Triển lãm 'Khắc Hân khắc gỗ': Một kỹ thuật đỉnh cao - một nghệ thuật chiều sâu

06/04/2021 07:07 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân (sinh 1978, Bắc Ninh), đánh dấu 10 năm chuyên tâm với tranh khắc gỗ đen trắng. Với nhiều người trong giới nhà nghề, Khắc Hân khắc gỗ đã bày ra được một kỹ thuật đỉnh cao và một chiều sâu nghệ thuật đáng ngưỡng mộ.

Triển lãm tranh khắc gỗ: 'Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại'

Triển lãm tranh khắc gỗ: 'Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại'

Sau triển lãm 'Nét Xuân 2016 - Di sản văn hóa tranh dân gian Việt Nam' tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tiếp tục đứng ra tổ chức triển lãm 'Nét khắc từ truyền thống đến hiện đại'.

Triển lãm do Quỹ Kim Long và Trung tâm Nghệ thuật Thanh Uy tài trợ, đang diễn ra tại Art Space (42 Yết Kiêu, Hà Nội), bày 15 bức tranh khắc gỗ khổ lớn, trong đó có vài bộ 3 đã đoạt giải trong nước và quốc tế.

Những tranh bộ đáng nể

Ngoài kỹ thuật tranh khắc gỗ thượng thừa, Nguyễn Khắc Hân còn ưu trội ở khả năng sáng tác tranh bộ, với 3 bức, 5 bức, hoặc 6 bức ghép lại, tạo ấn tượng mạnh về thị giác và sự công phu. Những tác phẩm như Hạnh phúc bên ô cửa (70cm x 100cm x 3 tấm), Đánh cắp giấc mơ (70cm x 100cm x 3 tấm), Trong bóng tối (70cm x 100cm x 6 tấm), Biến dạng (70cm x 70cm x 5 tấm), Nhà hộp (30cm x 109cm x 5 tấm), Tập bắn (70cm x 100cm x 5 tấm)… thật sự mang lại một sự trải nghiệm cho người xem, sự ngạc nhiên cho giới làm nghề.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Khắc Hân

Nhà nghiên cứu Nguyễn Nghĩa Phương nhận định: “Loạt tranh lớn được sáng tác với kỹ thuật in khắc gỗ đen trắng thể hiện các hình tượng giàu tính bình luận xã hội không lấy gì làm vui vẻ của Hân thoạt tiên có vẻ nặng nề, kéo cảm xúc của người xem trầm lại. Song, mặt khác, với kỹ thuật khắc và in điêu luyện, tạo hình thuyết phục, những bức tranh khắc gỗ đen trắng mà Khắc Hân tạo ra luôn cuốn hút người xem một cách đặc biệt, tạo cảm giác suy tư tập trung và mãn nguyện như đọc cuốn sách thú vị và bổ ích”.

Với nhiều độc giả trẻ có thể chưa hình dung được tranh khắc gỗ là như thế nào? Đây là một kỹ thuật in ấn trong ngành đồ họa, dùng khuôn gỗ với chạm khắc nổi, thấm mực và in lên giấy. Kỹ thuật này trong tranh dân gian, tranh thờ cúng, tranh Đông Hồ… thường áp dụng. Về lịch sử, kỹ thuật này có thể đã xuất hiện vào thời Lý (1009 - 1225) ở Việt Nam, nhưng phải đến giữa thế kỷ 15, thời Lê sơ, sau khi đi sứ Trung Quốc và học thêm kỹ thuật in ván gỗ, Lương Nhữ Hộc (1420 - 1501) về truyền dạy lại cho dân làng Hồng Lục và Liễu Chàng (Hải Dương), thì khắc gỗ mới trở nên thịnh hành vào các thế kỷ sau đó.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Đánh cắp giấc mơ 2” (khắc gỗ, 70cm x 100cm x 3 tấm, 2018) của Nguyễn Khắc Hân

Tuy lịch sử dài, với nhiều thành tựu trong dân gian, nhưng tranh khắc gỗ lại ít có dịp nổi tiếng kể từ nửa đầu thế kỷ 20 trở về sau. Với những nỗ lực không mệt mỏi để phục dựng và phục hưng tranh đồ họa (nói chung) suốt 30 năm qua, khắc gỗ Việt Nam cũng đã dần lấy lại được phong độ và xuất hiện một số tài năng mới, trong đó có Nguyễn Khắc Hân.

Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2011, chuyên ngành đồ họa, ngay lúc đó đã chọn tranh khắc gỗ đen trắng để sáng tác. Với các vật liệu - chất liệu khác, sáng tác khổ lớn đã khó, với khắc gỗ còn khó hơn gấp bội. Không phải ngẫu nhiên mà đa số tranh khắc gỗ Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua thường chọn tranh khổ nhỏ và vừa, rất hiếm khi sáng tác khổ lớn.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Công trình cho con” (khắc gỗ, 70cm x 100cm x 3 tấm, 2017) của Nguyễn Khắc Hân

Những tác phẩm của Nguyễn Khắc Hân không chỉ lớn về diện tích, mà còn mới mẻ về câu chuyện, tinh tế về kỹ thuật, mỹ cảm về chi tiết. Có lẽ vì vậy mà ngoài các giải thưởng uy tín, tranh khắc gỗ của Nguyễn Khắc Hân đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhiều bộ sưu tập quốc tế và quốc nội chọn lựa.

Từ một khác biệt về lối sống

Tuổi thơ Nguyễn Khắc Hân gắn liền với làng quê, với trò chơi dân gian và các câu chuyện của bà nội, của cô chú. Nhưng có lẽ anh là thế hệ cuối cùng của làng quê trước làn sóng đô thị hóa mạnh liệt, nên con trai đầu lòng của anh (năm 2006) đã xa lạ với những điều trên. Thế hệ mới sống chen chúc hơn ngày xưa, nhưng có vẻ đơn độc hơn, suốt ngày chơi súng nhựa, robot điều khiển từ xa, chơi điện tử, máy móc…

Bộ tranh Một mình 1 (70cm x 100cm x 3 tấm) có lẽ diễn tả rõ nét điều này, khi mà đứa bé trai ngồi chơi xe nhựa một mình giữa “sân đen”, với vòng quay xung quanh là nhưng hình ảnh biểu trưng cho lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ truyền thống.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Một mình 1” (khắc gỗ, 70cm x 100cm x 3 tấm, 2019) của Nguyễn Khắc Hân

Nguyễn Khắc Hân cũng nhận ra những thay đổi trong ý thức và hành vi của nhiều cha mẹ thời nay, khi muốn dồn tâm dồn sức vào xây dựng gia đình theo hướng có nhiều tiền, nhiều vật chất và tiêu dùng, hơn là phát triển văn hóa, giao tiếp, tình cảm…

“Nguyễn Khắc Hân, cũng chung dòng ý thức với không ít các họa sĩ quan tâm đến các vấn đề xã hội, phát hiện và phản biện không nhằm mục đích gì khác ngoài việc truyền tải thông điệp tích cực: Con người hãy thương yêu nhau hơn, quan tâm đến nhau hơn, sống chân thật và thiện với nhau hơn. Đặc biệt, hãy tạo cho những đứa con của mình một cuộc sống đúng nghĩa và hướng chúng tới ngày mai bằng những gì thuộc về giá trị văn hóa truyền thống” - Nguyễn Nghĩa Phương nhận định thêm.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm