Máy bay Solar Impulse bay liền 26h, không dùng một giọt xăng

09/07/2010 11:00 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Ngày 8/7, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới mang tên Solar Impulse đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Payerne, bang Vaud, Thụy Sĩ sau chuyến bay kéo dài hơn một ngày trời. Điều đáng chú ý là Solar Impulse đã có thể bay suốt đêm nhờ vào năng lượng mặt trời thu được khi bay vào ban ngày.

Bay cao nhất và lâu nhất

Chiếc máy bay có đôi cánh dài như một chiếc tàu lượn từ từ lượn vòng, hạ thấp độ cao rồi chạm bánh xuống sân bay Payerne, cách Tây Nam thủ đô Thụy Sĩ khoảng 50km. Từ trong khoang lái, phi công Andre Borschberg xuất hiện, tay ông nắm chặt và vươn lên cao, biểu tượng cho sự chiến thắng.

Đó là 9 giờ sáng ngày 8/7, một thời khắc lịch sử bởi chiếc Solar Impulse do Borschberg lái đã bay liên tục trong 26 giờ và 9 phút mà không cần sử dụng tới một giọt xăng. Thay vì thế, nó sử dụng năng lượng mặt trời.


Chiếc Solar Impulse cất cánh
“Tôi đã lái máy bay trong suốt 40 năm qua nhưng chuyến bay này là kỳ lạ nhất trong sự nghiệp bay lượn của tôi... Tôi đã bay liền 26 giờ đồng hồ mà không dùng chút nhiên liệu nào và cũng chẳng gây ra một sự ô nhiễm nào” - Borschberg, 57 tuổi, cựu phi công thuộc Không quân Thụy Sĩ, thổ lộ với báo giới.

Bertrand Piccard, chủ tịch dự án Solar Impulse cho biết thành công của chuyến bay cho thấy tiềm năng của năng lượng có thể thay thế và các công nghệ năng lượng sạch. “Chúng ta đang ở bên lề của một chuyến bay không có điểm dừng” - ông nói. Borschberg vẫn không ngừng phấn khích khi tuyên bố với hãng tin Reuters: “Thật không thể tin được, thành công vượt ngoài sự mong đợi. Chúng tôi đều nghĩ tới việc cho máy bay bay lâu hơn nhưng chúng tôi đã trình diễn được điều mình muốn nên tôi đã trở về mặt đất”. Được biết trong quá trình thử nghiệm, Solar Impulse đạt được vận tốc cực đại 125km/h và có tốc độ hành trình khoảng 42km/h. Chiếc máy bay đạt độ cao tối đa 8.564m trên mực nước biển.

Hành trình của một giấc mơ

Cần biết rằng máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời đã xuất hiện kể từ những năm 1970 và chiếc Solar Challenger bay qua eo biển Manche hồi năm1981. Từ thời điểm đó, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các nhà thầu quốc phòng đã nghiên cứu nhiều loại máy bay không người lái chạy năng lượng mặt trời. Tuy nhiên hoạt động của họ vấp phải nhiều thất bại, nhất là khi chiếc Helios đâm xuống Thái Bình Dương năm 2003. Năm 2004, SoLong, chiếc máy bay năng lượng mặt trời cỡ nhỏ cũng chỉ ở trên không được có 24 giờ trên sa mạc Mojave, California, rồi phải hạ cánh vì hết điện.

Bởi vậy, với việc hạ cánh an toàn, ngoài danh hiệu chiếc máy bay “xanh” nhất thế giới, Solar Impulse còn nắm giữ kỷ lục là chiếc máy bay dùng quang năng bay cao nhất và lâu nhất.

Sẽ bay vòng quanh trái đất vào năm 2012

Thai nghén kể từ năm 1999, Solar Impulse đã được nghiên cứu bởi một đội ngũ gồm 60 nhà khoa học trong một dự án lên tới 98 triệu USD, với vốn do công ty hóa chất Bỉ Solvay SA, công ty sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ Omega và tập đoàn ngân hàng Đức Deutsche Bank cung cấp. Dự án Solar Impulse cũng nhận được sự hậu thuẫn của tập đoàn Dassault Aviation, Pháp, Cơ quan Hàng không vũ trụ châu Âu (ESA).

Về cơ bản, Solar Impulse có sải cánh dài tới 80m, bằng sải cánh của một chiếc Airbus A340, nhưng trọng lượng chỉ chưa đầy 2 tấn, ngang với một chiếc xe hơi, và động cơ có sức mạnh bằng một chiếc xe máy. Chuyến bay đêm đầu tiên diễn ra sau khi Solar Impulse đã hoàn thành hàng loạt thử nghiệm để xác định sức mạnh của 12.000pin quang điện monocrystalline silicon gắn trên đôi cánh. Các pin này cung cấp năng lượng cho 4 động cơ máy bay, mỗi chiếc 10 mã lực, đủ sức nâng chiếc Solar Impulse lên khỏi mặt đất và sạc khối pin lithium polymer nặng 400kg dùng cho việc bay đêm. Trong suốt giai đoạn thử nghiệm, nhóm chế tạo Solar Impulse còn xem xét khả năng chịu lực của phần khung chiếc máy bay siêu nhẹ làm từ sợi carbon để đảm bảo nó có thể bay cao, bay xa mà không bị sự cố.

Trong chuyến bay thử nghiệm, điều các kỹ sư lo lắng nhất là liệu khối pin lithium polymer có đủ sức để cung cấp điện cho các động cơ hay không. Tuy nhiên với việc hạ cánh an toàn hôm 8/7, Borschberg cho thấy những lo lắng đã trở nên thừa. Được biết, mẫu Solar Impulse hiện nay mang mã HB-SIA và là phiên bản thử nghiệm cho chiếc máy bay dùng quang năng sẽ bay vòng quanh trái đất vào năm 2012. Theo ông Piccard, mục tiêu tiếp theo của nhóm thử nghiệm là băng qua Đại Tây Dương bằng mẫu Solar Impulse thứ hai, sẽ được sớm sản xuất trong thời gian tới.

Gia Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm