09/07/2018 09:05 GMT+7 | V-League
(Thethaovanhoa.vn) - 8 bàn thắng được ghi, chia đều cho 2 đội, trong một trận đấu được tổ chức như thể trên "đám ruộng" ở Tam Kỳ, cuộc đối đầu giữa ĐKVĐ Quảng Nam và cựu vương B.Bình Dương.
Một ngày trước đó, hơn chục cảnh sát cơ động, bảo vệ... 6-7 khán giả Hải Phòng, trận đấu ở Hoà Xuân với chủ nhà SHB Đà Nẵng. Sự cố trọng tài và CĐV, CĐV và phóng viên ở Thiên Trường, trong một trận đấu cũng có đến 5 bàn thắng được ghi. Chiến thắng 3-2 chung cuộc thuộc về SLNA.
Cùng thời điểm này, FLC Thanh Hóa đã lấy trọn 3 điểm ở Thống Nhất, với chiến thắng cách biệt tối thiểu 1-0 và 2 đội đã chỉ còn 10 người khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên.
Ngược lên phố Núi Pleiku, HAGL để thua S.Khánh Hoà 2-4, với hầu hết các bàn thắng "ngược dòng" được thực hiện ở nửa sau hiệp nhì.
Chúng ta đang nói về các diễn biến ở vòng 18 V-League 2018, khi giải bóng đá cao nhất Việt Nam dồn toa giữa tâm chấn FIFA World Cup trên đất Nga. “Tài nổ”, “bóng rung” và “lưới rung là tin nhắn về”, chơi là trúng phóc!
Tại Cẩm Phả, đã có đến 3 bàn thắng được ghi cho đội chủ nhà, trước khi hiệp 1 khép lại, trận đấu Than Quảng Ninh - XSKT Cần Thơ. Sân Hàng Đẫy là nơi diễn ra trận đấu muộn nhất vòng 18, Hà Nội FC tiếp CLB TP.HCM, cuộc đụng độ mà nếu chơi sòng phẳng thì chưa đá người ta đã đoán được kết quả chung cuộc.
Phần lớn chúng ta đều không lạ lẫm gì với kết quả kỳ lạ của các trận đấu V-League diễn ra trong hoặc sau các giải bóng đá lớn như VCK EURO hay FIFA World Cup. Có những vòng đấu mà số lượng bàn thắng lên tới 30-40 bàn, tức là trung bình 4-5 bàn/trận đấu V-League. Khái niệm “chiều ngã đã có đêm nâng” hay “thua me gỡ bài cào” là ám chỉ chuyện bóng bánh, đỏ đen trên các trang cá độ bất hợp pháp.
Việc dồn toa V-League 2018 ngay vào thời điểm nhạy cảm World Cup đang diễn ra, rõ ràng không phải là một quyết định chuẩn mực. Như Thể thao & Văn hóa đã đề cập, chất lượng các trận đấu xuống thấp, lượng khán giả cũng thấp kỷ lục và nguy hiểm hơn, nhà tổ chức khó thể kiểm soát chuyện gì đã và đang xảy ra với giải đấu mà họ làm chủ.
Bóng đá khu vực Đông Nam Á có lẽ là kỳ lạ bậc nhất thế giới. Ở đây, phần lớn các quốc gia vùng trũng trên bản đồ bóng đá đều không thuận theo “múi giờ FIFA” hay ít nhất là nhịp sinh học bình thường của bóng đá toàn cầu. Thay vì các mùa giải nối năm này qua năm sau, và mùa Hè là thời điểm giải VĐQG phải được kết thúc, để bắt đầu hệ thống các giải đấu dành cho ĐTQG, thì ở nơi này, phần lớn chỉ khép lại vào tháng 10-11 hàng năm, trước khi nhường sân chơi cho SEA Games hay AFF Cup. Năm 2015, lần đầu tiên chủ nhà Singapore rời SEA Games qua mùa Hè, nhưng nó vẫn không thay đổi được thuộc tính của cả một khu vực với hơn 10 quốc gia.
Đã đến lúc Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á và các Liên đoàn thành viên phải ngồi lại để thống nhất, thay đổi những điều cũ kỹ cho hợp thời và cùng tiến lên với mái nhà bóng đá thế giới, bằng không, sẽ lạc hậu mãi mãi. Nên nhớ, với SEA Games được tổ chức vào các năm lẻ, đại diện tham dự môn bóng đá nam chỉ là đội tuyển U22 và về chất lượng, nó hoàn toàn không kích cầu được bao nhiêu sự phát triển của bóng đá trẻ. Đến ngay cả AFF Cup cũng chỉ mới được AFC và FIFA thừa nhận, với 1 trận thắng chỉ được cộng 0,5 điểm trên bảng xếp hạng tổng (FIFA Ranking), cũng là có lý do.
Thay đổi hay là chết dí một chỗ?! Hỏi mà như đã trả lời.
Tuỳ Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất