VPF và HAGL xung đột tài trợ: Tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên?

03/02/2023 06:37 GMT+7 | Bóng đá Việt

Mâu thuẫn về tài trợ giữa Công ty VPF và HAGL cuối cùng đã dừng lại theo một cách "khó tin" nhất, đó là 2 thương hiệu cùng ngành hàng vẫn sẽ xuất hiện ở V-League, HAGL vẫn sẽ thi đấu và đôi bên sẽ bắt đầu giám sát lẫn nhau từ nay đến cuối mùa giải.

1. Suốt 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, không thể nói là các nhà quản lý bóng đá Việt Nam, từ VFF cho đến CLB không chịu khó học hỏi. Ban đầu, V-League ra đời dựa trên công nghệ quản lý tiếp thị của một công ty chuyên nghiệp nước ngoài là Strata.

Sau đó, đều đặn vẫn có đoàn công tác cử sang Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản để học hỏi mô hình quản trị. Khi Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF ra đời, mật độ "du học" còn nhiều hơn. Hết sang Tây Ban Nha, rồi Đức, chưa kể các hợp đồng liên kết tư vấn với J-League (Nhật Bản). Đỉnh cao là VPF mời luôn các chuyên gia từ Nhật Bản sang để trực tiếp điều hành V-League.

Vậy mà chẳng hiểu sao vẫn xảy ra xung đột về nhà tài trợ giữa VPF và HAGL ngay trước ngày khai mạc giải đấu. Những việc như thế này từng xuất hiện cách đây gần 20 năm, nhưng thời điểm đó, mọi thứ đều được quy định chi tiết không hề có vướng mắc gì cả.

Có lúc, V-League nhận đến 3 khoản tài trợ chính đến từ 3 thương hiệu khác nhau. Nhưng ai được quảng cáo trên truyền hình, ai thầu quảng cáo giữa 2 hiệp, số lượng bảng quảng cáo trên sân và ngoài sân ra sao, vị trí thế nào, quyền lợi của các nhà quảng cáo của CLB sẽ thể hiện ở đâu… đều được quy định rõ trong văn bản, điều lệ hoặc các văn bản cấp thấp "hướng dẫn thi hành".

Thậm chí, thời điểm nào BTC giải phải công bố nhà tài trợ chính để các CLB còn biết mà "né", nếu không công bố kịp thời thì hướng giải quyết ra sao, cũng đều được quy định khá chặt chẽ bằng văn bản.

Nói cách khác, những vấn đề như thế này lẽ ra không nên xảy ra. Bóng đá Việt Nam đi sau bóng đá chuyên nghiệp thế giới hàng chục năm, đâu có thiếu các văn bản kinh tế hay đặc thù thương mại thể thao, hoặc các tiền lệ tranh chấp để mà tham khảo, ứng dụng.

Ngay tại bóng đá Việt Nam, bao năm qua chỉ loanh quanh vài ngành hàng tài trợ như bất động sản, xây dựng, ngân hàng… nghĩa là rất dễ để dự báo về xung đột quyền lợi nên lẽ ra, cần siết chặt các văn bản pháp quy để phòng tránh. Nên vụ việc vừa qua, chẳng biết ai đúng, ai sai nhưng chắc chắn một điều là đôi bên cùng dở vì đã để nó xảy ra.

Dù sao, mọi việc cũng đã được giải quyết. Trong thời gian tới, nếu có những sự cố nào liên quan đến mâu thuẫn này, cũng là điều tốt vì hiểu theo nghĩa tích cực, nó tạo ra những tiền lệ để bóng đá Việt Nam có hướng giải quyết và sửa chữa trong tương lai.

Tại anh, tại ả hay tại cả đôi bên? - Ảnh 1.

Căng thẳng giữa VPF và HAGL có lúc tăng cao tới mức hình ảnh của đội trưởng Tuấn Anh (HAGL) đã bị xóa bỏ khỏi website VPF. Ảnh: Hoàng Linh

 2. Nhưng câu hỏi "tại sao xảy ra" thì vẫn còn đó. Những chuyến tham quan, các đoàn công tác ra nước ngoài rốt cục thu lượm được gì? Có nhất thiết phải đi "du học" như thế hay không? V-League đang vận hành dựa trên nền tảng, mô hình nào so với thế giới? Các văn bản của chúng ta đã hoàn chỉnh chưa, những quy định về thương mại, tiếp thị và đặc biệt là bản quyền hình ảnh liệu đã đầy đủ và phù hợp hay không? Nếu có những mâu thuẫn, xung đột thì xử lý theo các bước ra sao, và khi cần phân xử thì cấp thẩm quyền nào, tòa kinh tế hay thể thao hay một bên thứ 4 được chỉ định?

Vì thực tế là nền tảng tài chính của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam rất yếu. So với 20 năm trước, hiện số lượng CLB dự V-League chỉ tăng có 2 trong khi mục tiêu là phải 16-18 đội. Chỉ mới 14 đội mà đã có quá nhiều rắc rối, thì lên 18 đội theo thông lệ chung của thế giới thì sao? Cùng là "người một nhà", mỗi CLB dự V-League đều là cổ đông của công ty, vậy mà VPF và HAGL lại có xung đột căng thẳng đến mức tưởng là không nhìn mặt nhau, thì thật không biết giải thích ra sao ngoài một nguyên nhân duy nhất là cả 2 bên đều cùng có trách nhiệm.

Trong cái rủi cũng có cái may, ít nhất dư luận thấy được những khoảng cách ở những người làm bóng đá Việt Nam và cũng thấy được tinh thần "vì cái chung" của họ. Nghĩa là vấn đề nằm ở những quy định pháp lý không chặt chẽ, các ràng buộc trong hoạt động kinh tế, thi đấu chưa có cùng sự hiểu biết như nhau. Đây không phải là việc khó để sửa chữa, vấn đề là phải cùng ngồi lại với nhau, phải chấp nhận đi cùng nhau thì mới tiến xa được.

Bóng đá Việt Nam hiện không… còn đường lùi. Tham vọng của chúng ta là vé dự World Cup 2030, điều đó bắt buộc mọi hoạt động đều phải đi tới chứ không thể dậm chân tại chỗ. Hơn nữa, chưa có thời điểm nào mà bóng đá nội lại nhận được nhiều sự quan tâm như thời điểm này.

Dòng tiền tài trợ cho đội tuyển quốc gia vẫn đang tăng lên, trong khi đó, qua việc "nhún nhường" của Sâm Ngọc Linh và Carabao cũng cho thấy V-League có sức hút nhất định để buộc các bên phải duy trì việc chi tiền thay vì bỏ ngang để tìm kênh quảng bá khác. Đó là chưa kể, bản hợp đồng giữa V-League và FPT Play đã mở ra một không gian mới trong việc khai thác quyền lợi từ bản quyền truyền hình.

Nói cách khác, mọi cánh cửa để đi sâu vào bóng đá nhà nghề đã được mở ra, câu chuyện còn lại đó chính là năng lực của các nhà điều hành.Từng có tiền lệ "mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội" thì đừng xảy ra chuyện "mặt bằng V-League" lại đi sau các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế, nhất là khi mỗi năm giải đấu này ngốn hơn 1000 tỷ đồng tiền vận hành. Nói cách khác, chính những người quản lý cũng cần phải nâng cấp bản thân, tiếp cận nhiều hơn với bóng đá hiện đại, biến những chuyến tham quan thành cơ hội học hỏi thực sự. 

Trong suốt 20 năm phát triển của V-League, cũng đã có một vài thời điểm những nhãn hàng của ngành tiêu dùng, gia dụng hay công nghệ tham gia tài trợ nhưng họ cũng rút lui khá nhanh. Đó là những ngành rất chịu chi cho bóng đá nếu chúng ta quan sát các thương hiệu tài trợ của FIFA hay các CLB hàng đầu thế giới. Nên nếu không giữ được họ, không tăng được số lượng các nhà tài trợ này, thì bóng đá Việt Nam chỉ nên tự trách mình. Nói cho cùng, qua vụ việc của HAGL, thì không thể cứ trông đợi mãi vào túi tiền của các "ông bầu".

Chào mừng đến với V-League 2023, một mùa giải có tính bản lề của bóng đá Việt Nam trên con đường tiến ra biển lớn. Hy vọng "đầu xuôi" thì "đuôi lọt". 

VPF và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã ký kết hợp tác vào ngày 10/2/2022, theo đó Sâm Ngọc Linh Kon Tum K5 chính thức trở thành nhà tài trợ chính của V-League liên tục từ mùa giải 2022 đến hết mùa giải 2024 và tên gọi chính thức của giải đấu là Night Wolf V-League 1.

Ngay sau đó, VPF đã gửi thông báo đến các CLB về ngành hàng của nhà tài trợ chính tại giải VĐQG Night Wolf 2022 là nước tăng lực, đề nghị các CLB không hợp tác khai thác tài trợ với ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày 11/2/2022.

Ở mùa giải 2022, HAGL hợp tác với thương hiệu nước tăng lực Red Bull không được coi là vi phạm bởi "Công ty VPF công bố ngành hàng độc quyền tại giải VĐQG 2022 sau thời điểm hợp tác giữa HAGL và Red Bull".

Quy định về ngành hàng độc quyền V-League 2023 được thông báo tại Hội thảo bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hôm 26/12/2022, có sự tham dự của HAGL. Sau đó, VPF tiếp tục gửi văn bản thông báo tới các CLB vào ngày 5/1/2023.


Long Khang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm