Triển lãm Truyền thống khoa cử Việt Nam

23/11/2013 05:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hoá khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội tổ chức triển lãm chuyên đề “Truyền thống khoa cử Việt Nam”.

Triển làm trưng bày gần 60 bức ảnh tư liệu về khoa cử, văn bản hành chính Châu bản về Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, Phú Xuân Huế. Đặc biệt với thác bản 82 văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long - Hà Nội, 32 thác bản văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Phú Xuân - Huế, 02 thác bản văn bia Tiến sĩ võ tại Võ Miếu Huế... đã khái quát nên bức tranh chung về các cơ sở giáo dục, đào tạo trong lịch sử; về khoa cử Việt Nam dưới thời Trung đại.


Triển lãm có ý nghĩa lớn về giáo dục và lịch sử

Khoa cử Việt Nam vốn có truyền thống cả ngàn năm, dưới thời phong kiến được đánh dấu từ năm 1075 với khoa thi Tam trường để kén Minh kinh bác học. Trải qua các triều đại như triều Trần, triều Hồ, triều Lê, triều Mạc, triều Lê Trung Hưng và triều Nguyễn, khoa cử và giáo dục Việt Nam được kế thừa, bổ sung và hoàn thiện.

Với 183 khoa thi đại khoa đã tuyển chọn được 2.898 nhà khoa bảng bao gồm Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Tiến sĩ và Phó bảng.

Hình ảnh phục dựng tân Tiến sĩ làm lễ tại đình làng quê nhà

Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Hà Nội và Huế không chỉ là nơi đã đào tạo ra hàng ngàn nhân tài cho đất nước mà còn là nơi hun đúc và bảo tồn nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, coi trọng nhân tài... Triển lãm “truyền thống khoa cử Việt Nam” một lần nữa tiếp tục khẳng định những truyền thống quý báu này.

Bình Nguyên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm