Nước Mỹ chia rẽ xung quanh vụ một người da đen bị giết

16/07/2013 07:51 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/7, người Mỹ trên nhiều thành phố đã xuống đường biểu tình nhân sự kiện một nhân viên dân phòng da trắng vừa được xóa bỏ mọi tội trạng, dù nổ súng bắn chết một thiếu niên da đen. Phiên tòa và phản ứng của dư luận xung quanh nó đã một lần nữa cho thấy vấn đề chủng tộc vẫn hết sức nhức nhối ở Mỹ.

Người ủng hộ nạn nhân Trayvon Martin đã đánh dấu ngày đầu tiên George Zimmerman được tha bổng, bằng cách xuống đường tổ chức biểu tình ở Los Angeles, New York và nhiều nơi khác.

Biểu tình rầm rộ ở New York chống lại quyết định liên quan tới Zimmerman

Không ít người chống

Người biểu tình cũng xuất hiện trên các chương trình đàm thoại qua truyền thanh, trên mạng xã hội để thể hiện sự phẫn nộ. George Zimmerman không có tội? Với những người biểu tình, điều này thật khó chấp nhận. "Chỉ có người da trắng được bảo vệ ở nước Mỹ này" - một người biểu tình tại Washington hét lên trong ngày 14/7.

Tại Washington, người biểu tình hô vang "Không có công lý, không có sự yên ổn" và "Trayvon đã bị giết" . Tại New York, người biểu tình đã đi dọc theo khu Manhattan và lấp đầy Quảng trường Thời đại.

Ở Los Angeles, hoạt động biểu tình đã hơi nghiêng về hướng bạo lực. Một số người biểu tình ném pin đèn, gạch đá về phía cảnh sát. Phát ngôn viên cảnh sát Los Angeles Andrew Smith nói rằng họ đã phản ứng bằng cách bắn đạn cao su và bắt giữ 9 người.

Các cuộc biểu tình như thế đã thu hút nhiều người từ các chủng tộc khác nhau ở Mỹ tham gia. Nhưng họ đều có chung một niềm tin: Cái chết của Martin hình thành từ sự phân biệt chủng tộc và việc Zimmerman được tha tội là khó chấp nhận.

Luật sư đại diện cho gia đình Martin là Benjamin Crump hôm 15/7 đã kêu gọi mở lại cuộc điều tra về vụ việc. Ông nói rằng Zimmerman đã có quan điểm phân biệt chủng tộc nhằm vào Martin và coi cậu bé là kẻ xấu chỉ bởi có ngoại hình giống một số thanh niên người Mỹ gốc Phi phạm tội ở địa phương.

Cũng lắm kẻ bênh

Nhưng không phải ai ở Mỹ cũng tin rằng Martin là nạn nhân và phán quyết của tòa là sai. Vẫn có một số lượng không nhỏ người ủng hộ Zimmerman và ăn mừng phán quyết của tòa. Họ còn mở trang "George Zimmerman vô tội" trên mạng xã hội Facebook, bán áo phông có hình gương mặt của nhân vật này và tải lên các thông điệp động viên.

"Ơn Chúa, hội đồng xét xử đã làm đúng và tuyên bố George không có tội" - người dùng Facebook Pete Habel viết lên trang trên trong ngày 15/7. Người khác tên Ben Biller viết: "Nếu  Zimmerman là người da đen, liệu người ta có phản ứng như thế này không?".

Trên mạng xã hội Twitter, người dùng ElDonJuanDiaz viết: "George Zimmerman là anh hùng dân tộc. Các vị, những kẻ theo đường lối tự do và những người da đen nhìn ai cũng giống như kẻ phân biệt chủng tộc, cứ việc kêu gào tùy thích".

Bạn của Zimmerman là Jorge Rodriguez nói rằng anh luôn tin vào việc nhân viên dân phòng này sẽ được xóa tội. "Chỉ bởi anh ấy mang cái họ da trắng và có một thiếu niên da đen bị chết, người ta lập tức quy kết vụ việc vào cái khung phân biệt chủng tộc. Đây không phải là chuyện phân biệt chủng tộc. Đây chỉ là một tình huống tồi tệ đã xảy ra" - anh nói.

Tổng thống Barack Obama đã phải lên tiếng kêu gọi người dân bình tĩnh. Ông thừa nhận vụ việc đã khuấy lên những cảm xúc mạnh mẽ. "Tôi yêu cầu người dân Mỹ hãy tôn trọng lời kêu gọi bình tĩnh từ các vị phụ huynh đã mất đi đứa con trai bé bỏng của họ. Và khi làm như thế, chúng ta hãy tự hỏi liệu mình có thể làm gì hơn để mở rộng vòng tròn cảm thông và thấu hiểu trong các cộng đồng của mình. Chúng ta nên tự hỏi xem mình có thể làm gì để ngăn chặn làn sóng bạo lực do súng gây ra, đã cướp đi vô số mạng sống trên đất nước này mỗi ngày" - Obama nói. 


Zimmerman tươi tỉnh sau khi nghe tòa tuyên bố xóa bỏ tội danh chống bản thân

Sẽ tiếp tục kiện?

Zimmerman hiện đã tránh không xuất hiện sau khi hội đồng xét xử gồm 6 thành viên xóa cho gã tội danh giết người trong ngày 14/7. Gia đình Martin cũng không lên tiếng sau một số phản ứng ban đầu với phán quyết của tòa trên mạng xã hội Twitter. "Cảm ơn mọi người vì đã ở bên chúng tôi và sẽ ở bên chúng tôi để đảm bảo chuyện này không xảy ra thêm một lần nữa" - cha của Martin là Tracy Martin viết.

Một số thành viên Quốc hội và Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu đã kêu gọi Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục theo đuổi vụ kiện dân sự chống lại Zimmerman. Bộ Tư pháp phản ứng bằng tuyên bố họ đang điều tra vụ việc. Gia đình Martin đã không phủ nhận khả năng sẽ tiếp tục khởi kiện dân sự chống lại Zimmerman.

"Họ muốn thấy công lý được thực thi. Họ không muốn con mình sẽ chết một cách vô nghĩa" - luật sư của gia đình Martin, ông Benjamin Crump tuyên bố.

Tường Linh (theo LA Times)
Thể thao & Văn hóa

Tóm tắt vụ án

Vụ án mạng liên quan tới Zimmerman xảy ra trong đêm 26/2/2012. Đó là khi Trayvon Martin đang trở lại nhà vị hôn thê của cha đẻ, sau khi tới một cửa hàng tạp hóa ở Sanford, Florida, để mua kẹo.

Zimmerman, thành viên dân phòng tình nguyện, đã phát hiện cậu bé và nghi ngờ cậu làm chuyện mờ ám nên gọi cảnh sát. Một nhân viên trực đường dây khẩn cấp 911 nói với Zimmerman rằng cảnh sát đang tới hiện trường và anh ta không được đi theo Martin. Nhưng Zimmerman vẫn ra khỏi xe, bám theo Martin. Anh ta giải thích rằng mình làm thế vì không muốn mất dấu "nghi phạm".

Không lâu sau đó, Zimmerman và Martin đã đánh nhau, với kết cục là Martin bị bắn chết. Ban đầu chính quyền Florida không bắt giữ Zimmerman và việc này gây phản ứng dữ dội bởi Zimmerman là người da trắng còn Martin là người da đen. Các cuộc biểu tình đòi bắt Zimmerman đã nổ ra trên khắp nước Mỹ. Ngay cả Obama cũng nhảy vào cuộc, nói rằng vụ bắn chết Martin khiến nước Mỹ phải tự vấn lương tâm. Cộng đồng người da đen đã nghĩ rằng công lý sẽ được thực thi khi Zimmerman bị khởi tố với tội danh giết người vào ngày 11/4/2012. Nhưng rồi chuyện đã không diễn ra như họ mong đợi.


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm