04/05/2023 13:46 GMT+7 | SEA Games 32
Cuộc ngược dòng ngoạn mục trước đại diện của Thái Lan mang về chức vô địch đầu tiên cho bóng chuyền nữ Việt Nam ở giải vô địch các CLB nữ châu Á mang lại sự phấn khích. Dù vậy, vẫn rất nhiều khó khă để thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đổi màu tấm HCB ở SEA Games 32.
Giải bóng chuyền nữ các CLB châu Á là giải đấu nằm trong hệ thống của Liên đoàn Bóng chuyền châu Á (AVC), được tổ chức thường niên kể từ năm 1999 tới nay và chỉ bị gián đoạn 2 mùa giải vào các năm 2003 và 2020.
Bóng chuyền nữ Việt Nam thường xuyên cử đại diện tham dự sân chơi này và từng 7 lần là chủ nhà của giải đấu vào các năm 2001, 2005, 2007, 2011, 2013, 2015 và 2023.
Sân chơi này thường quy tụ các CLB đại diện cho những nền bóng chuyền hàng đầu của châu lục như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, cùng với một số đội đến từ Kazakhstan, Đài Bắc - Trung Hoa, Iran…
Trong lịch sử thi đấu ở giải này, ngoại trừ trường hợp của CLB Thông tin Liên Việt Post Bank dự giải vào năm 2011, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam thường xuyên góp mặt với tên gọi Sport Center 1.
Trong 22 lần diễn ra trước đó, các CLB đến từ Trung Quốc đã giành 8 chức vô địch, tiếp theo là CLB của Thái Lan (6 lần), Kazakhstan (4 lần), Nhật Bản (3 lần) và Hàn Quốc (1 lần).
Với đại diện của Việt Nam, thành tích tốt nhất là vị trí thứ 4 chung cuộc của CLB Thông tin Liên Việt Post Bank (mùa giải 2011), còn lại bóng chuyền nữ Việt Nam chưa từng vượt qua vòng bán kết. Phần thưởng giá trị nhất cho chức vô địch giải đấu này là tấm vé dự giải Vô địch CLB nữ thế giới.
Ở mùa giải 2023, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với tên gọi Sport Center 1 dưới dự dẫn dắt của HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đã kiến tạo nên thành tích lịch sử với việc lần đầu tiên đăng quang chức vô địch.
Đặc biệt, cuộc ngược dòng thắng CLB Diamond Food (Thái Lan) 3-2 với các tỷ số 21-25, 17-25, 25-20, 25-22, 15-10 ở trận chung kết mang lại sự phấn khích rất lớn cho người hâm mộ cũng như chính các tay đập.
Sau giải bóng chuyền nữ các CLB châu Á 2023, đội tuyển nữ Việt Nam với 14 tay đập sẽ làm nhiệm vụ ở SEA Games 32. Từ chức vô địch lịch sử và sự tỏa sáng của chủ công Thanh Thúy, hi vọng lật đổ Thái Lan đang được nhiều người nhắc tới nhưng thực tế cho thấy sẽ không dễ dàng cho thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt biến ước mơ này thành hiện thực trong bối cảnh, trình độ của kình địch số 1 khu vực đã vượt khá xa so với tuyển nữ Việt Nam.
Trong năm 2022, tuyển Thái Lan từng xếp hạng 8 tại giải World Nations League, xếp hạng 13 ở giải vô địch thế giới và giành tấm HCĐ ở giải vô địch châu Á.
Riêng tại sân chơi SEA Games, Thái Lan giành 15 chức vô địch trong 18 kỳ đại hội gần nhất, trong đó, có 13 lần liên tiếp kể từ SEA Games 16. Về đối đầu, tuyển Thái Lan từng 2 lần đánh bại Việt Nam trong năm 2022, với chiến thắng 3-0 (25-22, 25-14, 25-14) ở trận chung kết SEA Games 31 và 3-0 ( 25-19, 26-24, 25-18) ở trận tranh hạng 4 giải bóng chuyền nữ AVC Cup. Tính từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam chưa từng thắng được Thái Lan trong 13 lần đối đầu trực tiếp.
Tại SEA Games 32, Thái Lan sẽ cử đội tuyển quốc gia với nòng cốt là lực lượng vừa thi đấu tại World Nations League tham dự gồm chuyền hai Pornpun Guedpard (đội trưởng), libero Piyanut Pannoy, đối chuyền Pimpichaya Kokram, phụ công Thatdao Nuekjang, chủ công Ajcharaporn Kongyot, Chatchu-On Moksri, Sasipapron Janthawisut. Trong đó, tay đập Sasipapron Janthawisut vừa dự giải vô địch các CLB nữ châu Á tại Vĩnh Phúc.
Phong độ hiện tại và thành tích thực tế đã chỉ ra, trình độ giữa bóng chuyền nữ Việt Nam với Thái Lan vẫn còn khoảng cách nhất định. Muốn giành tấm HCV SEA Games 32, thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt sẽ phải đánh bại Thái Lan.
Đây là bài toán hóc búa chưa có câu trả lời, cho dù về tinh thần, bóng chuyền nữ Việt Nam đến SEA Games 32 với sự tự tin rất lớn từ thành tích lịch sử.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất