09/01/2020 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa kết thúc vào đầu tuần này (6/1), triển lãm Chuyện áo dài của nhóm họa sĩ G39 và một số nhà thiết kế đã mở ra những xúc cảm đặc biệt về tà áo truyền thống của người Việt.
Áo dài, như lời của họa sĩ - giám tuyển Lê Thiết Cương, là đề tài cũ mà chưa bao giờ cũ. Bởi, đó là biểu tượng của người con gái Việt, và cũng là cảm hứng để hàng loạt thế hệ nghệ sĩ đưa vào các tác phẩm của mình
Câu chuyện sinh động về áo dài Việt
"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông..."- hình ảnh áo dài trong bài thơ Áo lụa Hà Đông của Nguyên Sa - hay hình ảnh nữ sinh với tà áo dài “Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong/ Hôm xưa em đến mắt như lòng” trong thơ Huy Cận đều được nhắc tới tại triển lãm. Trong lịch sử, từ những năm 1930, nhà thiết kế Cát Tường đã mở ra câu chuyện của áo dài khi cách tân áo tứ thân thành hai thân, tức áo dài ngày nay.
Hình ảnh tà áo dài vốn quen thuộc trong hội họa, khi nó in dấu trong sáng tác của bộ tứ hội họa đầu tiên (Trí, Lân, Vân, Cẩn) đến bộ tứ thứ hai (Phổ, Thứ, Lựu, Đàm), bộ tứ thứ ba (Nghiêm, Liên, Sáng, Phái). Điển hình, năm 1938, Nguyễn Gia Trí lần đầu đưa trang phục này vào hội họa qua tác phẩm: Các thiếu nữ bên hồ sen chất liệu sơn mài. Sau đó là Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân sáng tác năm 1943. Cô gái bên hoa sen (1972) của Nguyễn Sáng là một trong những tác phẩm hội họa hiện đại Việt Nam đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất, miêu tả một cô gái mặc áo dài trắng ngồi bên một bình hoa huệ tây (hoa loa kèn).
Như chia sẻ, chuyện tôn vinh và bảo vệ áo dài là câu chuyện chung của người Việt, trong đó nghệ sĩ thì lên tiếng bằng chính tác phẩm của mình. Chính vì vậy họa sĩ Lê Thiết Cương cùng nhóm họa sĩ G39, các nhà thiết kế thời trang quyết định mở triển lãm Chuyện áo dài tại Ngon Garden - 70 Nguyễn Du - Hà Nội.
“Nhóm họa sĩ G39, tôi và những họa sĩ, nhà thiết kế nghĩ rằng đó là cách thể hiện đẹp nhất và đáng tự hào nhất về tà áo dài nét đẹp truyền thống của dân tộc. Bên cạnh những tác phẩm mới, những tác phẩm được trưng bày tại đây cũng có rất nhiều bức được vẽ từ thập niên 1980” - họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ ý nghĩa của triển lãm - “Qua đó, có thể thấy tà áo dài Việt Nam là nét đẹp truyền thống, là đặc trưng của con gái Việt Nam đã từ xưa đến nay”.
Tình yêu từ quá khứ cho tới tương lai
Triển lãm được chuẩn bị trong khoảng năm tuần, đa phần là những tác phẩm sáng tác từ trước, được Lê Thiết Cương tập hợp. Những tác phẩm mới đều được nhóm G39 sáng tác. Theo lời Lê Thiết Cương, để quy tụ những bức tranh cũ, anh gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, để có được tác phẩm Thiếu nữ Hà thành (1978) của cố họa sĩ Lưu Công Nhân trong triển lãm, họa sĩ Lê Thiết Cương phải vào TP.HCM để thuyết phục một nhà sưu tầm cho mình mượn tranh. Đồng thời để có được bức Đi chùa (1995) để treo trong không gian Chuyện áo dài anh cũng phải thuyết phục con gái cố họa sĩ Nguyễn Bích nhiều lần.
“Tà áo dài Việt Nam quá đẹp. Từ kiểu dáng đến cách thức thể hiện đều tôn lên nét đẹp hình thể của người con gái Việt. Trong cuộc sống từ xưa đến nay phụ nữ vẫn thường diện áo dài trong những dịp đặc biệt, áo dài trở thành “quốc phục” của dân tộc, đi vào thơ ca, nghệ thuật, hội họa một cách rất tự nhiên và sức sống” - họa sĩ Lê Thiết Cương không giấu nổi sự tự hào khi nói về triển lãm - “Tôi hy vọng hàng chục năm sau vẫn có nhiều nghệ sĩ đưa áo dài vào trong tác phẩm của mình một cách độc đáo nhất”.
Đem đến triển lãm 3 tác phẩm, họa sĩ Lâm Đức Mạnh cho biết: Ý tưởng vẽ áo dài đến với anh rất đơn giản. Chúng xuất phát từ chính hình ảnh gần gũi đời thường của bà, mẹ của những cô gái Việt ăn sâu trong tâm trí, để rồi anh hoàn thành tác phẩm của mình.
“Những người con gái, những người phụ nữ lôi cuốn mọi ánh nhìn bởi vẻ đẹp xinh xắn, e lệ dịu dàng thùy mị trong những tà áo dài thướt tha. Hình ảnh ấy dường như đang nhạt dần trong cuộc sống gấp gáp hiện nay” - họa sĩ Lâm Đức Mạnh cho biết - “ Khi vẽ những tác phẩm về áo dài, tôi cảm thấy có những điểm rất thú vị, chẳng hạn như sự tinh tế của đoạn xẻ tà. Áo dài Việt xẻ tà rất vừa phải, vừa khiến cho người phụ nữ khi mặc tạo được sự duyên dáng, e ấp, ý nhị”.
Chuyện áo dài giới thiệu đến công chúng 46 tác phẩm, trong đó có 30 tranh, 10 ảnh và 6 áo dài của nhiều tác giả như: họa sĩ Võ Lương Nhi, Nguyễn Hồng Phương, Hoàng Phương Liên, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Lâm Đức Mạnh, Tào Linh, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Bình Nhi, Lê Thị Minh Tâm… |
An Đạt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất