15/06/2008 11:27 GMT+7 | Thế giới
Đồng chí Võ Văn Kiệt (thứ nhất hàng sau, từ trái sang) cùng đại biểu các khu ủy về dự hội nghị Trung ương Cục tại căn cứ Tây Ninh 11-1961 |
Càng về sau, Chín Hòa càng nhận thấy trong sự chia sẻ ấy, niềm day dứt và đức hi sinh to lớn của bà. Sự tinh tế của mẹ đã giúp Chín Hòa nhận ra ở bà biết bao tình cảm mà một đứa trẻ như cậu khao khát. Khi cần đặt tên mới để hoạt động, Chín Hòa lấy họ Võ của mẹ, và Võ Văn Kiệt từ đó đã được dùng như là tên chính thức của ông. Một cái tên, bắt đầu và gắn liền với một sự nghiệp mà chắc chắn sẽ còn được nhắc tới.
Cũng từ đám tang của mẹ, Chín Hòa gặp ông Hà Văn Út - rể của một người bà con cô cậu. Ông Út nói chuyện với mấy anh lớn, chuyện áp bức, chuyện bình đẳng... Ở làng không ai nói chuyện như thế. Chín Hòa nghe, cứ như nuốt từng lời. Ông Hà Văn Út nhớ, lần sau về, tìm cậu. Chín Hòa lại nghe và lại càng thêm hứng thú. Sau vài lần gặp, Chín Hòa bắt đầu được giao việc, vừa kết hợp gặp các anh chị, vừa đưa tài liệu. Chín Hòa rất thích, có khi đi hai ba ngày. Thỉnh thoảng anh em còn kéo về nhà Chín Hòa cơm nước.
Chín Hòa cũng không còn mấy thời gian giúp ông Hai Chi. Một lần, ông than thở: "Tao lớn tuổi rồi, chỉ nhờ mày đỡ đần, mày đi thế, tao không biết rồi sao". Chín Hòa thương lắm, nhưng lại mê hoạt động không rứt ra được nên quyết định nói thật với ông Hai Chi. Ông nói: "Con đi với anh em là phải". Chín Hòa thưa: "Chú cho con đi ở một mùa, đỡ đần chú. Phần còn lại con đi làm việc". Ông chịu. Chín Hòa báo với "lãnh đạo". Các anh cũng đã đến nhà, mấy lần thấy Chín Hòa đãi cơm, gạo phải đi mượn từng lon, khạp lúa thì trống trơn... Biết hoàn cảnh Chín Hòa, mấy anh đồng ý. Những ngày hoạt động ấy đã đưa Chín Hòa trở thành một con người khác.
Năm 1940, Quận ủy Vũng Liêm chủ trương làm một cuộc mittinh thật vang dội để bắt mạch phong trào chuẩn bị khởi nghĩa. Diễn giả chính trong cuộc mittinh là chị Năm Hồng - bí thư quận ủy. Chị Hồng nói về ruộng đất, nói về tương lai mỗi nông dân sẽ có được một mảnh ruộng của mình. Nghe, ai nấy đều vô cùng sung sướng. Ông Võ Văn Kiệt lúc đó là bí thư xã, được phân công học thuộc một bài do trên gửi xuống về "thanh niên phản đế”. Khi nói đến "đánh đuổi đế quốc thực dân, đánh đổ phong kiến địa chủ, giành bình đẳng tự do", thanh niên bật dậy hô to khẩu hiệu. Quần chúng cảm tình Đảng và những đảng viên trẻ hát vang "Bài ca xích vệ". Chính quyền sửng sốt trước cuộc mittinh. Dân chúng thì xôn xao về vụ cộng sản diễn thuyết quốc sự.
"Đêm cộng sản dậy"
Đồng chí Võ Văn Kiệt (đứng), bí thư Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, phát biểu tại đại hội văn nghệ sĩ khu Sài Gòn - Gia Định (1-1963) |
Đêm đó, Chín Hòa dẫn lực lượng hai xã gần trăm người đi "lấy" đồn Bắc Nước Xoáy. Anh em, toàn thanh niên, trong tay chỉ có giáo mác, gậy gộc và một ống loa làm bằng thùng sắt. Ông Võ Văn Kiệt nhớ lại: "Trong đầu chỉ có một cách đánh thô sơ, hết sức ấu trĩ vì chỉ tính có một tình huống là thắng". Đoàn quân đi cướp đồn mà như đi hội, lội bộ 10km, cứ thẳng đường cái mà đi. Đến bên bờ con sông Măng Thít trong xanh, đồn lính ở bên kia thuộc quận Tam Bình, phải qua bằng phà.
Vừa lúc có một chiếc xe du lịch từ Vũng Liêm lên, xe của một ông chánh tổng nhưng không có chủ ngồi. Đoàn quân của Chín Hòa chặn xe, bắt kêu phà qua rước. Xe rọi đèn, phà qua ngay. Cả trăm người theo chiếc xe con xuống bắc. Lên bờ, đèn xe rọi vô, thấy trong đồn lính ngủ la liệt; bên ngoài vài tên đứng gác lớ ngớ. Toàn bộ lực lượng xáp vô, lính ngủ trở tay không kịp, chạy tán loạn. Đoàn quân vây bắt lại, tước súng, phân công người xuống đục chìm phà, thả theo nước lớn. Một số anh em khác leo lên lấy giáo mác chặt đứt hết dây thép, cắt đường thông tin liên lạc. Rồi ông Kiệt trèo lên cổng đồn, bắc loa kêu gọi đồng bào "Nổi dậy đánh đổ ách thống trị của thực dân đế quốc, phong kiến địa chủ”. Lấy xong đồn Bắc Nước Xoáy, đội quân của ông Kiệt ung dung lắm, đinh ninh giờ đó Sài Gòn, thị xã Vĩnh Long cũng đều đã khởi nghĩa xong.
Nhưng đêm ấy Sài Gòn không "khởi nghĩa", Vĩnh Long cũng không. Sau này, những người còn sống nghe nói: "Trung ương phân tích tình hình, ra lệnh ngừng cuộc khởi nghĩa". Nhưng chính ông Quảng Trọng Hoàng, bí thư liên tỉnh ủy, cũng không biết, khi đó ông Hoàng đã tưởng đêm ấy những người cộng sản sẽ "cướp được chính quyền". Ông Kiệt nhớ lại: "Khi trời vừa hửng sáng đã thấy xe từ Vĩnh Long chạy xuống, chở toàn lính! Hết xe này đến xe khác. Biết Vĩnh Long hỏng, anh Hoàng nói: "Ta không đối phó nổi rồi". Các nghĩa binh bảo nhau chôn mấy khẩu súng vừa lấy được, hóa trang, trở ra. Lúc đó, khắp xóm làng dậy lên tiếng trống, tiếng mõ kêu "bắt cộng sản". Anh Hoàng bảo: "Mọi người về nhà, tìm cách bắt liên lạc sau".
Tối hôm đó về làng mới biết anh em đi đánh Bắc Nước Xoáy chỉ lẻ tẻ có đôi ba người về tới nơi. Số đông bị bắt, bị giết, trong đó có người anh thứ ba của ông Võ Văn Kiệt. Theo ông Kiệt, bà con hoang mang dữ lắm, nhất là sau khi quận ra lệnh đốt hết ấp Bình Phụng vì những người bị bắt khai Bình Phụng là "ổ cộng sản dậy". Các ấp mà quận cho là làm loạn khác đều lần lượt bị đốt. Lính quận bắt anh trai ông Kiệt phải đi lùng bắt thằng em làm loạn. Một tối ông Kiệt về nhà. Ba ông không nói gì, chỉ lặng lẽ mài đi mài lại một lưỡi mác; lặng lẽ liếc đám lông trên ống quyển thử dao.
Trước khi ông Kiệt đi, ba ông trao cho ông cây mác, nói: "Thằng anh mày nó sợ, nó dọa bắt mày. Mày cầm cái mác, đứa nào bắt thì cứ đâm cho tao". Ông Kiệt hiểu cha và hiểu tính khốc liệt của cuộc dấn thân này. Ít lâu sau, chị Năm Hồng biết ông Kiệt còn tìm cách nhắn ông vô Đìa Chảo tập hợp lực lượng lại. Anh em trao đổi với nhau, nhận định: "Thất bại là tạm thời". Mấy người trẻ dứt khoát: "Cách mạng chưa thành quyết không về xứ". Rồi liên tỉnh ủy có chủ trương gom các cơ sở cũ vào rừng U Minh. Tỉnh ủy cho người vô Đìa Chảo đón nhóm ông Kiệt.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất