Thế giới thấm đẫm bạo lực của các băng đảng môtô Mỹ

19/05/2015 06:26 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Băng môtô Bandidos có một khẩu hiệu chung: “Một người đứt tay, tất cả cùng chảy máu”. Không ai rõ kẻ nào đã vung dao trước, nhưng rõ ràng đã có rất nhiều máu đổ trong ngày 17/5, khi Bandidos đụng độ và nổ súng vào thành viên nhiều băng môtô khác tại một nhà hàng ở Waco, Texas.

Vụ đọ súng điên cuồng giữa ban ngày đã làm 9 thành viên băng đảng môtô thiệt mạng, 18 người bị thương và 192 người bị bắt. Theo cảnh sát Texas, có lúc tới 30 thành viên băng đảng đồng loạt nổ súng về nhau tại khu đậu xe của nhà hàng Twin Peaks. Cảnh sát tìm thấy hơn 100 vũ khí và rất nhiều vỏ đạn sót lại sau vụ nổ súng.

Từ các phong trào phản văn hóa

Đây là chương tồi tệ mới nhất trong lịch sử dài bạo lực liên quan tới các băng đảng môtô ở Mỹ, với Bandidos là cái tên thường xuất hiện. Nhóm hiện là băng đảng môtô lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau băng Hells Angels, với khoảng 2.500 thành viên, trải dài trên 13 quốc gia.

Câu chuyện về Bandidos cũng cho thấy sự trỗi dậy của các băng đảng mô tô, từ chỗ là những CLB phản văn hóa, tới vị trí của các tổ chức tội phạm hùng mạnh, đáng sợ.

Ngày hôm nay, nếu người dân Mỹ và thế giới biết chút gì về các băng đảng môtô thì đó có thể là nhờ phim truyền hình ăn khách Sons of Anarchy và cuốn Hell’s Angels (1966) của  Hunter S.Thompson. Nhưng từ trước đó, các băng đảng môtô đã trỗi dậy tại Mỹ.


Hiện trường vụ xả súng đẫm máu diễn ra hôm 17/5, ngoài nhà hàng Twin Peaks

Các băng đảng này có gốc sau Thế chiến II, khi hàng ngàn thanh niên trẻ, thường bị chấn thương tâm lý bởi chiến tranh, trở về một đất nước mà họ không còn thấy quen thuộc. Nhiều người thấy quá trình chuyển đổi sang cuộc sống thanh bình khó khăn quá mức chịu đựng. Họ tìm cách chối bỏ xã hội Mỹ.

“Các cựu chiến binh sử dụng tiền trợ cấp để mua môtô và tiệc tùng trong các quán rượu. Việc quen với cảm giác mạnh đã khiến một số cựu chiến binh chọn việc sống quanh những chiếc môtô” – James F. Quinn, một giáo sư ở Đại học Bắc Texas, đã nghiên cứu nhiều về các băng đảng môtô, cho biết thêm rằng nỗi nhớ về không khí trong quân ngũ và tình đồng đội cũng khiến nhiều cựu chiến binh thích tụ tập bên nhau.

Những dấu hiệu bất ổn nhanh chóng xuất hiện từ trước khi có bất kỳ băng môtô nào thành lập. Trong ngày 4/7 (Quốc khánh Mỹ) năm 1947, khoảng 4.000 người lái môtô đã tràn ngập thị trấn Hollister, California và tiến hành các hoạt động phá hoại.

Băng Hells Angels được thành lập một năm sau đó. Cuốn sách của Thompson viết về băng Angels vào năm 1966 được xuất bản khi băng này đang mở rộng trên khắp nước Mỹ, gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ, thường là tiêu cực về các hành vi xấu của băng.

Hells Angels có thể là băng đảng môtô đầu tiên, nhưng không phải duy nhất. Nhiều băng đã theo chân Hells Angels mọc lên như nấm trên khắp đất Mỹ, tìm cách tạo dựng hình ảnh một lực lượng ngạo nghễ đứng ngoài vòng pháp luật Mỹ, thể hiện ngay từ tên gọi: Outlaws (Những kẻ nổi loạn), Warlocks (Các phù thủy), Mongols và Bandidos.


Cảnh sát Mỹ canh gác các thành viên băng đảng môtô sau vụ xả súng

Biến thành những băng tội phạm dữ dằn

Băng Bandidos hình thành gần 20 năm sau Hells Angels, nhưng nhanh chóng đi vào quỹ đạo đối đầu. Theo “lịch sử chính thức” của Bandidos, sáng lập băng này là Donald Chambers đã không ưa các băng khác. Ông ta thành lập Bandidos vào tháng 3/1966, khi mới 36 tuổi và đang làm việc tại Houston.

Ông ta đặt tên băng là Bandidos, để tưởng nhớ những tên kẻ cướp Mexico, không thích sống theo luật lệ của ai, trừ luật của chính chúng. Chambers bắt đầu tuyển rất nhiều thành viên, không chỉ ở Houston mà còn tại nhiều quán bar của dân chơi môtô ở hàng loạt thành phố Mỹ.

Nhưng khi Hells Angels và Bandidos mở rộng quy mô, 2 băng này đã chuyển từ các CLB phản văn hóa thành các nhóm tội phạm có tổ chức. “Khao khát thống trị những băng đối địch đã làm giảm các giá trị nòng cốt trong nhiều băng môtô, khiến chúng dựa nhiều hơn vào hoạt động của tội phạm có tổ chức” - Quinn viết – “Nhưng khi tình trạng bạo lực tăng lên, các hành vi của băng đảng môtô đã không còn che giấu được nhờ luật im lặng. Chỉ tới khi ấy, nhà chức trách mới thực sự coi các băng này là thách thức lớn.”

Tới cuối những năm 1970, nhà chức trách Mỹ bắt đầu phát hiện sự dính líu của nhiều băng môtô trong hoạt động buôn ma túy, trộm cắp, tống tiền, điều hành gái mại dâm. Chambers bị bắt vào năm 1972 do giết 2 kẻ buôn ma túy ở El Paso. Cảnh sát nói rằng trước khi sát hại những gã này, Chambers đã bắt chúng tự đào huyệt cho mình.

Việc cảnh sát bắt giữ, tống giam Chambers và nhiều thủ lĩnh như gã đã tạo ra giai đoạn các băng môtô củng cố lực lượng. Một thế hệ lãnh đạo thứ 2 đã thu hẹp quy mô bạo lực, tập trung kiếm lời thông qua buôn ma túy và các hoạt động phạm tội khác.

Những vụ đổ máu không ngớt

Tới những năm 1980, cả Bandidos và Hells Angels đều thành các nhóm tội phạm quốc tế. Hoạt động bạo lực theo đó bùng nổ trở lại. Năm 1984, một vụ nổ súng đã diễn ra giữa Bandidos và băng Comancheros, làm 7 người chết, 28 người bị thương tại Milperra, Australia.

Giữa những năm 1990, cuộc đại chiến dài 3 năm giữa Bandidos và Hells Angels xảy ra ở vùng Scandinavia, đã làm ít nhất 12 người chết và gần 100 người bị thương. Cuộc chiến khiến người ta sửng sốt trước hỏa lực của các băng tội phạm, khi chúng sử dụng nhiều súng tự động, vũ khí quân sự với sức công phá mạnh.

2 băng tiếp tục đối đầu ở Canada trong những năm 1990 và 2000, làm 150 người thiệt mạng. Cuộc xung đột chỉ tạm chấm dứt sau tháng 4/2006, khi nhà chức trách tìm thấy xác 8 thành viên Bandidos ở một cánh đồng gần Toronto.

Steve Cook, một viên cảnh sát chìm hoạt động trong một băng môtô có liên quan tới Bandidos, cho Washington Post biết rằng vụ nổ súng mới xảy ra do một băng môtô nhỏ hơn có tên Cossack, được sự ủng hộ của băng Angels, đã thách thức quyền lực của Bandidos ở Texas.

Theo Cook, phần lớn người Mỹ chưa nhìn nhận nghiêm túc các băng tội phạm môtô vì người ta vẫn thích lãng mạn hóa chúng. Ông hy vọng vụ nổ súng vừa qua sẽ thay đổi nhận thức dư luận. “Có lẽ đã tới lúc để cảnh sát và công chúng tháo bịt mắt và nhận ra những kẻ đó thực sự là ai” – ông nói – “Chúng chỉ là tội phạm mà thôi”.

Theo lời viên cảnh sát chìm Steve Cook, tội phạm môtô là những kẻ đạo đức giả. “Chúng liên quan tới buôn bán ma túy đá, cần sa, cocaine, trộm cắp xe máy. Nhưng bên ngoài, chúng lại cố chứng tỏ rằng mình chỉ là những người mê môtô thuần túy” – Cook nói.

Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm