Vatican tiếp tục rung chuyển bởi những bí mật động trời bị phanh phui

03/11/2015 10:57 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà báo điều tra nổi tiếng Emiliano Fittipaldi và Gianluigi Nuzzi có lẽ không hề hy vọng những cuốn sách sắp xuất bản của mình về các bê bối đằng sau những bức tường của Tòa thánh Vatican lại có thể được quảng cáo tốt đến thế bằng những sự kiện liên quan.

Hôm 2/11, một thông cáo của Vatican cho biết về việc họ đã bắt giữ hai quan chức cao cấp của Ủy ban nghiên cứu về các hoạt động kinh tế và hành chính của Vatican (COSEA), một cơ quan đặc biệt do chính Giáo hoàng Francis I lập ra vào năm 2013 để rà soát lại những vấn đề tài chính của Tòa thánh, tìm ra những bê bối và "dọn dẹp" chúng, sau khi một loạt những scandal về sự mờ ám trong các hoạt động tài chính của Vatican bị phanh phui.

Đó là cha Lucio Angel Vallejo Balda, một người Tây Ban Nha, và bà Francesca Immacolata Chaouqui, một phụ nữ xinh đẹp người Italy gốc Maroc. Cả hai bị bắt với những cáo buộc đã cung cấp cho hai nhà báo trên những tài liệu tuyệt mật liên quan đến những vấn đề tài chính của Vatican. Theo luật Vatican, cả hai có thể bị tù từ 3 đến 8 năm.


Hai cuốn sách tiết lộ những bí mật động trời về bê bối tài chính trong lòng Vatican của các nhà báo điều tra Fittipaldi và Nuzzi

Đó là những bí mật gì, từ bê bối mới được báo chí Italy đặt cho biệt danh là "Vatileaks 2" này? Fittipaldi, cây bút nổi tiếng của tạp chí thời sự chính trị L'Espresso nói trên trang HufPost Italia về cuốn sách của mình: "Qua những tài liệu chưa từng được công bố và các điều tra cá nhân, tôi đã viết về sự giàu có của Vatican, về những scandal bị ém nhẹm đi, về những khoản tiêu của các Hồng y, về việc sử dụng những nguồn tài chính của Tòa thánh một cách vô cùng hoang phí. Tôi viết về việc cơ quan phụ trách các tài sản và ngân hàng của Giáo hội (IOR) không hề được làm sạch như truyền thông của Vatican đã khẳng định. Tóm lại, đấy là một Giáo hội đã chống lại những nỗ lực cải cách của Giáo hoàng".    


Đức cha Balda và bà Chaouqui, những người bị Vatican bắt vì để rò rỉ thông tin nhạy cảm của Tòa thánh cho các nhà báo Fittipaldi và Nuzzi

Một phần chi tiết của cuốn sách mà Fittipaldi viết, có tựa đề "Avarizia" (tạm dịch: "Tham lam") sẽ được báo chí đăng tải trước khi nó được chính thức phát hành vào ngày 5/11 và được cho là một quả bom khủng khiếp giáng vào hình ảnh của Vatican. Hình ảnh ấy đã bị hoen ố ít nhiều trong những năm qua bởi hàng loạt các vụ scandal, trong đó có rất nhiều các bê bối về lạm dụng tình dục trẻ em của các giáo sĩ, những bê bối về tài chính liên quan đến nhiều bậc quan chức cao cấp, việc một đức cha là quan chức Vatican công khai mình là đồng tính, đồng thời cho ra mắt công chúng bạn tình của mình và mới đây nhất, những tin đồn đoán về việc Giáo hoàng có một khối u trong não.

Sau đó điều này được Vatican phủ nhận và cho là có một âm mưu của các thế lực nào đó muốn chống lại Giáo hoàng. Cuốn sách của Fittipaldi có thể là một cú sốc lớn nữa cho Giáo hội, khi công khai những khối tài sản bí mật của Tòa thánh cũng như những hoạt động tài chính rất mờ ám của họ trong nhiều năm.


Paolo Gabriele, người hầu của Giáo hoàng Benedict XVI. Gabriele đã bị bắt do để rò rỉ thông tin cho nhà báo Nuzzi trong vụ "Vatileaks 1"

Trong khi đó, cũng chính thức ra mắt ngày 5/11, với tựa đề "Via Crucis" (Đường Thánh giá), cuốn sách của Nuzzi mô tả lại việc Giáo hoàng Francis I đã vất vả như thế nào trong việc tiến hành những cải tổ một Giáo hội đầy scandal và do đó, ngài đã vấp phải sự chống đối của rất nhiều thế lực bảo thủ. Cũng dựa trên nhiều tài liệu mật có lẽ được rò rỉ từ cha Balda và bà Chaouqui, Nuzzi cho biết, Giáo hoàng đã đòi hỏi các quan chức phụ trách tài chính của Tòa thánh phải minh bạch hóa các hoạt động, hạn chế các chi tiêu quá tốn kém và không cần thiết, loại bỏ những người tham nhũng và quản lí kém cỏi. Theo Nuzzi, tình hình tài chính tệ hại của Tòa thánh là một trong những nguyên nhân khiến Giáo hoàng Benedict XVI tuyên bố từ chức vào tháng 2/2013.

Ba năm trước khi cuốn "Via Crucis" ra đời, Nuzzi đã từng gây tiếng vang với việc công bố rất nhiều thông tin mật liên quan đến các rắc rối về tài chính của Vatican. Những tiết lộ động trời đó được đưa ra trong cuốn sách mang tựa đề "Sua Santita" (Đức thánh cha), xuất bản vào năm 2012. Một phần tài liệu quan trọng để viết cuốn sách này do Paolo Gabriele, người phục vụ thân tín của Giáo hoàng lúc đó là Benedict XVI, cung cấp. Vụ scandal đó được đặt biệt danh là "Vatileaks 1", từng ầm ỹ suốt một thời và trở thành một cú sốc với Vatican. Gabriele sau đó bị bắt, bị sa thải và mãi gần đây mới được tha thứ.


Giáo hoàng Francis I

Trong cuốn sách này, ngoài việc đưa ra công luận những vấn đề nghiêm trọng trong quản lí tài chính của Tòa thánh ở cơ quan IOR, Nuzzi cũng đã mô tả thế giới bí hiểm bên trong Tòa thánh, với những cuộc đấu đá nội bộ, những âm mưu bẩn thỉu nhằm loại trừ lẫn nhau giữa các giới chức nhà thờ. Sau cuốn sách trên, Nuzzi đã cho ra mắt một cuốn gây tiếng vang khác (được xuất bản bằng tiếng Anh và Italy), có tựa đề "Những con buôn trong ngôi đền: cuộc chiến bí mật của Giáo hoàng Francis chống lại tham nhũng trong lòng Vatican".

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Khi quả bom đồng tính nổ giữa lòng Vatican

Nhà báo Trương Anh Ngọc: Khi quả bom đồng tính nổ giữa lòng Vatican

Đấy có lẽ là một cuộc họp báo kì lạ và gây chú ý nhất đối với không ít người có mặt: một đức ông trong bộ áo chùng đen nói trước một rừng micro về giới tính thật của mình.


Vatican đã tuyên bố sẽ có những biện pháp để ngăn cản không cho hai cuốn sách mới nhất của Nuzzi và Fittipaldi được xuất bản. Nhưng điều này là không hề đơn giản, vì thời gian còn lại quá ít để yêu cầu các biện pháp về mặt pháp lí. Các nhà xuất bản cũng khẳng định họ không ngại những rắc rối, và tuyên bố, họ phát hành những cuốn sách này là chính để ủng hộ Giáo hoàng trong những nỗ lực cải cách của ngài. Tuần trước, báo chí Italy cũng đưa tin máy tính cá nhân của Libero Milone, chuyên viên kiểm toán của Vatican, đã bị hack. Ông Milone mới được Giáo hoàng bổ nhiệm mấy tháng trước. Vatican thừa nhận cuộc điều tra đã diễn ra, nhưng không bình luận gì về việc vụ hack này có liên quan đến hai vụ bắt giữ như đã công bố hôm 2/11 không.

Tòa thánh đang sống những ngày đầy sóng gió. Quá nhiều vấn đề đã nảy sinh trong thời gian qua. Điều đó khiến cho người ta đặt ra nhiều câu hỏi về việc, phải chăng, bên trong những bức tường kín của quốc gia có chủ quyền nhỏ nhất thế giới ấy, còn rất nhiều điều bí mật chưa được phanh phui, những âm mưu bẩn thỉu của các thế lực chống lại nhau và chống cả Giáo hoàng, người cha tinh thần của hơn một tỉ giáo dân trên thế giới, trong một cuộc chiến vì quyền lực và tiền bạc giữa những người trong giới tu hành?

            Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm