09/02/2019 13:56 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyện đua heo thì chẳng có gì lạ cả, thậm chí có cả một “trường đua heo” ở Củ Chi, nhưng còn thú “chọi lợn”? Lợn có thể húc nhau như… chọi trâu được hay không?
Đó là một câu hỏi thú vị, nhìn từ góc độ sinh học và khảo cổ học.
Lợn lành hay dữ?
Tôi sinh ra vào đầu năm Đinh Hợi. Ông ngoại tôi biết chút ít về tử vi phán rằng: “Cầm tinh con lợn thì hiền lành, không ưa đấu đá. Người tuổi Đinh Hợi nếu muốn thành công thì phải biết mềm mỏng, phải biết thuyết phục mọi người theo mình”.
Con lợn vốn hiền lành. Nhưng sau này khi vào học ngành sinh vật, được tham gia vào các cuộc đi săn tôi mới nhận ra rằng người đi săn vào rừng không phải chỉ sợ gặp hổ dữ mà con vật đáng sợ nhất lại chính là lợn độc.
Gặp lợn độc, nếu bắn trượt nó có thể lao từ xa đến đâm lòi ruột thợ săn. Anh bạn Mackinon của tôi, nhà động vật học nổi tiểng, vì cứu con trai khỏi bị lợn rừng tấn công đã bị lợn cắn dứt cả ngón tay.
Thì ra lợn cũng không phải hiền lành như ta tưởng. Chúng cũng dữ, nhưng chỉ dữ trong những trường hợp khi bị tấn công phải tự vệ. Hình như lợn không bao giờ chủ động tấn công người.
Nghe kể rằng rằng thời làm ăn hợp tác xã ở nông thôn, người ta thường xây dựng những gương điển hình để mọi người học tập. Một trong những điển hình đó là xây dựng một ngành chăn nuôi lớn. Chuồng lợn xây thật to mà đàn lợn chỉ có dăm con. Khi cấp trên về thăm, để lấy thành tích, người ta mượn lợn ở các chuồng khác thả chung vào để được khen thưởng, chọn làm lá cờ đầu. Oái oăm thay, bọn lợn lạ đàn thả lẫn vào nhau chúng liền đánh nhau chí tử. Thế là có người nghĩ ra một kế: lấy dầu hỏa bôi vào mũi lợn. Con nào con nấy chỉ ngửi thấy mùi dầu hỏa nên chúng không phân biệt đâu là con cùng đàn đâu là con khác đàn. Đâu là bạn đâu là thù và chúng chung sống thân thiện, cùng ăn chung một máng. Cấp trên đến, xem xong liền ca ngợi, coi đó là điển hình tiên tiến!
Có thể đi đến kết luận là lợn không phải là con vật dữ nhưng chúng có một hệ thống khứu giác rất phát triển. Khi gặp con lạ đàn nhốt chung với nhau, chúng có thể cắn lẫn nhau. Với lợn rừng, nhất là những con lợn mẹ đang chăm sóc đàn con hoặc những con lợn độc già khi bị săn đuổi, chúng trở nên hung dữ và lúc đó thì cực kì nguy hiểm.
Lợn trên đấu trường
Trên thế giới người ta chẳng lạ gì những màn giao đấu với… lợn.
Tộc người Nicobarese ở Ấn Độ hàng năm có những trận thi đấu giữa người và lợn. Từ sáng sớm tinh mơ khi mặt trời mới mọc, dân làng đã tụ tập trên một khoảng trống rộng. Người ta khiêng ra trường đấu những con lợn rừng giống đực hung dữ bị nhốt trong những chiếc cũi lớn. Thường mỗi lần đấu có 2 con lợn được thả vào đấu. Một chân sau mỗi con vật được buộc chặt bởi một sợi dây dài và chắc. Những sợi dây này được 2 đến 3 người cầm chịch nắm giữ để điều khiển con lợn khi có tình huống nguy hiểm xảy ra.
Theo tục lệ, 2 người cùng một lúc được gọi ra thi đấu. Đấu sĩ đứng trước cái cũi chừng 5 - 6 m. Người ta dùng rìu phá tan cái cũi và con lợn điên máu lao thẳng vào các đấu sĩ. Cuộc chiến diễn ra thật ghê rợn và đầy nguy hiểm. Các tay đấu phải làm sao lao vào lợn dữ và nắm chặt được hai tai của chúng. Đấu sĩ thắng cuộc sẽ được tôn vinh là chiến binh giỏi nhất của hòn đảo nơi bộ tộc này cư trú.
Hàng năm từ 5-2 cho tới ngày 5-5 dương lịch, tại Jeongup (Hàn Quốc) cũng tổ chức chọi lợn như một tập tục hàng năm rất đông người tới dự. Cuộc thi chọi lợn cũng thường được tổ chức ở huyện Lô Sơn, tỉnh Qúy Châu, Trung Quốc
Ở vùng Banjar Kaja Sesetan, phía nam của Denpasar trên đảo Bali (Indonesia), có một lễ hội lạ lùng là lễ hội hôn tập thể có liên quan đến lợn. Ngày hội, trai gái đứng làm hai phía đối mặt nhau. Nhóm thiếu nữ đứng về phía bắc, trai tráng đứng về phía nam. Hai nhóm từ từ xích lại gần nhau và bất thần họ hôn nhau, thế rồi tất cả mọi người tự do hôn hau giữa chỗ đông người.
Tục truyền rằng, có một năm, người làng này không hành lễ hôn nhau nên chính tại nơi hành lễ có hai con lợn hung dữ to lớn lao vào cắn xé nhau máu chảy đầm đìa, cả làng không ai gỡ ra nổi. Thế là từ đó họ thường xuyên tổ chức lễ hội hôn để xua đi mọi điều dữ. Để cho chuyện huyết chiến không bao giờ xảy ra nữa.
Nhìn từ khảo cổ học
Mấy năm gần đây, người viết bài này có dịp may mắn được tham gia khai quật và nghiên cứu di chỉ Khảo cổ học Giồng Nổi (Bến Tre) có niên đại trên dưới 3000 năm trước. Điều đặc biệt lý thú là tại di chỉ đã tìm được rất nhiều di tích xương lợn trong tầng văn hóa. Các xương lợn phân bố rải rác và dày đặc. Điều đáng chú ý hơn cả là nhiều chiếc sọ lợn còn có nguyên cả sọ và phần hàm dưới. Có những khúc xương sống, xương chậu còn nằm nguyên tại vị trí tự nhiên trong địa tầng hố khai quật.
Trong hàng trăm răng lợn, đã thu thập được, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm dị thường. Con lợn thì kích thước không lớn hơn lợn nhà hiện tại là bao nhưng răng của chúng, nhất là răng nanh thì rất to và khoẻ. Dường như người ta nuôi những con lợn này không phải nhằm mục đích ăn thịt.
Thử đối chiếu với vài thư tịch cổ mô tả về vùng đất Phù Nam xưa (nay là khu vực đồng bằng Nam Bộ) ta thấy có đoạn chép “Người bản xứ thích chọi gà, đấu lợn, dùng vàng, châu ngọc, hương liệu để nộp thuế” (Theo Tân Đường thư - thư tịch cổ Trung Quốc do Nguyễn Đức Nghinh và Khương Ngọc Toản dịch).
Từ những xương răng động vật trong di chỉ Giồng Nổi và các thư tịch được biết về thời đại này, tôi ngờ rằng dân Giồng Nổi (Bến Tre) trên dưới 3000 năm trước cũng đã có tục chọi lợn. Tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch nghiên cứu kĩ hơn sự biến đổi về hình thái trên các nếp men răng lợn ở đây để lí giải xác đáng hơn về hoàn cảnh sống của chúng và liệu các con vật này có được nuôi trong một chế độ đặc biệt để phục vụ cho việc chọi lợn hay không.
Vốn cầm tinh con lợn, có lẽ vì thế tôi chẳng thích thú gì cái chuyện đấu đá chọi nhau. Chọi trâu là một tục cổ truyền, nhưng tiếc thay, con trâu to lớn bị các ông chủ cho ăn, tập luyện rồi đẩy vào chỗ húc nhau lòi mắt lòi ruột. Rốt cuộc kẻ thắng cũng như kẻ thua cũng đều bị chủ thịt tất. Chẳng biết lũ bị lợn đẩy vào chọi để thoả mãn tính hiếu thắng của con người sau mỗi cuộc tỷ thí rồi có phải cho vào nồi không?
Ai thích cái trò này thì cứ thích. Riêng tôi thì không.
TS Vũ Thế Long
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất