Violinist mang hai dòng máu Việt - Pháp Stéphane Trần Ngọc: 'Tôi đang về nhà!'

03/09/2018 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Mang trong mình nửa dòng máu Việt, có một cái tên của sự cộng hưởng Việt – Pháp nhưng bao năm qua, Stéphane Trần Ngọc nghĩ mình là một người thuần Pháp. Chỉ cho đến khi trở lại Việt Nam, hai tiếng cội nguồn đang từng bước khơi gợi trong con người anh.

Những năm gần đây, khi thấy Stéphane Trần Ngọc chăm chỉ về Việt Nam để biểu diễn và giảng dạy hơn, các bạn anh hỏi: “về nhà đấy à?” và quả thật, anh đang từng bước về nhà một cách đúng nghĩa.

Sau đêm diễn thành công tại L’Espace tối 1/9 tại Hà Nội, anh đã có cuộc trò chuyện với TT&VH.

Sở hữu đàn cổ không để... trưng bày

* Trong đêm diễn vừa qua, những nhận định của giới chuyên môn quốc tế đã được anh hiện thực hóa bằng tiếng đàn của mình một cách vô cùng thuyết phục. Tuy nhiên, người Pháp lại chơi toàn nhạc Pháp, đó phải chăng là một cách “ghi điểm” đầy lợi thế?

 - Chia sẻ với bạn và mọi người rằng, âm nhạc Pháp có lẽ khó chơi ngay cả với nghệ sĩ Pháp. Nhạc Pháp có những đặc thù cơ bản, rất riêng, bao hàm sâu sắc sự gắn kết giữa văn hóa và ngôn ngữ. Vì thế, tuy có nhiều nghệ sĩ chơi nhạc Pháp nhưng phải là người thực sự am hiểu văn hóa Pháp mới có thể thẩm thấu và thể hiện tốt được.

Tôi nghĩ nhạc Pháp là một trong những sở trường của mình. Song với quan điểm chơi nhạc của tôi là quá trình tìm kiếm sự sáng tạo không ngừng nghỉ, tôi luôn có thử thách với chính mình: không lặp lại và luôn tươi mới. Thế nên, cũng không hẳn là dễ dàng !

* Được biết đây là lần thứ 2 anh trở lại với Hà Nội. Vậy còn kỉ niệm nào trong lần diễn năm 1992 tại đây gợi nhớ cho anh đến bây giờ?

- Năm 1992, tôi còn khá trẻ và là lần đầu tiên tôi biểu diễn trước khán giả Việt Nam. Ở thời điểm ấy, tôi luôn nghĩ mình là người Pháp, chưa từng có cảm nhận mình là người Việt Nam nhưng khán giả lại đón nhận tôi như một phần của họ.

Sau này, chính nhờ sự chào đón của khán giả Việt Nam với những buổi biểu diễn của mình, tôi cảm thấy ngày một gần gũi hơn với quê nhà.

 Nghe tiếng đàn của Stéphane Trần Ngọc với cây vĩ cầm Francesco Gobeti 1709

* Trong lần biểu diễn này, anh đã chơi bằng cây vĩ cầm được sản xuất năm 1709 bởi Francesco Gobeti. Tôi nghe nói, anh còn có hẳn một bộ sưu tập đàn cổ như thế ?

- Ồ! Tôi không phải là nhà sưu tập đàn cổ, nhất là để trưng bày nữa thì càng không nhé!

Thực ra, để có một cái đàn tốt với mỗi nghệ sĩ là rất đắt đỏ. Quà trình mua đàn của tôi cũng không dễ dàng khi mà tôi phải mua một cách từ tốn.

Tôi mua từ những chiếc đàn có chất lượng tốt nhưng không quá nhiều tiền rồi dần dần, tôi tích lũy và nâng cấp lên những chiếc đàn tốt hơn. Hiện nay, tôi cũng chỉ có khoảng 4 – 5 chiếc để sử dụng thôi !

* Đó hẳn là một sự sở hữu khá khiêm tốn với anh?

- Cũng có thể ! Nhưng tôi có rất nhiều dây đàn và archet khác nhau nữa (cười lớn).

Sớm thành danh trong làng violon quốc tế với lối chơi nhạy cảm và tinh tế, Stéphane Trần Ngọc đã có những buổi biểu diễn, tại hơn 30 khán phòng hòa nhạc danh tiếng trên toàn thế giới như Carnegie Weill Hall, Salle Gaveau, Pleyel, Suntori Hall, ...

Với sự nghiệp đào tạo, Stéphane Trần Ngọc là một trong những giảng viên violon trẻ nhất ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Lyon (Pháp) trong nhiều năm liền trước khi giảng dạy ở Học Viện Âm Nhạc Lawrence (Mỹ) và là trưởng khoa dây của trường âm nhạc London (Anh).

Chú thích ảnh

Có một Hà Nội thiên đường

* Trong vai trò giảng dạy và sau những giờ lên lớp với học sinh Việt Nam, anh quan tâm như thế nào đến thế hệ tài năng ở đây? Anh có thấy gương mặt nào là tiềm năng sáng giá ?

- Việt Nam ở thời điểm này  nhà nhà đều tiếp cận cho con đi học âm nhạc, từ đó nở rộ nhiều tài năng.

Tuy nhiên, thách thức với thế hệ trẻ Việt Nam ở hiện tại chính là một xã hội công nghệ cao, bị nhiễu loạn. Con người sống trong tâm thế hiện đại là muốn gì được nấy, được ngay và muốn ngay lập tức. Nhưng theo đuổi âm nhạc, không thể thiếu một chữ "nhẫn". Một nốt nhạc phải là một nốt nhạc và rèn luyện cho ra, không thể đốt cháy giai đoạn.

Lớp tài năng mà tôi có dịp tiếp cận và giảng dạy ở Việt Nam gần đây cũng có một số gương mặt có tố chất mà tôi không tiện nói tên. Nhưng tôi mong, các em sẽ được mài giũa một cách cẩn thận và duy trì niềm yêu thích âm nhạc để đi được xa hơn trong tương lai.

Nghệ sĩ Stéphane Trần Ngọc và pianist Trần Thái Linh trong đêm diễn tại Hà Nội với tác phẩm của nhà soạn nhạc Claude Debussy

* Hiện nay, đào tào tài năng ở Việt Nam vẫn là một con đường có nhiều ngã rẽ, nhiều sự lựa chọn. Anh có gợi ý nào để các tài năng có thể tìm ra đúng con đường mình cần phải đi khi muốn vươn tới sự thành công tầm quốc tế ?

- Thành danh và nổi tiếng trong lĩnh vực này trên toàn thế giới luôn là thiểu số. Việc bạn trở thành thành viên của một dàn nhạc quốc gia của một đất nước như dàn nhạc giao hưởng Paris cũng mới chỉ dừng lại ở một công việc rất tốt mà thôi.

Tôi cũng khá hiểu sự cám dỗ đưa con đi nước ngoài học tập ở những gia đình có điều kiện. Nhưng hiện tượng “chảy máu” chất xám này lại khiến tôi lo lắng, băn khoăn.

Vì vậy, tôi quyết định sẽ về Việt Nam để giảng dạy mỗi khi có thời gian. Tôi muốn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ở Việt Nam trong lĩnh vực của mình, thay đổi tư duy: cứ đi ra nước ngoài là được đào tạo giỏi và tốt.

Tôi nghĩ rằng, cùng với những chính sách cần thay đổi, nếu tạo dựng được môi trường học tập đạt chuẩn quốc tế, Việt Nam cũng sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để các tài năng phát triển mà không cần phải đi đâu !

Chú thích ảnh

* Vậy anh sẽ thích ứng nhanh với môi trường Việt Nam khi trở lại đây chứ?

- Tôi còn nhớ, khi mình đi qua phố Tràng Tiền năm 1992, thấy mọi người thong dong đạp xe đạp trên đường, Hà Nội lúc đó như thiên đường với tôi vậy. Còn bây giờ, tôi thấy khá căng thẳng với tình hình gia tăng xe hơi ở đây.

Nói vậy chứ hiện giờ, tôi đã có nhiều sự gắn kết từ công việc đến cuộc sống riêng (tìm kiếm thành công người thân trong gia đình – PV) và dần cảm nhận, mình là một phần của Việt Nam.

Trở lại cội nguồn là một quá trình rất quan trọng mà tôi hi vọng, tình cảm dành cho Việt Nam sẽ ngày một lớn mạnh. Tôi bắt đầu học tiếng Việt rồi đây !

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Không gian nhạc Pháp của Stéphane Trần Ngọc và Thái Linh

Không gian nhạc Pháp của Stéphane Trần Ngọc và Thái Linh

Đánh dấu sự hợp tác văn hóa Pháp - Việt, đêm nhạc cổ điển của nghệ sĩ violin Stéphane Trần Ngọc và pianist Trần Thái Linh sẽ diễn ra vào 20h ngày 1/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp(24 Tràng Tiền, Hà Nội).

"Gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng mẹ tôi là một người yêu âm nhạc và bà mong ước con mình sẽ trở thành nghệ sĩ. Trong môi trường giáo dục đó, tôi được tự do, không chịu áp lực hay ảnh hưởng từ ai. 

Cho đến khi con gái tôi theo học violon, dù cô bé là một người có tố chất nhưng tôi nghĩ, mình là nghệ sĩ chuyên nghiệp rồi nên sẽ không tạo áp lực cho con cái vì "cái bóng" của mình" nữa - nghệ sĩ violon Stéphane Trần Ngọc chia sẻ.

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm