07/07/2012 07:08 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Không biết bao lâu rồi, ở Việt Nam, nghe đến triết học là người ta “nhăn mặt, vò đầu bứt tóc”, xem đây là thứ gì đó “đau đầu lắm”,“nguy hiểm lắm”, nên thành ra sách triết học và người làm nghiên cứu, dịch thuật triết học thực thụ cũng khá khan hiếm, manh mún. Bằng bản lĩnh, kinh nghiệm và những tương tác thật sự với độc giả trong hơn hai năm, Trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn không phải là “tập đại thành” về triết học, nhưng là cách bắc nhịp cầu nhân cảm để độc giả bớt sợ một lĩnh vực bị cho là khô khan này.
Tác giả Bùi Văn Nam Sơn
Những ngưỡng mộ
Nhà phê bình Huỳnh Như Phương nói rằng viết tiểu thuyết feuilleton (dài kỳ) trên báo thì tại Việt Nam, không đâu qua được Sài Gòn trước 1975, nhưng viết triết học dài kỳ trên báo thì mới thấy Triều Sơn (3 kỳ trên tuần báo Mới, năm 1953) và Trần Thái Đỉnh (một loạt bài về chủ nghĩa hiện sinh, trên nguyệt san Bách khoa, 1961-1962, dưới bút hiệu Trần Hương Tử). Viết đến 92 kỳ như Bùi Văn Nam Sơn, lại in trên tuần báo, là một kỷ lục, nó phá vỡ thế đơn điệu và “cùng giống nhau” của báo chí hiện nay. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó không dừng lại ở số lượng bài viết, mà bằng cách viết tường minh, gần gũi, Bùi Văn Nam Sơn đã đưa triết học vào các vấn đề thời sự, để đồng hành cùng số phận của con người, đất nước. “Dù mới chỉ xoáy vào các khái niệm và tri thức triết học thế kỷ 19, nhưng theo tôi, cuốn sách này đã là một bước tiến về nhận thức xã hội”, Huỳnh Như Phương nói.
Nhà ngôn ngữ học Hoàng Dũng tâm sự ông có một chuyên đề cho nghiên cứu sinh là Cơ sở triết học của ngữ học, sách thế giới viết về điều này khá nhiều, thế nhưng, do quá chuyên biệt, không mấy người đọc hiểu. “Những bài trò chuyện triết học của Bùi Văn Nam Sơn không có nhiều thông tin mới, nhưng cách viết lại hấp dẫn, cận nhân tình, qua đây, các nghiên cứu sinh của tôi lại có hứng thú và thêm tường tận khi đọc các sách chuyên ngành. Anh Nam Sơn không có ý định đóng góp về ngôn ngữ, nhưng qua quyển sách này, anh vẫn đóng góp như thường. Tôi cho rằng đây là một bước tiến về xuất bản của Việt Nam”.
Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cũng có ý tương tự, khi thẳng thắn cho rằng dù mình đã trải qua nhiều lớp triết học và chính trị cao cấp, nhưng sự mù mờ vẫn chạy theo bên gót. Sách triết học mua cũng kha khá rồi, nhưng làm sao để “nhập cuộc” và hiểu nó thì không phải dễ dàng. Chỉ đến khi đọc những bài của Bùi Văn Nam Sơn, tự nhiên thấy triết học dễ hiểu, dễ gần; ngay cả với tinh thần dân chủ mà ngày nay đang đề cập như là “mốt”, thì đầu tiên cũng phải đến từ tư duy, tri thức và khoa học - cuốn sách này cũng lý giải điều đó. “Những bài viết của anh Sơn trở thành bài học tư duy cho công việc nghiên cứu của tôi”.
|
Bùi Văn Nam Sơn kể rằng khởi đầu của cuốn sách này là do Trường PACE mời dạy mấy chục tiết về triết học đương đại cho các doanh nhân. Anh đã trăn trở khá nhiều, vì không biết nói sao cho phù hợp, cho hài lòng cả đôi bên; vì lâu nay anh đắm mình trong “tháp ngà” của triết học kinh điển. Sau lớp học này, khi báo Sài Gòn tiếp thị mời viết định kỳ, anh đã biết mình phải viết như thế nào là “đủ độ”.
Tất nhiên đây cũng là xu hướng chung của thế giới hiện nay, khi tại các nước phát triển, họ cũng đang cố gắng “đời sống hóa, bình dân hóa triết học”. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn sách này có những đề mục rất đời, như: Chỉ bán phở mới là quán phở?, Kẻ đại náo cũng cần một trật tự, Cổ thụ ngàn năm hay chậu kiểng một mùa?, Con cóc trong hang, Lưỡi không xương, Bịt mắt bắt dê, Cái thuở ban đầu, Đội bóng Anh và… tôi, Chữ trinh còn một chút này… Trên thế giới, chúng ta có thể bắt gặp những tạp chí có tựa đề như rượu vang và triết học, bikini và triết học, bia và triết học…; rồi với báo chí, khái niệm “journosophe” hay “journosophie” (nhà báo-triết gia) ngày càng phổ biến, nghĩa là khoảng cách giữa triết học và báo chí không phải xa ra, mà gần lại.
Trong buổi trò chuyện, rất nhiều độc giả cũng băn khoăn không biết Bùi Văn Nam Sơn có đang từ bỏ vai trò dịch giả và chú giải triết học (vốn rất am tường, chuyên sâu) để bước sang tác giả - làm công việc của một triết gia? Anh đã không trả lời trực tiếp ý này, mà nói rằng mình vẫn đang làm song song, với ước muốn những cuốn sách nền tảng của triết học Tây phương sớm có bản dịch tiếng Việt, bên cạnh đó là ra các tập tiếp theo của Trò chuyện triết học, vì còn thế kỷ 20 và các vấn đề đương đại cần trao đổi.
Cũng xin nhắc lại, trong một bài trả lời phỏng vấn nhiều năm trước đây với người viết bài này, khi hỏi anh muốn gọi mình là tác giả hay dịch giả, Bùi Văn Nam Sơn cũng không trả lời, mà chỉ nhắc lại một ý của triết gia Phùng Hữu Lan: Đời tôi làm triết gia thì không được, mà làm dịch giả thì không muốn. Và đương nhiên, Phùng Hữu Lan phải làm cả hai.
“Đưa những tri thức khoa học hàn lâm đến với công chúng rộng rãi là rất khó, những tri thức triết học cao siêu càng khó hơn, đòi hỏi một sự uyên bác thật sự cộng với một tài năng đặc biệt không dễ tìm ra. Trong những năm qua, Bùi Văn Nam Sơn đã lặng lẽ và tận tụy làm một lúc cả hai việc: đưa triết học kinh điển và cập nhật ở tầm mức hàn lâm đến cho người đọc Việt Nam, đồng thời tài hoa đến duyên dáng, thường xuyên nói một cách thật giản dị dễ hiểu với công chúng tương đối rộng rãi trong nước những vấn đề khó, tinh tế nhất của triết học. Đóng góp này thật sự to lớn, mang tính khai hóa sâu sắc, chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lâu dài”, nhà văn Nguyên Ngọc. |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất