17/07/2019 06:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Đa diện 3 sẽ khai mạc lúc 18h ngày 18/7/2019 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bày 60 tác phẩm của 12 họa sĩ, mà trong đó có 10 người đang sống và làm việc ở miền Bắc. Đây cũng là 10 gương mặt đã tham gia Đa diện 2 tại Hà Nội, nay họ làm cuộc “hành phương Nam”, gặp gỡ Nguyễn Thanh Bình (TP.HCM) và Nguyễn Công Hoài (Đồng Nai).
Các họa sĩ “hành phương Nam” có Tào Linh, Phương Bình, Doãn Hoàng Lâm, Nguyễn Huân, Nguyễn Mạnh Hùng, Bùi Hoàng Dương, Khổng Đỗ Duy, Chu Viết Cường, Dương Tuấn và Nguyễn Minh (Phố). Nếu khách mời đặc biệt của Đa diện 2 là họa sĩ Trần Huy Oánh, thì lần này là Nguyễn Thanh Bình.
Hồn đất Bắc
Xem tác phẩm của 10 họa sĩ miền Bắc, trừ Doãn Hoàng Lâm, Bùi Hoàng Dương và Nguyễn Mạnh Hùng hơi mờ chất Bắc, 7 họa sĩ còn lại đều đậm đặc, đậm từ nhân vật, phong cảnh cho đến bản sắc, phong vị sống.
Với Tào Linh đó là hồn người, hồn quê, hồn phố trong cái nhìn theo hướng tối giản. Với Phương Bình là những biểu hiện về cuộc vẫy vùng của bản tính nữ, muốn vượt qua các định kiến của truyền thống. Với Chu Viết Cường, Dương Tuấn là các phong cảnh hiện thực ấn tượng - đặc biệt Tây Bắc - đẹp và buồn, nơi con người dường như “đi vắng”, như gặp phải “mùa xa nhà”. Với Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Minh, Nguyễn Huân là phố và con người Hà Nội đi qua phôi pha, đi qua ký ức, đi qua những đối lập, dằn vặt.
Nếu so với Đa diện 1 và Đa diện 2 diễn ra tại Hà Nội, nơi công chúng Hà Nội đã ít nhiều quen mắt với hiện thực vùng miền, thì Đa diện 3 có vẻ thú vị hơn với người xem phía Nam, vì họ sẽ có một khoảng cách, một độ lùi nhất định.
Hơn nữa, dấu ấn riêng tư trong tranh vẽ thường rất nhiều, nó rất khác với nhiếp ảnh, nên đứng trước tác phẩm, người xem vừa đối diện với một câu chuyện có vẻ quen, nhưng thực tế cũng khá lạ. Hồn đất Bắc hiện diện ở đất phương Nam, vì thế mà mới mẻ, mơ màng và huyền ảo hơn.
Vượt qua những điểm nhấn về thị giác đơn thuần, câu chuyện mà Đa diện 3 còn thú vị ở khía cạnh tạo hình, nơi mà 12 họa sĩ dường như chẳng ai vẽ giống ai. Từ hiện thực đến ấn tượng, rồi biểu hiện, tối giản, trừu tượng, đôi khi là sự kết hợp các ngôn ngữ, thủ pháp.
Các câu chuyện mà họ gián tiếp đề cập cũng vậy, dù hướng ra ngoại giới hoặc đi vào nội tâm, rất may, mỗi người mỗi vẻ. Nói rất may, vì chơi với nhau một thời gian dài, khi triển lãm chung thường dễ có các tác phẩm na ná nhau, không na ná về bút pháp, thì na ná về tư duy.
Tìm ra diện mạo của riêng mình trong khối đa diện
“Như tên của triển lãm đã gói trọn tiêu chí nghệ thuật của nhóm. Họ coi nghệ thuật là một khối đa diện, mỗi người sẽ soi vào để tìm ra mình trong đó, làm nghệ thuật tức là tìm ra diện mạo của riêng mình trong cái khối đa diện đó. Nói cách khác là mỗi người phải tìm ra một lối riêng để đến với ngôi nhà đa diện ấy”. Đây là nhận định của Lê Thiết Cương với triển lãm Đa diện 2, áp vào Đa diện 3, thấy vẫn còn nguyên giá trị.
Cắt nghĩa về sự dị biệt của từng cá nhân trong Đa diện 3, họa sĩ Nguyễn Minh (Phố) cho biết: “Đây là một nhóm mở, nơi quy tụ các nghệ sĩ ở nhiều lứa tuổi, nhiều vùng miền, nên sẽ có nhiều phong cách, nhiều quan niệm về nghệ thuật. Mở còn bởi nhiều lẽ: Mở ở đề tài, mở trong phong cách thể hiện, mở trong chất liệu, mở trong cá tính của người nghệ sĩ. Nhưng tất cả một điểm chung là luôn muốn đổi mới chính mình để đi xa hơn, khác lạ hơn”.
Chính tinh thần đa diện này mà những giọng nói khác của Doãn Hoàng Lâm, Bùi Hoàng Dương, Nguyễn Mạnh Hùng và cả Nguyễn Công Hoài không những không lạc giơ, mà còn là một sắc màu riêng, một cuộc “chuyển tông” ý vị.
Triển lãm Đa diện 3 kéo dài đến hết ngày 26/7/2019. Một tin vui với nhóm này là dù tranh mới được treo từ ngày 16/7 nhưng đã có một số bức được bán, điều này thêm chứng tỏ sức hấp dẫn của hồn đất Bắc trong cuộc “hành phương Nam”.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất