi sao này vẫn gắn liền với mấy quả tạ, ăn đấu tập khoán. Tuấn không theo mẹ bán thịt heo ở chợ và cũng không trở về nhà tại Bắc Ninh để trông coi quán internet và phòng thể hình anh mở tại gia.

Cái ngày Tuấn thất bại trên đất Lào, tại SEA Games 2009 chưa xa. Hình ảnh ấy vẫn như một sự ám ảnh. Lời tuyên bố của Tuấn sẽ giải nghệ, nghe không khảng khái, mà nghẹn ngào thật khó quên.

Sau hôm ấy, một luật sư từng làm việc với Tuấn đã gọi cho người viết, thổ lộ rằng ông đã đoán trước được thất bại của lực sĩ này, liệt kê hàng loạt các lý do. Bản thân người viết lúc ấy lại lý giải được một thắc mắc mà Tuấn từng nói với vị luật sư, là không hiểu tại sao, dù đã là người hùng từ Olympic Bắc Kinh trở về với tấm HCB, mà vẫn không có doanh nghiệp nào tài trợ và mời anh quảng cáo. Thương hiệu và tương lai của một doanh nghiệp không phải là canh bạc để chấp nhận mất tiền cho những cái rủi ro.


Hoàng Anh Tuấn giờ vẫn đang tập luyện ở Nhổn chứ không bỏ tuyển về quê Bắc Ninh

Nhưng, như đã nói ở trên, điều quan trọng nhất trong câu chuyện này là Tuấn vẫn đang tập luyện, vẫn đang chờ tới từng giải đấu để mong “phục thù” với tấm huy chương và kèm theo đó là những khoản tiền thưởng của nhà nước và đơn vị chủ quản.

Chỉ có một điều khác biệt, và chừng ấy có lẽ cũng đủ để coi là một mất mát quá lớn với Tuấn: ngành thể thao không còn lãnh đạo nào hùng hồn đứng ra bảo vệ những sai lầm của anh như trước nữa, và Tuấn không còn được đi tập huấn ở nước ngoài với những chế độ mà các VĐV khác nằm mơ mới có.

Thể thao Việt Nam vẫn thiếu những VĐV đẳng cấp nên các nhà quản lý vẫn còn thứ tư duy, nếu không có “nó” thì lấy đâu ra người cạnh tranh huy chương mà báo cáo thành tích. Nhưng họ không còn bị “dọa nạt” như trước kia, vì giờ đây giữa thành công với thất bại của Hoàng Anh Tuấn chỉ là một sợi chỉ rất mảnh.

Công Vinh ở một “đẳng cấp” rất khác với Hoàng Anh Tuấn, dù cống hiến và vinh quang mà cả 2 cùng mang về đều có yếu tố lịch sử ở những môn thể thao mà họ đại diện. Công Vinh thì không chỉ có ngôi nhà 3 tầng ở quê, không mở tiệm internet mà là nhà hàng và có thể cả chuỗi nhà hàng ở các thành phố lớn. Công Vinh cũng không đi chiếc xe “second hand” phải cần tới 1 phút mới đạt tới tốc độ 60km/h khi vít hết ga hết số như Tuấn, mà anh đi chiếc xe hiện đại, chỉ cần chừng 6-7 giây là đạt tốc độ gần 100km/h. Có thể tin là Vinh không cần bán xe hơi, nhượng lại cổ phần ở nhà hàng thì anh cũng vẫn có thể bồi hoàn được bản hợp đồng với HN T&T một khi anh giã từ sân cỏ.

Nhiều người trong số chúng ta đang thách đố Công Vinh qua các kênh và các phương tiện truyền thông khác nhau, rằng anh hãy giữ lấy lời, quân tử nhất ngôn tứ mã nan truy xoay quanh phản ứng của Vinh với án phạt từ VFF (treo giò 6 trận), khi Vinh nói anh sẽ giã từ bóng đá. Sự suy nghĩ của số đông chưa hẳn đã là đúng, vì nó dù sao vẫn mang yếu tố chủ quan, và có lẽ chỉ có Công Vinh mới hiểu được chính xác cuộc khủng hoảng hiện thời nó nghiêm trọng tới mức nào, hoặc thấy bóng đá phũ phàng ra sao.

Hôm qua,Vinh đã viết đơn gửi VFF xin giảm án, nhưng nếu nhìn vào hoàn cảnh hiện thời, VFF giống như đã bị Vinh đặt lên lưng hổ (nếu tổ chức này cũng suy nghĩ là Vinh tuyên bố giải nghệ để gây áp lực), thì rất khó có chuyện giảm án.

Nhưng nếu Vinh không từ giã sân cỏ, vẫn ra sân tập luyện sau quãng thời gian nghỉ ngơi để giải tỏa áp lực và vượt qua giai đoạn stress, rồi một ngày nào đó âm thầm ra sân thi đấu (không cần phải viết lá thứ xin lỗi thứ hai gửi tới người hâm mộ), tóm lại là như Hoàng Anh Tuấn của cử tạ thì cũng xin chẳng nên lấy nó làm một thất bại của Vinh.

Hoàng Anh Tuấn giờ cũng đã trở lại là một người bình thường, và các lãnh đạo TTVN chỉ mơ anh ta giành được tấm HCĐ ở ASIAD 2010, dù như thế sẽ là một bước lùi.

Phong Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm