Công diễn "Ni cô Đàm Vân" - Quà “độc” mừng thọ “cây đại thụ” Học Phi

26/09/2012 09:48 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Không phải ngẫu nhiên, giữa gần 30 kịch bản của tác giả Học Phi, người làm nghề lại chọn vở chèo Ni cô Đàm Vân để phục dựng và ra mắt trong lễ mừng thọ 100 tuổi của “cây đại thụ” sân khấu này (diễn ra tối nay, 26/9, tại Nhà hát chèo Kim Mã).


Nhà viết kịch Học Phi (ảnh chụp tháng 7/2012)

Khi vừa hoàn thành vào năm 1976, Ni cô Đàm Vân cùng lúc được dàn dựng tại 2 đoàn chèo Hà Nội và Hải Phòng. Rồi, liên tiếp 4 năm sau đó là những bản dựng khác tại Nam Định, Hải Hưng (cũ), Bắc Giang, Thái Bình... Và cho đến giờ, vở chèo vẫn được coi là cột mốc tiêu biểu trong giai đoạn “chuyển mình” của sân khấu, gồm 10 năm từ 1975 cho tới thời kì Đổi Mới.

Là người trực tiếp chuyển thể kịch bản văn học của Học Phi sang kịch bản chèo, tác giả Trần Đình Ngôn kể: “Năm 1976 ấy, tôi mới 34 tuổi, còn cụ Học Phi đã 65. Khi đọc kịch bản, chúng tôi thích vô cùng. Bởi, cũng là một câu chuyện người chiến sĩ cách mạng, nhưng Ni cô Đàm Vân không hề khô cứng, gượng ép mà ngược lại, hiện đại và... hấp dẫn hơn hẳn so với nhiều kịch bản đương thời”.

Ni cô Đàm Vân là câu chuyện về số phận và con đường đi theo cách mạng của Trinh – cô tiểu thư con quan Án sát. Theo giới nghiên cứu, trong dòng chảy của sân khấu khi ấy, đây là kịch bản có sự đột phá về tư duy, khi đưa người chiến sĩ cộng sản lên sân khấu với đầy đủ những cảm xúc yêu thương, hờn giận – vốn dĩ rất đời thường.

Gần một thập niên, Ni cô Đàm Vân liên tục được biểu diễn tại các chiếu chèo miền Bắc, thậm chí từng được biểu diễn phục vụ các lãnh đạo cao cấp của Nhà nước vào đầu những năm 1980. Bởi thế, việc Hội nghệ sĩ Sân khấu VN phục dựng vở diễn này cũng có thể coi như một món quà quý gửi tới tác giả lão thành Học Phi trong lễ mừng thọ tối nay 26/9. Vở diễn được dàn dựng bởi đạo diễn Vũ Ngọc Minh và các diễn viên đoàn kịch 2 Nhà hát chèo VN.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm