12/02/2014 12:00 GMT+7
1. Dù không phải người Sài Gòn nhưng qua báo chí tôi cũng cảm thấy xấu hổ với hành động hôi hoa tại một buổi khai trương của một trung tâm mua sắm. Trước đó, bản thân tôi và hẳn nhiều người nữa cũng cảm thấy mất mặt khi báo chí viết không xuể về vụ hôi bia xảy ra ở Đồng Nai vào cuối năm 2013 vừa qua.
Tôi nhớ, cách đây mấy năm, Hà Nội có hội hoa Xuân quanh Hồ Hoàn Kiếm báo chí cũng đã lên án về hiện tượng người dân ăn cắp hoa, hôi hoa tại khu tượng đài Lý Thái Tổ. Thành thử, một sự kiện làm đẹp cho bộ mặt thủ đô, làm đẹp cho chính con người lại bị con người “từ chối”, tự biến mình từ người được thưởng thức thành người vô ý thức.
Hai hay ba năm trở lại đây, Hà Nội không tổ chức Hội hoa Xuân nữa, nên “thói hư tật xấu” ấy không còn lặp lại, người Hà Nội (hoặc người tỉnh lẻ đang sống ở Hà Nội) đã thanh lịch trở lại.
Nhưng qua báo chí, tôi được biết, những ngày qua, nhiều người Hà Nội đã có hành động hôi hoa, cướp hoa do công ty Cây xanh Hà Nội trang trí quanh Hồ Hoàn Kiếm nhân dịp Xuân Giáp Ngọ thì tôi nhận ra mình đã nhầm. Người Hà Nội vẫn vậy, lẫn trong cái gọi là “thanh lịch, văn minh” như mấy ông bạn tôi hay “chém gió” là thói “không đói cũng ăn vụng, không túng cũng làm càn”.
Hóa ra cái tật cướp vặt ngày nào vẫn luôn âm ỉ, chỉ trực có cơ hội là “vô sở bất chí” (không việc gì không dám làm!). Và như thế, những con người có bản năng thấp kém ấy đã làm hỏng đi cái cội rễ tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của những người Hà Nội “ngàn năm văn vật” khác.
2. Tôi đọc được ở đâu đó rằng; vào năm 2010, một cửa hàng thời trang ở Mĩ bị ế rất nhiều quần áo và trước khi tống những lô hàng ế ra bãi rác, chủ cửa hàng đã sai nhân viên dùng kéo cắt nát quần áo với mục đích không ai có thể dùng được nữa. Biết được việc này, người dân đã lên án và thậm chí đòi kiện chủ cửa hàng này vì cho rằng như vậy là lãng phí, không biết nghĩ đến nhiều người dân vô gia cư đang thiếu quần áo để mặc.
Có lẽ, từ những lần trưng bày hoa các năm kế tiếp, Hà Nội nên “tiêm” cho hoa một loại “tiên dược” nào đó, độ khoảng đến chừng từ mùng 8-10 tết là hoa… chết. Biết thế là tàn nhẫn với hoa, nhưng cái chết của nó mà cứu được một nét ứng xử của người Hà Nội, thôi thì đó cũng là “cái chết đẹp”. Sẽ chẳng ai thèm lấy một chậu hoa xấu, hay tốn sức cướp một chậu đất về làm gì cho chật nhà…
Nhưng tôi lại nhớ đến lễ hội hoa Tulip ở Hà Lan. Năm đó, lễ hội diễn ra trong thời tiết nóng, một số tiểu cảnh hoa Tulip không “trụ” được nên lụi nhanh. Thay vì lên án nhà tổ chức hay cướp hoa, những người dân sống cạnh lễ hội đã nhanh chóng cùng nhau mang những chậu hoa Tulip của nhà mình ra trám vào. Thấy cụm hoa nào “khát nước” họ sẵn sàng lôi trong ba lô nước uống của mình để tưới cho hoa.
Tôi thấy, ở Việt Nam ta có rất nhiều lễ hội liên quan đến tranh cướp nhưng mang tính văn hóa truyền thống rất cao như; lễ hội cướp vợ của đồng bào người H’Mông miền núi phía Bắc; lễ hội đả cầu, cướp phết ở Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Hà Nội cũng có; ở Quảng Trị thì có lễ hội cướp cù mùa xuân và Bình Định có lễ hội cướp heo quay….
Nhưng thật đáng buồn, ở Hà Nội (và nhiều thành phố khác trên cả nước) cứ có lễ hội hoa, trưng bày hoa là có ngay việc… “cướp hoa”.
Phạm Huy (Thanh Hóa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất