19/11/2019 19:47 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố nổi Venice vốn đã quen với hiện tượng được gọi là “acqua alta” (triều cường). Vậy nhưng, nhưng trận lụt kỷ lục cuối tuần qua đã khiến nó rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp – khi nhiều địa điểm văn hóa đã phải đóng cửa và đang theo dõi thiệt hại do nước gây ra.
Đêm 12/11, nước ngập đã lên tới mức kỷ lục là 1,87m, mức cao nhất trong 53 năm qua và cao thứ 2 trong vòng 100 năm trở lại đây.
Nhiều công trình văn hóa đóng cửa
Bà Petra Schaefer, chuyên gia lịch sử thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đức (cơ quan trao đổi văn hóa và khoa học Đức - Italy) cho biết: “Chúng tôi đã dự đoán mức nước lên tới 1,6m nhưng không hề nghĩ nước lại có thể ngập cao đến vậy”.
Những bức ảnh của Schaefer cho thấy, khu vực lưu trữ của Trung tâm Nghiên cứu Đức đã bị ngập đến đầu gối. Nhiều tập tài liệu và sách tại đây bị ngập trong dòng nước mặn bị gió đẩy vào thành phố cùng với mưa liên tục. Và cần nhắc lại, trung tâm này có trụ sở nằm ngay trong Cung điện lịch sử Palazzo Barbarigo della Terrazza, phía trên Grand Canal - tuyến kênh đào chính chảy qua Venice.
Riêng quảng trường St.Mark, trung tâm của Venice, đã hoàn toàn ngập trong nước từ tối ngày 12/11. Sáng hôm sau, nhiều khách du lịch và người bản địa vẫn lội qua quảng trường trong những đôi ủng cao su. Nhưng đến tối, chỉ có cảnh sát ngồi ở quảng trường trên những chiếc thuyền.
Nhà thờ Thánh Mark, có niên đại từ thế kỷ 9 và là công trình mang tính biểu tượng của Venice, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt. Theo truyền thông Italy, có thời điểm, nước trong công trình này ngập tới 1,1 mét. Các hầm mộ thấp hơn mực nước này hoàn toàn bị ngập lụt.
Karole Vail, giám đốc Bảo tàng Peggy Guggenheim, mô tả Venice đang “gặp thảm họa”. Bảo tàng này được đánh giá là một trong những bảo tàng mỹ thuật đặc biệt nhất châu Âu với những kiệt tác đa dạng, trong đó có chủ nghĩa siêu thực, lập thể và biểu hiện trừu tượng.
"May mắn thay, nhân viên bảo tàng đã làm việc rất tích cực và linh hoạt nên các bộ sưu tập không bị hư hại” - Vail nói thêm và cho biết: bảo tàng tư nhân này phải đóng cửa đến ngày 14/11.
Rộng hơn, rất nhiều công trình và thiết chế văn hóa ở Venice đã buộc phải thực hiện biện pháp phòng ngừa tương tự và đóng cửa. Đó là Teatro La Fenice, nhà hát opera lớn nhất và nổi tiếng nhất của thành phố; là khu vực Castell - nơi cứ 2 năm lại trở thành địa điểm chính cho Hội chợ nghệ thuật Quốc tế Venice; là Palazzo Grassi nằm trên bờ Grand Canal - nơi đang tổ chức triển lãm các tác phẩm của họa sĩ Bỉ Luc Tuymans. Khu vực nhà máy đóng tàu lịch sử Arsenale hiện cũng khó để du khách tiếp cận, khi các “vaporettos” (taxi nước) không hoạt động.
Hệ quả từ cơn sốt du lịch
Bên cạnh lời đề nghị hỗ trợ lập tức cho Venice, giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thuộc UNESCO, bà Mechtild Rossler cũng cho biết: thành phố nổi này có khả năng sẽ bị xếp vào danh sách khuyến nghị của UNESCO (vốn được áp dụng với các di sản đang bị xâm hại và có thể bị UNESCO rút bỏ danh hiệu nếu việc xâm hại diễn ra ở mức nghiêm trọng).
“Chúng tôi đang đợi các báo cáo của Italy và sau đó chúng tôi sẽ công bố các phân tích của mình với Ủy ban UNESCO” - bà Rossler cảnh báo - “Năm 2015, chúng tôi đã đề xuất đưa Venice vào danh sách khuyến nghị”.
Ở thời điểm đó, Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO đã tuyên bố rằng nếu không đáp ứng được một số yêu cầu nhất định, Venice “nhiều khả năng sẽ là thành phố bị đưa vào danh sách khuyến nghị”.
Hiện tại mỗi năm Venice đón được hơn 22 triệu khách du lịch. Chỉ khoảng 55 ngàn cư dân vẫn sống ở trung tâm thành phố, trong khi con số ấy vào năm 1951 là 175 ngàn người. “Chúng tôi không muốn có một thành phố đóng khung như một bảo tàng, mà phải là một thành phố thật sự, nơi mọi người có thể sống cuộc sống của mình” - Rossler bày tỏ. Tuy nhiên, thực trạng này hiện đang rất khó giải quyết khi thành phố này đang sống nhờ vào khách du lịch.
Bên cạnh việc quá tải về du lịch ở Venice, UNESCO còn bất bình với các tàu du lịch khổng lồ chở tới 6 ngàn hành khách thường xuyên đi qua Grand Canal.
“Sóng do các con tàu tạo nên sự xói mòn, gây hư hại các công trình” - Rossler cho biết.
Thực tế, một hệ thống bảo vệ sóng lũ, các rào cản di động của dự án MOSE trị giá hàng tỷ USD đã được xây dựng trong nhiều năm. Tuy nhiên, việc hoàn tất dự án này đang bị đình trệ do dính bê bối. Chưa kể, với dự án này, các chuyên gia dự tính rằng trong trường hợp lũ lụt, hệ thống cổng di động có thể kìm hãm sóng thủy triều của Địa Trung Hải nhưng cũng không thể ngăn chặn được sự thay đổi khí hậu.
Nhiều năm trước, UNESCO đã liệt kê các hậu quả của biến đổi khí hậu đối với các Di sản thế giới ở khu vực Địa Trung Hải. Theo nghiên cứu, lượng mưa lớn và mực nước biển dâng cao chỉ là những tác động dễ thấy nhất, cùng với những cơn gió mạnh liên tục đẩy nước vào vùng phá nước này khiến mức triều cường tăng cao đáng lo ngại.
Rõ ràng là Venice bị ảnh hưởng nặng nề do thay đổi khí hậu. Danh hiệu Di sản thế giới - được UNESCO công nhận từ từ năm 1987- có thể trở thành một chiếc “boomerang” phá vỡ nhịp sống tự nhiên của thành phố này, trước cơn sốt du lịch không được kiểm soát.
Thành phố duy nhất châu Âu không có xe hơi Venice nổi tiếng với những kênh đào và thành phố này còn được mệnh danh là “Thành phố kênh đào’ cùng với nhiều cách gọi khác. Venice được xây dựng trên một quần đảo với 118 đảo do khoảng 150 kênh đào và một cái phá cạn tạo thành. Những hòn đảo trên đó được nối với nhau bằng khoảng 400 cái cầu. Venice là khu đô thị rộng nhất châu Âu không có xe hơi, không hoạt động giao thông như một thành phố bình thường trong thế kỷ 21 khi hoàn toàn không dựa vào xe ô tô, kể cả xe tải. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất