09/10/2014 13:10 GMT+7 | Văn hoá
Không phải chờ tới ngày 10/10, từ nhiều ngày nay, Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Nhân dịp này, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH,TT&DL – có cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa.
* Hà Nội đã và sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Đâu là điểm nhấn thể hiện tinh hoa văn hóa Hà Nội, thưa ông?
- Đã và sẽ có nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật mà mục tiêu là hướng tới sự tham gia của cộng đồng. Vì thế, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu, chiếu phim… đều chỉ phát giấy mời. Điểm nhấn quan trọng của loạt sự kiện văn hóa này vẫn là các chương trình diễn ra vào đúng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Buổi sáng cùng ngày là chương trình nghệ thuật trong Lễ mít tinh. Buổi tối là cầu truyền hình tại 4 điểm cầu lớn: Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, tượng đài Lý Thái Tổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm này, một lễ hội đường phố sẽ diễn ra quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm vào sáng 10/10 với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên. Hạ Long có Carnaval, Huế có Festival… tại sao Hà Nội không thể có những hoạt động nghệ thuật cộng đồng như vậy? Nếu tổ chức hiệu quả, từ năm sau, các lễ hội này sẽ là hoạt động được tổ chức thường niên. Một nét tinh hoa văn hóa Hà Nội sẽ được thể hiện ở Lễ hội áo dài trong khuôn khổ chương trình Hương sắc Hà Nội tôn vinh các làng nghề thủ công truyền thống.
Mục tiêu của Hà Nội là tập trung vào chất lượng của các chương trình và sự hưởng ứng tham gia của người dân chứ không đặt nặng số lượng.
* Trên thực tế, có nhiều tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong việc mời các ca sĩ tên tuổi tham gia biểu diễn, thậm chí có lùm xùm quanh việc “hét giá cát – sê”. Hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ sẽ xuất hiện trong các chương trình kỷ niệm lần này mà tôi biết mức thù lao của họ là hàng chục triệu đồng. Hà Nội sẵn sàng “chịu chi” để mời bằng được các ca sĩ “ngôi sao” này?
- Chúng tôi vẫn luôn đặt vấn đề tiết kiệm làm tiêu chí. Cho đến thời điểm này, tôi chưa duyệt bất kỳ một mức thù lao “khủng” hay theo giá thị trường nào cho nghệ sĩ. Loạt chương trình nghệ thuật tới đây có hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên tham gia trong đó có Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Trọng Tấn... Các ca sĩ tự do được trả thù lao trên tinh thần tự nguyện, cống hiến là chính. Còn các nghệ sĩ của Hà Nội thì nhận bồi dưỡng như quy định của nhà nước.
* Cùng với các hoạt động kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội sẽ còn tổ chức chương trình kỷ niệm 15 năm được UNESCO công nhận là “Thành phố vì hòa bình”?
- Chương trình Hà Nội - Thành phố vì hòa bình diễn ra vào ngày 12/10 xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Sau lễ khai mạc sẽ có một loạt hoạt động hưởng ứng với tinh thần vì hòa bình diễn ra như: Đi bộ vì hòa bình; Vinh danh Công dân danh dự; Thi vẽ Em yêu Hà Nội - Thành phố vì hòa bình…
* Trong dịp này, Hà Nội có dự tính việc kích cầu du lịch không, thưa ông?
- Năm 2014, Hà Nội đặt mục tiêu đón 3 triệu khách. Dịp này, Hà Nội cũng tổ chức Liên hoan du lịch làng nghề, trong đó các công ty lữ hành đưa ra các gói kích cầu, giảm sâu để du khách đến với Hà Nội nhiều hơn. Chúng tôi chủ trương nghiêm cấm tăng giá dịch vụ, chặt chém du khách. Hy vọng, những điều này sẽ được thực hiện đúng tinh thần mà ngành văn hóa đề, tạo dấu ấn tốt đẹp với du khách khi đến với Hà Nội trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất