27/04/2023 10:07 GMT+7 | Bóng đá Việt
Cách mà thầy trò HLV Hữu Thắng từng bị loại khỏi SEA Games cách đây 6 năm hoàn toàn có thể trở thành một bài học kinh nghiệm đắt giá với HLV Troussier trước khi bước vào giải đấu tại Campuchia.
"Vết xe đổ" thời HLV Hữu Thắng
Tại SEA Games 29 năm 2017, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hữu Thắng cũng nằm ở bảng "tử thần" cùng Thái Lan, Indonesia, Philippines, Campuchia và Timor Leste.
U22 Việt Nam đặt kỳ vọng rất cao vào chức vô địch do sở hữu dàn cầu thủ tài năng như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Hậu, Tiến Dũng… HLV Hữu Thắng cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cột mốc mới, lần đầu tiên đem về tấm HCV cho bóng đá nam Việt Nam.
Theo lịch thi đấu, U22 Việt Nam trải qua những thử thách từ dễ đến khó. Thầy trò HLV Hữu Thắng gặp 3 đội yếu trước khi đối đầu hai địch thủ xứng tầm là Indonesia và Thái Lan ở những lượt cuối vòng bảng.
Trong 3 trận đầu, U22 Việt Nam dễ dàng "đè bẹp" Timor Leste 4-0, Campuchia 4-1, Philippines 4-0, đứng đầu bảng với 10 điểm và hiệu số tới +11, nắm cơ hội lớn nhất trong cuộc đua vào bán kết.
Thế nhưng, khi phải chạm trán những đối thủ thực sự, những điểm yếu của U22 Việt Nam lập tức bị phơi bày. Các học trò của HLV Hữu Thắng bế tắc trong việc ghi bàn, để Indonesia cầm hòa 0-0. Đến lượt cuối mang tính quyết định, dù chỉ cần hòa Thái Lan là sẽ vào bán kết, nhưng ác mộng đã xảy đến khi thầy trò HLV Hữu Thắng đại bại trước người Thái tới 3 bàn không gỡ dẫn tới bị loại sớm đầy cay đắng. Đó là trận đấu mà một số cầu thủ đã mắc sai lầm cá nhân, điển hình là thủ môn Phí Minh Long, hay "tội đồ" sút hỏng phạt đền Công Phượng.
Ngay sau trận thua tan nát trước Thái Lan rồi bị loại, HLV Hữu Thắng đứng ra nhận hết mọi trách nhiệm rồi tuyên bố sẽ từ chức ngay trong buổi họp báo. Sau đó, quyết định từ chức của nhà cầm quân người Hà Tĩnh cũng được sự chấp thuận từ các ủy viên BCH của VFF.
Việc U22 Việt Nam bất lực trước Indonesia và đại bại trước Thái Lan thực tế không hẳn xuất phát từ những sai lầm cá nhân mà đó là hệ quả đến từ những "tử huyệt" của toàn đội, gói gọn trong hai yếu tố nổi bật, dễ nhận ra nhất đó là thể lực và tâm lý.
Một số người hâm mộ có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu nếu Hồ Tuấn Tài không bỏ lỡ cơ hội và dứt điểm tung lưới Indonesia, nếu Phí Minh Long không mắc lỗi, hoặc nếu Công Phượng sút thành công quả 11m… số phận của U22 Việt Nam có thể sẽ khác. Tuy nhiên, những sai lầm đó chỉ là hiện tượng, còn bản chất dẫn tới thất bại vẫn là những vấn đề về thể lực và tâm lý của các cầu thủ mà điều đó có vài trò lớn của HLV Hữu Thắng.
Bài học với thầy trò HLV Troussier
Giống như kỳ SEA Games năm 2017 thì năm nay, U22 Việt Nam cũng nằm ở bảng "tử thần" cùng Thái Lan, Malaysia. Toàn đội trải qua lịch thi đấu khá giống lần trước, với việc đối đầu các đội yếu như Lào, Singapore sau đó mới chạm trán Malaysia và cuối cùng là Thái Lan.
Hồi SEA Games 2017, thể lực là lý do quan trọng khiến U22 Việt Nam không hoàn thành mục tiêu trước Indonesia và Thái Lan. Khoảng 15-20 phút cuối trận, thể lực của các cầu thủ Việt Nam đi xuống thấy rõ. Chúng ta không còn khả năng tranh chấp quyết liệt với đối thủ như hiệp đầu tiên.
Thời điểm đó, tờ Siamsport của Thái Lan khi bình luận về thất bại của U22 Việt Nam cũng cho rằng thể lực là lý do quan trọng khiến thầy trò HLV Hữu Thắng bị loại sớm. Tờ báo hàng đầu Thái Lan hoàn toàn chính xác khi cho rằng sau trận vắt sức với Indonesia thì đa số các cầu thủ đá chính của Việt Nam đều sa sút thể lực thậm chí trụ cột ở tuyến giữa là Duy Mạnh dính chấn thương. Đó là lý do khiến Thái Lan chơi tốt hơn đến tận phút cuối cùng.
Rõ ràng, ban huấn luyện U22 Việt Nam thời điểm đó mà đứng đầu là HLV Hữu Thắng đã gặp vấn đề trong việc chuẩn bị về thể lực cho các cầu thủ.
Đáng lo, thể lực cũng chính là vấn đề mà U22 Việt Nam thời điểm hiện tại dưới trướng của HLV Troussier đang gặp phải. Điểm yếu này đã bị phơi bày khi U22 Việt Nam thi đấu ở giải giao hữu Doha Cup hồi tháng Ba, là nguyên nhân quan trọng khiến toàn đội thua cả 3 trận.
Ở những trận đấu vừa qua, sự xuống sức ở thời điểm khoảng nửa sau của hiệp hai khiến nhiều vị trí không còn duy trì được sự tập trung, trong khi hỏa lực tấn công cũng giảm đi đáng kể. Đây cũng là mối lo của HLV Troussier trước khi dự SEA Games 32.
Yếu tố thứ hai – tâm lý, cũng chính là điểm yếu rõ rệt của U22 Việt Nam tại kỳ SEA Games 2017. Chính HLV Hữu Thắng cũng thừa nhận: "Do tôi chưa làm được tốt công tác tư tưởng cho cầu thủ, để họ giữ được cái đầu lạnh trong những trận căng thẳng. Tôi không giúp họ giải toả được tinh thần sau trận hòa Indonesia, dẫn tới việc các cầu thủ nhập cuộc với tinh thần nặng nề".
Những sai lầm như của Minh Long hay Công Phượng đã cho thấy các cầu thủ thiếu bản lĩnh, đánh mất tự tin ra sao khi phải đối đầu với người Thái. Tờ Siamsport khi phân tích cũng cho rằng sự hạn chế về tâm lý đã khiến U22 Việt Nam không thể gượng dậy nổi sau khi nhận bàn thua.
Ở thời điểm hiện tại, yếu tố tâm lý cũng hoàn toàn có thể trở thành vấn đề đáng lo với các học trò của HLV Troussier. Toàn đội đang gặp áp lực phải bảo vệ HCV trong khi đội hình của U22 Việt Nam không chiếm ưu thế so với Thái Lan hay thậm chí là Malaysia, Indonesia.
Tâm lý, bản lĩnh chiến đấu là thứ cần phải được tôi rèn qua thời gian và qua nhiều trận chứ không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, chính HLV Troussier mới đây cũng phải kêu gọi các CLB hãy trao cơ hội nhiều hơn cho các cầu thủ trẻ, để họ trưởng thành hơn cả về chuyên môn lẫn tinh thần.
Sẽ là khập khiễng nếu so sánh hai đội U22 Việt Nam ở hai thời điểm khác nhau, giữa thời HLV Hữu Thắng và thời HLV Troussier. Ở giải năm nay, U22 Việt Nam sẽ thi đấu bằng một triết lý khác, sự chuẩn bị của toàn đội cũng như các đối thủ cũng không giống với giải đấu năm xưa. Tuy nhiên, U22 Việt Nam dưới trướng HLV Troussier cũng đang tồn tại một số vấn đề khá tương đồng với điều từng xảy ra dưới thời HLV Hữu Thắng.
Do vậy, "Phù thủy trắng" người Pháp sẽ phải lấy người tiền nhiệm Hữu Thắng làm bài học quý báu, để không đi vào vết xe đổ năm nào.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất