29/03/2025 06:34 GMT+7 | Văn hoá
Khi đại văn hào người Pháp Victor Hugo qua đời vào năm 1885, ông không chỉ để lại những tác phẩm văn chương bất hủ mà cả những bức vẽ từng khiến Vincent van Gogh phải thốt lên là "đáng kinh ngạc".
Để tôn vinh những tác phẩm thị giác này, triển lãm Astonishing Things: The Drawings of Victor Hugo (Những điều đáng kinh ngạc: Những bức vẽ của Victor Hugo), do Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh tổ chức tại London, đang mở cửa đón khách từ 21/3 tới 29/6/2025.
Vẽ như một cách suy nghĩ và thể hiện bản thân
Juliette Drouet, người tình của Victor Hugo trong nửa thế kỷ, đã tìm được niềm an ủi lớn lao trong những bức vẽ của ông. Như bà đã viết trong một lá thư gửi Hugo năm 1847: "Trong khi chờ đợi khoảnh khắc hạnh phúc, em đã nhìn vào loạt tranh vẽ tuyệt đẹp mà anh vẽ tại nhà em và em thật sự há hốc miệng và mở to mắt như Cổng Saint-Denis".
Đại văn hào Victor Hugo
Triển lãm mới của Viện Hàn lâm Hoàng gia về các bức vẽ và tác phẩm nghệ thuật khác của Hugo cũng thật sự là sự kiện mở mang tầm mắt và gây sửng sốt.
Là người sáng tạo ra các nhân vật văn học đã trở nên bất tử - như Jean Valjean và thanh tra Javert trong Những người khốn khổ, Quasimodo trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà - Hugo ngày nay vẫn hiện diện rất lớn trong tư cách một tiểu thuyết gia. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng ông còn là nghệ sĩ thị giác có sức ảnh hưởng lớn.
Rất ít bức vẽ của Hugo được triển lãm khi ông còn sống, nhưng có lẽ độc giả sẽ không ngạc nhiên khi biết về tài năng này: Khiếu hội họa của Hugo thể hiện rõ trong chính tác phẩm văn học của ông. Vincent van Gogh nói rằng sau khi đọc Những người khốn khổ, phong cảnh xung quanh bắt đầu khiến ông cảm thấy giống như đang sống trong "một trang sách của Hugo". Miêu tả của danh họa người Hà Lan, trong thư gửi em trai mình, về "những điều đáng kinh ngạc" trong tranh của Hugo, đã cung cấp tiêu đề cho triển lãm mới, do Sarah Lea của Viện Hàn lâm Hoàng gia giám tuyển.
Tranh vẽ bạch tuộc của Victor Hugo, dùng để minh họa cho cuốn “Lao động biển cả”
Đối với Lea, những bức vẽ của Hugo "thực sự là những thứ phi thường nhất khi ta nhìn thấy chúng trực tiếp. Sau khi các bức vẽ được trưng bày, chúng phải được giữ trong bóng tối ít nhất 5 năm, vì mực và giấy rất dễ bị ánh sáng làm hỏng".
Nhiều bức vẽ trong triển lãm lần này được cho mượn từ Maisons Victor Hugo - đơn vị quản lý bảo tàng đặt tại ngôi nhà cũ của Hugo ở Paris, cũng như Hauteville House ở Guernsey - nơi ông sống lưu vong trong 14 năm kể từ năm 1856.
Những hiện vật khác đến từ Bibliotheque nationale de France, trong khi một số ít bức vẽ của Hugo thuộc các bộ sưu tập của Anh - do bảo tàng Anh và thư viện John Rylands ở Manchester lưu giữ - cũng được cho mượn.
Tổng cộng, có hơn 70 bức vẽ trong triển lãm, trải dài ở nhiều phong cách và giai đoạn. Nhưng đây mới chỉ là một phần rất nhỏ trong số hơn 4.000 bức vẽ được biết đến.
"Ông ấy đã giữ lại tất cả những bản phác thảo thường rất ít ỏi này, thực sự là những mảnh vụn. Rõ ràng là chúng có ý nghĩa đối với ông" - theo Lea. Lea cũng nhận xét rằng "tranh của ông thật sự là một cách suy nghĩ và thể hiện bản thân" khi ông không theo bất kỳ phong cách hay trường phái nào.
“Thị trấn Vianden nhìn qua mạng nhện” do Hugo vẽ năm 1871
Nhiều người có thể nghĩ rằng một nghệ sĩ tài năng như Hugo sẽ minh họa cho tác phẩm hư cấu của mình, giống những đồng nghiệp đương thời người Anh của ông như Thackeray - một "họa sĩ" kém cỏi hơn nhiều, người khăng khăng cung cấp những bức vẽ vụng về của riêng mình để đi kèm với Hội chợ phù hoa và các cuốn sách khác. Nhưng thực tế, trong hầu hết sự nghiệp của mình, Hugo hài lòng khi để các họa sĩ khác vẽ minh họa cho tiểu thuyết của mình.
Tuy nhiên, tác giả người Anh Graham Robb - người viết tiểu sử về Hugo, được các nhà phê bình người Pháp khen ngợi - cho rằng "nhiều bức vẽ trông giống như chúng có thể là minh họa cho tiểu thuyết và thơ của ông".
Hugo có thể vẽ với bất cứ thứ gì trong tầm tay: Bã cà phê, bồ hóng và kem đánh răng, tất cả đều được dùng thay cho mực.
Bản năng và trực quan
Victor Hugo kết bạn với nhiều nghệ sĩ khi ông sớm nổi tiếng ở độ tuổi đôi mươi. Ông từng được họa sĩ lừng danh Eugene Delacroix thiết kế một số bối cảnh cho những vở kịch đầu tay của mình. Nhưng trong nhiều năm, dù thích vẽ biếm họa, ông không có ý định nghiêm túc vẽ.
Vào giữa độ tuổi 30, ông bắt đầu một loạt các chuyến đi đến khu vực Rhineland, một phần để kiếm tiền từ sở thích viết du ký, một phần để dành thời gian cho người tình Drouet. Ông bắt đầu phác họa những cảnh quan mà ông gặp ở đó, với con mắt đặc biệt tinh tường về các lâu đài thời trung cổ (Hugo là nhà nghiên cứu nhiệt thành về thời trung cổ và đã khơi dậy sự quan tâm trở lại đối với kiến trúc gothic bằng tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà).
Cái chết của con gái ông là Leopoldine vào năm 1843 khiến ông quá đau buồn, không thiết du lịch. Thế là, ông bắt đầu dành nhiều thời gian hơn để vẽ tại nhà của Drouet, hoặc là chỉnh sửa lại các bản phác thảo về Rhineland hoặc là sáng tạo ra các tòa nhà và tượng đài của riêng mình.
Cây nấm siêu thực của Victor Hugo
Các tác phẩm khác trong giai đoạn này thực sự mang tính siêu thực. Năm 1850, 1 năm trước khi buộc phải rời Pháp do phản đối Napoleon III, Hugo đã tạo ra bức tranh phi thường về cây nấm khổng lồ có khuôn mặt người hiện rõ trên thân cây, đứng giữa quang cảnh hoang vắng.
"Tôi nghĩ có lẽ đó là lời bình luận về môi trường. Hugo được coi là nhà môi trường thời đầu" - theo trợ lý giám tuyển Rose Thompson - "Hoặc có lẽ nó liên quan đến nỗi thống khổ chính trị mà ông cảm thấy ở Paris vào thời điểm đó".
Từ chối lời đề nghị ân xá của Napoleon III vào năm 1859, Hugo đã không trở về Pháp cho đến năm 1870. Ông dành thời gian ở Hauteville House, viết không ngừng nghỉ - và vẽ.
Khi được hỏi liệu Hugo có coi vẽ là một hình thức thư giãn, tác giả Robb đáp: "Tôi nghĩ đó là một dạng chiêm nghiệm hơn, có lẽ trái ngược với sự thư giãn. Đó là chiêm nghiệm về sự kết nối trong vũ trụ, nơi mọi vật đều có tinh thần và tâm hồn; và khía cạnh sùng tín khi đặt số phận vào bàn tay của vận may rủi, cho phép các thế lực vũ trụ tác động vào công việc của mình".
Bức “Lâu đài cùng thiên thần” do Hugo vẽ năm 1863
Sự ngẫu nhiên cũng đóng vai trò ngày càng lớn trong các tác phẩm của Hugo: Ông sẽ nhuộm các mảnh giấy bằng mực và tạo hình từ các vết bẩn. Ông cũng có thể vẽ với bất cứ thứ gì trong tầm tay: Bã cà phê, bồ hóng và kem đánh răng, tất cả đều được dùng thay cho mực.
Phải đến năm 1888, tức 3 năm sau khi Hugo mất, triển lãm đầu tiên về tranh vẽ của ông mới được thực hiện. Tài năng ở khía cạnh này của ông lập tức nhận được sự công nhận rộng rãi.
"Từ cuộc triển lãm đó trở đi, ta có thêm những người quan tâm đến các khía cạnh thơ mộng và huyền bí hơn trong các bức vẽ của ông" - Lea lưu ý - "Ngày nay, những người hâm mộ ông bao gồm Antony Gormley và Tacita Dean - 2 nghệ sĩ rất khác nhau nhưng đều đánh giá cao cách làm việc rất bản năng và trực quan của ông".
Cuối cùng, Lea coi các bức vẽ của Hugo như thể hiện một phần của chính ông mà ông không thể trút bỏ trong các tác phẩm văn chương của mình.
"Đối với tôi, thường có một sự đe dọa hoặc bạo lực ngầm ở ông, ngay cả trong những bức vẽ lãng mạn về lâu đài" - theo Lea - "Ông đã sống qua thời kỳ rất bạo lực. Và nếu trong tiểu thuyết của ông tràn ngập thông điệp là về hy vọng và niềm tin vào nhân loại, thì có lẽ những bức vẽ là nơi ông có thể khám phá khía cạnh đen tối hơn về bản chất con người, bao gồm cả bản chất của chính mình".
Tự minh họa duy nhất 1 tiểu thuyết
Khi còn sống, Hugo chỉ đồng ý tự minh họa cho 1 trong những tiểu thuyết của mình là Lao động biển cả (1866). Triển lãm lần này bao gồm bức vẽ con bạch tuộc sát thủ trong cuốn sách đó. Nhưng về cơ bản, đây không đơn thuần là tranh minh họa. Nó vẫn giống một hoạt động riêng tư của Hugo hơn, chứa đựng cảm giác mạnh mẽ về thần thoại và cá nhân.
Cũng giống như cách Hugo tính toán ngày mình được tạo thành trong bụng mẹ - 24/6/1801 - và sử dụng con số24.6.01 đó làm số tù của Jean Valjean trong tác phẩm Những người khốn khổ, ông thường giấu tên hoặc chữ cái viết tắt tên mình trong các bức vẽ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất