26/06/2015 06:02 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bạn là một bậc thầy làm giả tác phẩm nghệ thuật, kiếm được món hời từ các loại tranh, tượng giả và mong muốn kéo dài cuộc sống sung túc, có một lời khuyên dành cho bạn là đừng nên sắm một chiếc tàu ngầm khổng lồ hay khoe khoang về những món đồ nội thất trị giá 700.000 USD trên tờ New York Times.
Những hành động như thế dễ khiến người khác sinh nghi, rằng bạn khó có thể kiếm nhiều tiền tới vậy nếu không làm điều gì đó phi pháp.
Tâm lý mong bị cảnh sát tóm cổ
Tay làm giả tranh John D. Re đã phạm các sai lầm nêu trên, dẫn tới việc bị bắt và gần đây bị kết án do phạm tội lừa đảo, làm giả và bán hàng chục bức tranh "rởm" từ năm 2005.
Những tác phẩm giả, được D. Re rêu rao là của các danh họa Willem de Kooning và Jackson Pollock, đã mang về cho ông này số tiền tới 1,9 triệu USD. Có ít nhất 5 người từng mua ít nhất 70 bức tranh giả từ D. Re, kể từ tháng 3/2005. Một nhà sưu tập đã mua 58 bức, với tổng số tiền lên tới 519.890 USD và một người khác mua 12 bức với giá 894.500 USD.
Nhưng khi sập bẫy của D. Re, họ phải tự trách mình trước. Lẽ ra họ nên hỏi kỹ thông tin hơn và chỉ mua tranh khi có những giấy tờ chứng thực rõ ràng nguồn gốc tác phẩm. Lẽ ra họ cũng nên điều tra về D. Re, kẻ từng bị bắt vào năm 1995 vì điều hành một tổ chức làm tiền giả. Rõ ràng, đây không phải mẫu người đáng tin cậy.
Tương tự, các nạn nhân cũng nên đặt câu hỏi về giá cả của các bức tranh. Việc D. Re kiếm được 1,9 triệu USD bằng cách bán tranh giả mạo nghe có vẻ là một số tiền lớn, nhưng thực ra không thấm vào đâu so với giá trị của các tác phẩm, nếu chúng là hàng thật.
Như bức Số 5 của Pollock là tác phẩm nghệ thuật đắt tiền thứ hai từng được đem bán, với giá 165,4 triệu USD, trong khi Woman III của de Kooning đứng thứ ba, với 162,4 triệu USD. Cả hai tác phẩm này đều nằm trong kho tranh giả của D. Re. Việc ông này bán được chúng cho thấy một sự ngây thơ của người mua, khi nghĩ rằng những tác phẩm có giá thấp như thế có thể là hàng thật.
D. Re có thể đã không bị lộ tẩy nếu không mua một chiếc tàu ngầm và khoe ra sự giàu có của mình. Một nạn nhân, cảm thấy bất an khi nghe kể về màn "chơi trội" của D. Re, đã gửi một bức tranh Pollock rởm đi xác minh và nhận được kết quả là tác phẩm chứa những màu vẽ chưa ra đời dưới thời họa sĩ còn sống.
Tá hỏa, người này đã cho giám định toàn bộ tranh được mua từ D. Re và nhận được kết quả rằng không bức nào trong số chúng là hàng thật. Có thể D. Re đã mắc lỗi khi dùng màu vẽ thời hiện đại để làm tranh giả. Nhưng cũng có khả năng ông ta cố tình dùng chúng, để người ta phát hiện việc họ đã mua phải tranh giả.
Nếu đúng D. Re có mục đích đó, câu hỏi được đặt ra là vì sao ông ta lại muốn người ta phát hiện ra trò giả mạo của mình ?
Sự trả thù ngọt ngào nhằm vào giới chuyên gia
Giới quan sát nói rằng phần lớn các tay giả tranh đều không thành công trên con đường trở thành những nghệ sĩ thực sự. Các tác phẩm gốc của họ không được giới nghệ thuật đón nhận. Kết quả là họ quay sang làm giả tranh, như một cách trả thù cộng đồng nghệ thuật, vì đã phủ nhận tài năng của mình.
Hoạt động làm giả ấy mang lại cảm giác được cống hiến nghệ thuật theo 2 cách. Một mặt, nếu sản phẩm được giới chuyên gia đánh giá là do các bậc thầy vĩ đại (như Picasso) vẽ ra, các tay giả mạo có thể tự huyễn hoặc rằng họ cũng tài giỏi như bậc thầy.
Mặt khác, những bậc thầy giả mạo còn chứng minh được sai lầm và sự xuẩn ngốc của những kẻ tự vỗ ngực nhận mình là chuyên gia, nhưng lại không thể phân biệt được đâu là tác phẩm nghệ thuật thật và giả.
Nhưng những điều nêu trên mới chỉ mang tới một nửa chiến thắng. Cụ thể hơn, đó là thứ chiến thắng mà các tay làm giả chỉ có thể tận hưởng một mình. Niềm vui trọn vẹn chỉ thực sự đến, khi họ bị bắt và lên tiếng thừa nhận hành vi gian lận của mình.
Đó là lúc công chúng biết tới họ, ca ngợi công khai tài năng của họ. Điều này diễn ra, bởi công chúng vẫn dành nhiều tình cảm cho những kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật, coi họ là những nghệ sĩ có tài nhưng kỳ quặc, hơn là những kẻ phạm tội.
Công bằng mà nói thì những kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật ít tội lỗi hơn các tay trộm, cướp tác phẩm nghệ thuật. Vì thường không "chơi" với tội phạm có tổ chức, những người làm giả nghệ thuật hiếm khi gây hại cho kẻ khác, ngoài nạn nhân trực tiếp của họ, thường là các nhà sưu tập nghệ thuật giàu có.
Do tội lỗi tương đối vô hại, cũng như tài năng thực sự của các tay làm giả tác phẩm nghệ thuật, công chúng dễ nhìn nhận họ như những người đáng khâm phục, kiểu anh hùng giang hồ như Robin Hood.
Thành công chỉ đến sau khi bị bắt
Trớ trêu là vài bậc thầy làm giả tác phẩm nghệ thuật đã trở nên giàu có và nổi tiếng, chỉ sau khi họ chấp hành án phạt tù. Điển hình là Wolfgang Beltracchi, một diễn giả được săn đón nhiệt tình với cuốn hồi ký viết về hoạt động làm giả tranh đã bán rất chạy.
Ngoài ra còn phải kể tới John Myatt, người sở hữu chuyên mục riêng trên kênh Sky Arts, nơi ông "truyền nghề" cho lớp họa sĩ nghiệp dư về các chiêu thức mô phỏng tranh của những họa sĩ bậc thầy.
Dù đối mặt với khả năng lĩnh hình phạt nghiêm khắc, không ít kẻ làm giả tác phẩm nghệ thuật chẳng ngần ngại khi bước ra trước ánh sáng.
Họ thực ra chỉ đi theo bước chân của tiền nhân. Trước khi là nghệ sĩ bậc thầy, Michelangelo đã làm giả nhiều bức tượng La Mã cổ đại, cũng chỉ vì chúng bán chạy hơn các bức tượng ông tự sáng tác.
Bậc thầy làm giả tác phẩm nghệ thuật Ken Perenyi gần đây đã phát hành Caveat Emptor, một cuốn hồi ký khá thú vị, mô tả sự nghiệp làm hàng giả kéo dài suốt hai thập kỷ. Trước khi cuốn sách được xuất bản, ít ai biết đến ông. Nhưng sau đó, cái tên Ken Perenyi xuất hiện trên tờ New York Times, với tư cách một trong những bậc thầy vĩ đại nhất về làm giả tranh ở Mỹ.
Cho đến khi D. Re ra mắt hồi ký, hoặc thứ gì đó tương tự, chúng ta không thể biết liệu có phải ông ta có cố tình lộ tẩy danh tính hay không. Còn hiện tại, chắc chắn là D. Re rất hài lòng, vì đã lừa được kha khá nhà sưu tập giàu có.
Phan Vân Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất