29/12/2020 13:29 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Để Võ sinh đại chiến - bộ phim võ thuật học đường đầu tiên của Việt Nam ra rạp, nhà sản xuất Bá Cường đã trải qua hành trình gần 2.000 ngày "đỏ lửa".
Xem teaser trailer và poster của phim Võ sinh đại chiến, dễ nhận thấy hình ảnh hai nam chính được đặt cạnh nhau với vô số sự đối lập đầy chủ ý. Khán giả sẽ nhận ra ngay, nhà sản xuất đang muốn minh họa cho trận chiến hứa hẹn sẽ nảy lửa giữa bộ môn MMA (võ hiện đại, thực chiến) với võ cổ truyền dân tộc.
Nếu "soi" vào thân thế và sự nghiệp của dàn diễn viên, Võ sinh đại chiến còn là "màn so găng" trong diễn xuất giữa "dàn diễn viên trăm tỷ" của Việt Nam với "hotboy triệu đô" của nhiều bom tấn Hollywood như: Katleen Phan Võ, Gi A Nguyễn, Tiến Hoàng...
Để có được bộ phim võ thuật học đường đầu tiên của Việt Nam ra rạp, nhà sản xuất Bá Cường đã trải qua hành trình dài với vô vàn khó khăn và thử thách. Anh tiết lộ, dịch Covid-19 khiến kế hoạch của đoàn phim bị đảo lộn hoàn toàn và đó thực sự là một “cuộc chiến” phía sau màn ảnh.
Bá Cường nhớ lại: “Đó là một giai đoạn rất kinh khủng! Phim vừa quay được 5 ngày là dịch bắt đầu bùng lên từ từ và sau đó là giai đoạn giãn cách xã hội, có thời kỳ cả một team “banh” hết.
Ê-kíp nước ngoài về nước họ tránh dịch, rồi anh em ở đây cũng bị mất cảm xúc. Hết giãn cách thì nhân sự trong đoàn hết hợp đồng, ê-kíp có sự thay đổi liên tục, cứ người mới là tôi phải làm việc lại từ đầu”.
Cái khó của phim Võ sinh đại chiến là có rất nhiều đại cảnh, mà tại trước đó do quy định giãn cách nên chỉ quay được những cảnh nhỏ lẻ. Xong hết giãn cách, được quay lại phim trường thì lại toàn đại cảnh.
Mỗi ngày trong quá trình quay, Bá Cường chỉ ngủ được khoảng 3 tiếng là nhiều nhất, có ngày chỉ ngủ được 2 tiếng đồng hồ. Căng thẳng đến mức ba mẹ anh từng phải khuyên “thôi bỏ đi con” vì sợ anh bị “đứt gánh” do quá tải.
Nhiều người trong nghề cũng cho rằng Bá Cường là điển hình của câu nói "đường quang không đi lại quàng bụi rậm" khi thấy nhà sản xuất này chọn một thể loại phim "vô cùng kỳ lạ". Nếu chỉ hướng tới mục tiêu doanh thu, thì rõ ràng việc remake những bộ phim doanh thu cao của nước ngoài, hay các thể loại phim ăn khách đã được kiểm chứng với thị trường điện ảnh trong nước sẽ là lựa chọn an toàn.
Nhưng cái khó của Bá Cường là anh lại "trót nặng lòng với mong muốn quảng bá võ thuật cổ truyền của Việt Nam". Và hẳn nhiên đây là một đề tài khó!
"Biết là khó, nhưng mình không ai làm thì đợi ai làm?", nhà sản xuất này đặt câu hỏi ngược lại khi bị báo chí chất vấn tại sao lại chọn cách "đâm đầu vào tường" như vậy.
"Chất liệu võ cổ truyền của Việt Nam là một kho vàng chưa được khai phá đúng tiềm năng. Nhưng làm sao để mang những viên ngọc thô ấy ra ngoài, mài giũa cho số đông khán giả thấy hứng thú thì tôi đã phải tâm tư trong suốt 5 năm.
Hơn 5 năm là gần 2.000 ngày. Có nhiều lần nản chí, nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ muốn buông xuôi. Thật may mắn, cho đến một ngày tôi chợt nhận thấy việc đối đầu giữa MMA và võ dân tộc Trung Quốc, Thái Lan... đang trở thành trào lưu thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận trên thế giới. Tôi nhận thấy, đây chính là gợi ý lời giải cho bài toán quảng bá võ cổ truyền dân tộc Việt Nam" - anh kể.
Tìm được lời giải cho vấn đề khó, nhưng hành trình để hiện thực hóa ý tưởng ấy cũng dài và gian nan. Bá Cường gặp "cuộc chiến" về nhân sự cho phim võ thuật, đồng thời tham gia cuộc chơi mạo hiểm khi xây dựng đời sống học đường "tươi mới, hợp thời" trong Võ sinh đại chiến.
“Nếu chỉ làm ra một bộ phim chỉ xoay quanh bảng đen phấn trắng, phượng hồng, trống trường, sách vở, cùng với những tình yêu trong veo… thì khán giả đã chán ngán quá rồi.
Tôi thách thức chính bản thân mình và ê-kíp phải đưa ra một thế giới học đường hoàn toàn khác. Khi phim ra rạp, việc đón nhận khen chê là quan điểm của mỗi người, nhưng tôi tin rằng ai cũng sẽ đồng ý rằng thế giới học đường trong phim thực sự tươi mới, đầy hấp dẫn, mới lạ nhưng không phi lý” - anh khẳng định.
Khi được hỏi liệu phá vỡ mọi nguyên tắc quen thuộc có quá mạo hiểm, Bá Cường cười nói anh "thà mạo hiểm để khai phá những chủ đề mới, và hướng đi mới, còn hơn chấp nhận an toàn để khán giả cho rằng mình làm phim chỉ để kiếm tiền".
Tất nhiên khán giả có cơ sở để tin vào chữ mạo hiểm mà Bá Cường đề cập, bởi tác phẩm đầu tay của nhà sản xuất này - Hạnh phúc của mẹ giành giải Cánh diều Vàng 2019 khi khai thác chủ đề trẻ tự kỷ nhưng không đại thắng doanh thu phòng vé.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất