Công Vinh cần một khoảng lặng

24/03/2010 14:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Không ai hiểu cầu thủ hơn chính các cầu thủ. Những câu chuyện, rồi những cắt nghĩa giản đơn của họ mới giúp dư luận hiểu phần nào những vinh quang, cay đắng mà các cầu thủ được và phải nhận. TT&VH giới thiệu bài viết bởi cựu cầu thủ Đặng Phương Nam, những suy nghĩ của anh về Công Vinh.

Ngôi sao trong bóng đá

Tất cả chúng ta, không phải ai cũng là một “ngôi sao” để có thể cảm nhận được “áp lực” của điều này. “Ngôi sao” có nghĩa là vinh quang, là tiền bạc, là danh vọng, nhưng cùng với đó là những tình cảm yêu-ghét, thần tượng-đố kỵ. Và đã là “ngôi sao” thì cũng sẽ phải chấp nhận một cuộc sống không thể bình thường, từ tình cảm quý mến của hàng triệu người hâm mộ, cho đến sự “săm soi”, để ý từng chi tiết nhỏ trên sân cỏ cũng như cuộc sống đời thường. Mọi thứ sẽ dần dần trở thành một gánh nặng, một áp lực vô hình đè lên cuộc sống mà nếu không đủ bản lĩnh để vượt qua, họ sẽ gục ngã.

Bản thân tôi, dù không phải là một “ngôi sao” như Công Vinh, nhưng cũng đã trải qua những tháng ngày rất khó khăn của đời cầu thủ. Năm 1996, sau khi bỗng nhiên trở thành một cầu thủ trẻ nổi bật trong màu áo Thể Công và đội tuyển, tôi đã giành được rất nhiều sự yêu mến, tình cảm chân thành của người hâm mộ. Cùng với đó là niềm hy vọng, sự kỳ vọng lớn lao mà khán giả đặt cho mình. Vô tình đó lại là một áp lực, luôn ép mình phải chơi tốt, luôn bắt mình phải xuất sắc. Đó là điều bình thường đối với những cầu thủ trưởng thành và chuyên nghiệp, nhưng với tôi, cầu thủ mới 20 tuổi được đào tạo không thật sự bài bản thì đó thực sự là gánh nặng.

Thể lực, kỹ thuật, tinh thần, tâm lý đều chưa hoàn thiện nên càng cố gắng thì kết quả lại càng tồi tệ.  Đã có sự khủng hoảng về niềm tin khi bị mất phong độ trầm trọng. Lại thêm những cư xử kiểu trẻ con, bồng bột của tuổi trẻ nên có những lúc tôi đã bị stress thật sự, khi ra sân mà luôn cảm thấy những ánh mắt nghi ngờ của HLV, của đồng đội, những lời chê bai, dè bỉu của những cổ động viên. Nền tảng thể lực chưa tốt, càng lao vào tập luyện thì lại càng cảm thấy đuối và mệt mỏi. Kết quả là đã bị “lao lực”, suy nhược cơ thể và phải nằm viện tới nửa tháng. Trong thời gian đó tôi đã suy nghĩ và nhìn nhận lại bản thân mình rất nhiều. Bỗng nhiên nhận thấy mỗi chúng ta, ai cũng có giới hạn của mình, đừng ép mình phải vượt qua nó bằng mọi giá. Chấp nhận mình là một cầu thủ bình thường, để rồi từ đó nỗ lực, phấn đấu đi lên chứ không phải là những ánh hào quang giả tạo mà người ta khoác lên cho mình. Và rồi được sự giúp đỡ của đồng đội, sự tin tưởng và yêu thương của HLV Vương Tiến Dũng và gia đình, tôi đã trở lại.

Công Vinh đã không là cầu thủ trẻ như tôi ngày ấy, nhưng cùng là đồng nghiệp, nên tôi hiểu áp lực lên Vinh là rất lớn. Trước trận đấu này, Vinh đã từng tâm sự với trung vệ cùng đội, Đại Đồng: “Giá mà tao cũng bình thường như mày thì tốt biết mấy”. Một câu nói đùa nhưng cũng đủ để thấy rằng Vinh đang căng thẳng và mệt mỏi trước gánh nặng ngôi sao, với tấm băng đội trưởng mà anh đang đeo trên tay.

Cần một khoảng lặng cho Vinh

Áp lực của “ngôi sao” là không thể phủ nhận, nhưng ở thời điểm hiện tại Vinh lại đang tự làm khó mình bằng những xử sự chưa thật sự “chín”. Trong chuyên môn, Công Vinh là mẫu cầu thủ chăm chỉ và rất cầu tiến. Đó là phẩm chất đáng quý mà không phải ai cũng có được. Anh luôn đặt cho mình những mục tiêu để thử thách, nhưng đôi khi nó lại vượt quá giới hạn của bản thân mình.


Công Vinh cần một khoảng thời gian “không bóng đá” để trở lại là mình

Chính vì thế đã gây ra hiệu ứng ngược, người ta luôn thấy Vinh phải “gồng” lên, chạy hùng hục suốt trận đấu, lăn xả tham gia phòng ngự, hò hét thúc giục đồng đội tấn công nhưng lại không thấy những bước chạy thanh thoát và tốc độ, không thấy những pha xử lý bóng nhẹ nhàng, khéo léo và mềm mại, không còn thấy những pha dứt điểm sắc như dao cạo trong những tình huống 1 đối 1. Và đặc biệt, người ta không còn thấy nụ cười tươi rói trên môi cầu thủ này. Thay vào đó là những cái nhún vai, lắc đầu, những pha phân bua, tranh cãi, những tình huống phản ứng dữ dội ngay trên sân.

Ngoài cuộc sống, Công Vinh cũng đang phải đối đầu với rất nhiều luồng dư luận xung quanh những hành động không liên quan đến bóng đá của mình. Vẫn biết mỗi người đều có một cuộc sống riêng của mình, nhưng đáng tiếc là những việc làm, những hành động của Vinh lại không được sự đồng tình của dư luận, và chính sự phản ứng của số đông cổ động viên đó lại càng làm Công Vinh căng thẳng và mệt mỏi.

Có lẽ xâu chuỗi tất cả những vấn đề đó, cộng thêm một buổi chiều nắng nóng và bất lực trên sân Cao Lãnh, “ngôi sao” Công Vinh đã có xử sự điên rồ như thế. Rõ ràng đây là một hành động bột phát từ một giây phút thiếu kiềm chế, một giây phút mà sự căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm. Bởi vì ai đã từng biết Công Vinh đều hiểu rằng anh là một mẫu người rất khôn  và khéo trong cách xử sự, trong cách trả lời các câu hỏi, trong các mối quan hệ. Bản thân Vinh, hẳn cũng rất xấu hổ khi xem lại hành động này. Thật tiếc cho một cầu thủ cách đây vài năm còn trắng trẻo và hiền lành như một cậu thư sinh.

Thật khó để đưa ra cho Vinh một lời khuyên, nhưng có lẽ lúc này là lúc mà Vinh cần một khoảng… lặng. Để Vinh nhìn nhận lại một cách chính xác hơn về bản thân mình. Để suy nghĩ lại những hành động của mình, về những hậu quả mà nó để lại, đặc biệt là thế hệ trẻ những người luôn yêu quý và thần tượng anh. Đây có lẽ cũng là khoảng thời gian Vinh nên dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè với những hoạt động ngoài bóng đá, để cho cuộc sống của mình cân bằng trở lại. Nếu có thể, với tầm ảnh hưởng của mình hãy tham gia những hoạt động xã hội có ích, lúc đó Vinh sẽ hiểu rõ hơn về “chân giá trị” của bản thân mình, sẽ thấy giá trị và trách nhiệm lớn lao như thế nào của một ngôi sao và sẽ thấy trong cuộc sống sẽ còn rất nhiều điều có ý nghĩa.

Đặng Phương Nam

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm