Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn"

12/01/2025 13:21 GMT+7 | Văn hoá

(LTS) Đầu năm nay, tại tỉnh Bình Định diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế "Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và Võ cổ truyền Bình Định". Đây cũng là dịp hướng tới việc hoàn thiện hồ sơ Võ cổ truyền Bình Định đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhân dịp này, Thể thao và Văn hoá xin giới thiệu bài viết độc đáo của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, nguyên Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định.

1. Đầu tháng 1-2025, tôi được mời  tham luận cho Hội thảo quốc tế Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định do Viện Nghiên cứu Văn hóa phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức. Tôi cố gắng tìm hiểu và thấy đã có di sản võ thuật trên thế giới được UNESCO ghi danh: Yueju Opera (Kinh kịch Thiệu Hưng, Trung Quốc),  Nghi lễ Pahlevani và Zoorkhanei (Iran),  Taekkyeon (Hàn Quốc), Capoeira (Brazil), Chidaoba (Georgia), Pencak- Silat (Indonesia), Silat (Malaysia), Thái cực quyền (Trung Quốc).

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 1.

GS-TS Frank Proschan, nguyên chuyên gia cao cấp của UNESCO và tác giả bài viết tại Hội thảo

Tiếp theo, lược khảo lịch sử văn hóa, từ thực thể văn hóa phụ thuộc vào lịch sử và địa lý - thời gian và không gian, văn hóa võ ở miền đất võ Bình Định tạo nên sự dung hợp, tích hợp văn hóa ở các cộng đồng trong khu vực và bốn phương anh tài, trong những biến động đầy gian lao và kỳ vĩ của vùng đất qua các thời kỳ. Ở đó có sự kết hợp giữa các yếu tố "nội sinh" với yếu tố "ngoại sinh" tạo nên sự phát triển phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn, tích lũy từ các thời đại đến tiền Tây Sơn, Tây Sơn và hậu Tây Sơn.

2. Hồi đầu thế kỷ, tôi đã trình bày một tham luận mang tên "Đất võ trời văn" trong Hội thảo Khoa học và thực tiễn văn hóa dân gian Nam Trung bộ do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức, phân tích rất rõ hai mệnh đề "đất võ' và "trời văn". Qua diễn tiến câu chuyện, tác phẩm Bản tường trình về khu truyền giáo xứ Đàng Trong của vị thừa sai đồng thời là nhà toán học, nhà thiên văn học Ý Cristoforo Borri, mô tả rất kỹ thái độ hành xử của một võ quan cấp phủ, lần lượt cho ta thấy sự tín dũng và lịch duyệt.

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 2.

Võ sư Hồ Ngạnh biểu diễn Roi chặn. Ảnh Tư liệu

Năm 1618, quan trấn thủ Quy Nhơn đã tổ chức cho Borri cùng các linh mục Francesco Buzomi và Francesco de Pina lên thuyền đi 12 ngày đêm và 8 ngày nữa, chuyển cho mỗi người lên một thớt voi, có hàng trăm dân binh cưỡi ngựa hoặc đi bộ hộ tống mới tới tư dinh. Ngày nào họ cũng được quan trấn thủ cho ghé một bến cảng, tổ chức các trò vui, hội hè cho dân chúng.

Các hương chức bản địa chào mừng quan trấn thủ với những lễ vật quý, và ngày nào quan trấn thủ cũng sang thuyền các giáo sĩ trò chuyện, chia sẻ lộc dọc đường. Quan trấn thủ cho hàng nghìn nhân công dựng nhà thờ gỗ, lập cư sở truyền giáo tại Cảng thị Nước Mặn cho đoàn. Ngoài ra, ở phủ Quy Nhơn còn một số nhân sĩ bản địa thông minh, sành chữ Hán, giúp các linh mục dịch các bản kinh Pater noster Ave Maria, Credo Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 3.

Dòng chữ "Đất võ trời văn" tại Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024

Từ chỗ bị  cô lập và trục xuất ở Hội An, nhóm giáo sĩ Tây phương kia đã được Quy Nhơn chào đón, bao bọc và đối xử như những thượng khách với mọi điều kiện tốt nhất có thể. Người Bình Định có thể tự hào Cảng thị Nước Mặn là cái nôi sớm nhất hoài thai và sinh nở chữ Quốc ngữ la tinh hóa mà sự phiên âm bắt đầu bằng "giọng Quy Nhơn của người Quy Nhơn", dù thô sơ nhưng là cơ duyên mặn mòi mở cửa cho chữ Việt hoàn chỉnh của ngày nay.

3. Đọc một số sử liệu và tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái, mới thấy con người tinh hoa đất võ sự mẫn cảm của ngôn ngữ, qua lời Nguyễn Huệ trong cuộc trao đổi với quần thần nhà Lê về cuộc hôn phối của mình và Ngọc Hân công chúa: "Tuy nhiên, ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không?". Nhưng càng hiểu sâu hơn, Nguyễn Huệ càng khiêm cung nhã nhặn, "tự thú" trước người đẹp kinh kỳ, mình chỉ là "kẻ ở khe núi", nhận quê mình "xa xôi hẻo lánh", nhận ân sủng phò mã: "Bây giờ may sao được bám vào cành vàng lá ngọc, thật là một mối duyên kỳ ngộ ngàn năm mới có".

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 4.

Tái hiện cảnh Vua Quang Trung xuất quân trong Festival Tây Sơn- Bình Định. Ảnh tư liệu

Sự ý vị ấy là ở những lời nói chốn riêng tư. Còn khi dân làng Văn Chương dâng lên tờ sớ bằng thơ Nôm phàn nàn việc nhà bia Tiến sĩ bị ngã đổ trong loạn lạc và quy tội do chúa Trịnh Khải phá, thì vua Quang Trung dùng bút phê chuẩn hết sức độc đáo, cũng bằng thơ Nôm: "Thôi thôi thôi sự đã rồi/ Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta/ Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian/ Cơ đồ họ Trịnh đã tan/ Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải".

Với dân, ông lựa lời lẽ hết sức nôm na, khoan thứ và đầy nghĩa hiệp tự nhận trách nhiệm về mình như vậy. Với tướng sĩ ra trận, ông có lời dụ về mục tiêu chiến lược mang tầm vóc bản lĩnh văn hóa và chủ quyền quốc gia theo cách nói nôm và dụng các thành tố Hán Việt đúng mực: "Đánh cho để dài tóc/ Đánh cho để đen răng/ Đánh cho nó chích luân bất phản/ Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn/ Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 5.

Võ sư Hồ Sĩ biểu diễn roi Trực chỉ. Ảnh Từ Huyền Trân

Về mặt văn tự, vua Quang Trung - biểu tượng cao nhất của miền đất võ - chủ trương dùng chữ Nôm cho triều đại mình, lập Viện Sùng Chính để dịch kinh sách ra chữ Nôm, mở khoa thi Hương đầu tiên bằng chữ Nôm. Chữ Nôm là chữ Việt lần đầu tiên được ghi trong sử bằng khái niệm "Quốc ngữ" từ đời Trần nhưng chữ Hán vẫn thông dụng trong văn bản cấp nhà nước. Chủ trương thoát Hán tự, dùng quốc âm được đưa ra như một cải cách lớn mang đầy tính tự tôn dân tộc, chính là dấu ấn văn hóa sâu đậm của người trai "Hào hoa đất võ" Quang Trung trong việc sở đắc chữ Việt của người Việt Nam, từ cấp triều đình đến các trường học được mở mang đến tận cấp xã!

Như vậy, chữ Việt trong quá trình phát sinh, phát triển, thăng trầm, từ chữ Quốc ngữ Nôm nghìn năm đến chữ Quốc ngữ La tinh hóa 400 năm nay, trong định mệnh văn hóa, đều có dấu ấn sâu đậm của đặc sản "đất võ trời văn". Như từ thế kỷ XVIII, công chúa Ngọc Hân đã thừa nhận sự chinh phục của "kẻ ở khe núi". Còn các giáo sĩ đầu thế kỷ XVII đã vinh danh viên quan đầu phủ "rất lịch sự", "hết sức tử tế" và người bản xứ "rất trọng khách", "rất thành thật". Cái sự "thích thú lắm" của vua Quang Trung và sự "rất lấy làm hài lòng" của quan trấn thủ Quy Nhơn xưa cũng là nỗi niềm vinh hạnh của người bản địa khi được lòng bốn phương, lan truyền cho hậu thế! Sức mạnh của võ công đã thấm đẫm trong sự nghiệp văn trị.

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 6.

Võ sinh Võ đường Hồ Sừng biểu diễn roi Thất bộ. Ảnh Từ Huyền Trân

4. Tôi rất vinh hạnh khi sáng tạo cụm từ "đất võ trời văn" mà tỉnh Bình Định dùng làm slogan cho Festival Tây Sơn - Bình Định hồi đầu thế kỷ.

Đầu năm 2024, Tuần lễ Amazing Binh Dinh Fest 2024 từ ngày 22 - 31/3 với rất nhiều sự kiện và hoạt động giao lưu kết nối văn hóa, thể thao và du lịch phong phú, đa dạng, đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách và người dân trong tỉnh đến xem, cổ vũ. Trong màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật của 500 thiết bị bay công nghệ (drone light) trên bầu trời, cụm từ "Đất võ trời văn" cùng hình ảnh tôn vinh nét đẹp văn hóa của đất và người Bình Định được tái hiện trong 11 khuôn hình, gồm các hình ảnh: Tháp Chăm, Hoàng đế Quang Trung, Võ cổ truyền...

Võ cổ truyền Bình Định và slogan "Đất võ trời văn" - Ảnh 8.

Võ sinh của võ đường Hồ Sừng tập võ. Ảnh Trần Thị Huyền Trang

Qua tư tưởng và phong cách hành xử của vua Quang Trung và một vị quan trấn nhậm Quy Nhơn thời Lê, chứng minh Võ cổ truyền Bình Định đã rèn luyện con người xứ võ chẳng những chỉ ở huân nghiệp của võ công mà còn tính tiên phong của văn tự, bồi đắp tính cách và tâm hồn Bình Định ở sự kết tinh và chuyển lưu trong hàm số "trong văn có võ, trong võ có văn". Thành tựu của nó vừa tạo cho cộng đồng phẩm chất tôn văn thượng võ, vừa nhạy bén với cái mới trong tiến trình hội nhập, nuôi dưỡng khát vọng canh tân, chấn hưng văn hóa.

Di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định từ cổ truyền đến đương truyền, sự chuyển lưu tinh tế và kết tinh hài hòa giữa võ và văn hoàn toàn đáp ứng việc vinh danh theo Công ước UNESCO.

Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm