11/10/2023 15:00 GMT+7 | Văn hoá
Katê (Katé hoặc Mbang Katé) là lễ hội quan trọng của người Cham Ahier. Katê diễn ra vào ngày 1 đến 15 tháng 7 Cham (Chăm) lịch, tính theo dương lịch thì Katê thường rơi vào tháng 10. Tháng 10 mùa Thu, như ca từ bài hát của cố nghệ sĩ Trà Vigia: "Về đây Katê mùa Thu/ Đường lên đồi tháp mây mù/ Phan Rang - nẻo về muôn lối/ E người, lối hẹn lời ru".
Thực vậy, nhắc đến Katê nghĩ ngay đến hoạt động nghi lễ của người Cham trên các cụm đền tháp ở Ninh Thuận, Bình Thuận vào mùa Thu.
Ở Ninh Thuận, lễ Katê chính diễn ra trên 3 đền tháp: Po Inâ Nâgar, Po Klaong Garay, Po Ramé. Chủ trì nghi lễ là Po Adhia, tầng lớp chức sắc cao nhất của cộng đồng Cham Balamon. Xung quanh là lễ vật người dân dâng cúng lên thần linh, có cả người Cham Awal tham dự. Với người Cham ở Bình Thuận, nghi lễ diễn ra trên đền tháp Po Sah Inâ, Po Dam. Sau nghi lễ trên đền tháp, nghi lễ và phần hội mới diễn ra ở các làng và từng hộ gia đình.
Ngày đầu Katê, nghi lễ diễn ra ở ngôi đền Po Inâ Nâgar (Hamutanran), người Raglai mang y phục và các lễ vật tới đền để làm nghi lễ tắm rửa mặc áo cho Po. Ngoài lễ chính được Po Adhia hành trong đền tháp, tên của vị thần Śiva được nhắc tới đầu tiên trong câu: "Oṃ Nama Śibaya…" sau mới tới nghi thức Ong Kadhar hát tụng công đức của các vị vua chúa, các vị thần khác.
Với người Cham, lễ Katê diễn ra từ ngày 1 - 15 tháng thứ 7, là lễ dành cho các Nam thần và cũng là lễ để tạ ơn đến tổ tiên, các bậc tiền nhân, những bậc vua chúa có công xây dựng xứ sở. Mọi ý là vậy, nhưng trước đó, nghi lễ dành cho Mukhaliṅga trên đền tháp rất rõ nét. Trước năm 1965, nghi lễ Katé trên đền tháp, palei, gia đình không xôm tụ và vui hội như sau này.
Vậy lễ Katê xuất hiện khi nào?
Lễ Katê xuất hiện lúc nào thì nhiều người vẫn còn "tranh luận". Có người cho đó là "tục lệ" bản địa, không mang dấu ấn Hindu giáo. Có người thì nói rằng đấy là lễ hội truyền thống từ thời cổ xưa.
Trong bi ký Campā cổ, các tháng trong năm xuất hiện giống với các tháng trong Śaka lịch. Điều này được minh chứng qua hơn chục bi ký ít ỏi mà Campā còn để lại, chỉ biên ngày, tháng, năm mà vị vua đang trị vì làm lễ trên đền tháp, như: lễ tháng Śuci (tháng Jyeṣṭha), lễ tháng Vaiśākha và tháng Puṣya, lễ tháng Mārgaśīrṣa, lễ tháng Phālguna.
Còn về "lễ" Katê có tên rõ ràng thì chưa có bi ký nào ghi, ngoại trừ từ śrāddha được lặp đi lặp lại nhiều lần trong bi ký từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV, có ngữ nghĩa liên quan tới nghi lễ. Còn trong đời sống người Cham bây giờ, lịch Śakawi vẫn định tháng, ngày cho những lễ, từ lễ Katé, Ca-mbur, Yuen-yang, Peh Ba-mbeng Yang đến đám cưới, đám tang…
Xem lại từ điển Cham-Pháp của E. Aymonier - A. Cabaton (1906), có hai từ liên quan tới Katê. Từ thứ nhất là từ Katé (tr. 49), từ này xem Katê là từ xuất nguồn từ tiếng Phạn Kārtika कार्त्तिक , nhưng vẫn còn đặt dấu nghi vấn. Nghĩa từ Katê: lễ tháng 7 của người Cham. Từ thứ hai là từ Nâ-Katé ở (tr. 243), nó có nghĩa: lễ tháng 5 của người Cham.
Kārtika (hoặc Kārtik, Kārti như nhiều quốc gia ảnh hưởng Hindu giáo thường gọi) là một tháng trong lịch Śaka, nghĩa là tháng thứ 8 (theo kinh Veda). Trong các nước ảnh hưởng Hindu giáo, lịch Tamil cũng định tháng Kārtika là tháng thứ 8. Nhưng lịch các nước như Nepal, Maithili, Bengali hoặc Sakawi, lịch của người Cham Ahiér, lại lệch đi, họ định tháng Kārttika là tháng thứ 7.
Ở Ấn Độ hoặc các nước ảnh hưởng Hindu giáo trong tháng Kārtik có nhiều lễ hội mang tính truyền thống, kéo dài từ kỳ trăng non đến lúc trăng rằm và qua tới kỳ trăng khuyết. Tùy lễ mà mang ý nghĩa khác nhau.
Vậy thì gốc nguồn của lễ Katê được diễn giải như thế nào cho hợp lý? Nó có phải "tục lệ" của dân bản địa Pāṇḍuraṅga, hoặc nó là lễ truyền thống từ thời "vương triều mặt trăng - Somavaṃśa" - của Campā, một vương triều có liên hệ mật thiết trong kinh sách Hindu giáo? Đến nay, rất tiếc, vẫn còn là các câu hỏi.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất